Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid 19 được chậm nộp thuế 5 tháng

Tuệ Khanh
12/03/2020 - 19:35
Theo Bộ Tài chính, việc giãn thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp sẽ khiến thu NSNN chỉ từ thuế GTGT của các tháng theo quy định giảm khoảng 22.600 tỷ đồng, trong riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là 10.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2020.

Bộ Tài chính cho hay hôm 11/3 đã đưa ra dự thảo đang xin ý kiến góp ý về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường trong diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Theo dự thảo này, sẽ gia hạn 5 tháng cho số thuế giá trị gia tăng phải nộp của các tháng 3, tháng 4 và tháng 5, thuế giá trị gia tăng quý I, quý II và tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020.

Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid 19 được chậm nộp thuế 5 tháng - Ảnh 1.

Đối tượng được gian hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong dự thảo Nghị định này chia làm 3 nhóm:

Nhóm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: Theo số liệu của ngành thuế, trong tổng số các doanh nghiệp đang kê khai và nộp thuế thì có tới 93% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, sẽ có hơn 93% doanh nghiệp của cả nước được chậm nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Nhóm 2 là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt, sản xuất trang phục; Sản xuất giày, dép; Sản xuất sản phẩm từ cao su; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; Sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

Nhóm 3 là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành: Vận tải đường sắt; Vận tải đường bộ; Vận tải đường thủy; Vận tải hàng không; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Theo ông Nguyễn Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, nhưng chỉ cần 1 ngành nghề có trong số những ngành nghề trên cũng sẽ được gia hạn nộp thuế, giải thích.

Như vậy, ví dụ một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành như du lịch và xây dựng bất động sản, lắp ráp ô tô thì sẽ được gia hạn thuế do trong đó có ngành du lịch được xác định là chịu tác động  của Covid-19.

Theo dự thảo, thời gian nộp thuế sẽ như sau:

- Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 3 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020.

- Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 4 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020.

- Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 5 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020.

- Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 6 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.

- Thời hạn nộp thuế GTGT Quý 1 năm 2020 chậm nhất là ngày 30/9/2020.

- Thời hạn nộp thuế GTGT Quý 2 năm 2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020.

Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid 19 được chậm nộp thuế 5 tháng - Ảnh 2.

Được biết, để gia hạn thuế, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý chậm nhất là ngày 31/5/2020 (theo phương thức điện tử hoặc phương thức khác do người nộp thuế lựa chọn). 

Cũng theo quy định, để được gia hạn, giãn thời gian nộp thuế thì người nộp thuế phải kê khai mức độ thiệt hại và được chính quyền địa phương, được cơ quan bảo hiểm xác nhận. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho những đối tượng nộp thuế chịu ảnh hưởng của COVID-19, thì cứ là đối tượng được quy định trong Nghị định là được gia hạn, không cần phải xác định thiệt hại, ông Nguyễn Đình Thi cho biết.

Đặc biệt Nghị định này sẽ không cần thông tư hướng dẫn mà sẽ có hiệu lực thực hiện ngay khi được ban hành vì trong nghị định đã quy định rất rõ, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm