Doanh nghiệp cần "trợ thở" và "tiếp máu" để phục hồi sau đại dịch

A. Quân
11/10/2021 - 18:38
Doanh nghiệp cần "trợ thở" và "tiếp máu" để phục hồi sau đại dịch

Ảnh: TTX Việt Nam

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp cần những đồng hành, hỗ trợ gì để vượt qua đại dịch?

Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ

Tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch" tổ chức ngày 11/10, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên ban kinh tế của Quốc Hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng "kiệt quệ". Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, có 85.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 90.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới.

Điều đáng nói là ngay cả các doanh nghiệp duy trì hoạt động tại chỗ được cũng chỉ hoạt động được 10 – 15% công suất, ít doanh nghiệp nào hoạt động được công suất cao hơn vì không thể chịu nổi chi phí quá lớn.

Có thể nói rằng cùng lúc doanh nghiệp phải chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng chống dich, áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hệ lụy về y tế, hệ lụy về kinh tế khắc phục sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian, song hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất. 

"Tôi nghĩ sau cuộc khủng khoảng này, rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường. Bởi họ rất lo lắng, bất an, không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, tổn thất nặng nề nhất đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung", ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Giải pháp “5T” hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch  - Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch". Ảnh: Thanh Hải

Giải pháp "5T" để hỗ trợ doanh nghiệp

Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn mùa dịch, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ nên đưa ra giải pháp "5T". Cụ thể là:

Thứ nhất là "Trợ thở", thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho doanh nghiệp, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.

Thứ hai là "Tiếp máu", đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới. Ví dụ như: thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn.

Thứ ba là "Thúc đẩy" doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp bằng các khóa đào tạo, tập huấn.

Thứ tư là cải cách "Thể chế", cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực Asean. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế.

Thứ năm là "Tổ chức" các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Đối với các doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì cần phải chuyển đổi số. Cách mạng 4.0 chỉ là công cụ, cần có thêm các công nghệ khác cộng hưởng số hóa. Tiếp đến là xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Và yếu tố nữa là xã hội hóa doanh nghiệp. Đây là định hướng chiến lược mà doanh nghiệp cần tính đến bởi  giá trị của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là đánh giá về tài sản mà cần được đánh giá bằng đóng góp cho xã hội. Đó là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm