Đôi điều suy ngẫm về hái lộc đầu xuân vào lúc Giao thừa

An Đạo
21/01/2023 - 13:00
Đôi điều suy ngẫm về hái lộc đầu xuân vào lúc Giao thừa

Ảnh minh họa

Hái một cành lộc xuân trong thời khắc đầu tiên của năm mới để mang may mắn, tài lộc về nhà có phải là một phong tục đẹp?

Quan niệm dân gian cho rằng, những cành cây non, những chùm hoa tươi thắm, những cành quả sum suê… tượng trưng cho hạnh phúc tràn đầy, con cháu đầy nhà và mùa màng được bội thu. Hái lộc đầu xuân có phải là một phong tục đẹp?

Dành nhiều thời gian tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cho cuốn sách Hủ tục – Mỹ tục, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường (Hà Nội) chia sẻ một vài quan điểm cần suy ngẫm về tục hái lộc đầu xuân:

"Nguyên đán" là thời khắc mặt trời ló rạng vào ngày đầu tiên của năm. Ứng với ngày này người ta gọi là Tết. Đấy là tên Nôm, xuất phát từ Tiết (đốt tre) – chữ Hán mà ra. Một năm gồm 24 Tiết. Ngày đầu năm mang hàm ý Tiết Xuân. Chẳng biết từ bao giờ, ở nước ta có tục lệ đi hái lộc đầu xuân.

Sách "Tìm hiểu Phong tục Việt Nam qua Tết Lễ Hội Hè" (NXB Văn Nghệ - TP Hồ Chí Minh, năm 2004, trong Tiểu mục Hái lộc, trang 19 – 20), nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh viết: "Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô".

Với tin tưởng lộc hái trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, xưa kia người dân Việt trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn. Tục hái lộc là một tục tốt đẹp. Ngày nay nhiều người khi đi lễ trong đêm trừ tịch – lễ giao thừa còn vác dao đi chặt cây về làm lộc. Thật ra, người ta đã biến tục lệ tốt đẹp trên thành một tai hại cho các nơi thờ tự vậy.

Quả thực vậy, trước thời khắc giao thừa bước sang thềm năm mới, từ già trẻ, trai gái đều đi đền chùa, đi thăm vườn hoa công cộng, đi thăm thú ở đâu đó rồi về xông nhà mình đầu năm với những cành lộc biếc trên tay. Họ trang trọng bày biện trên ban thờ gia tiên. Họ tin rằng đã mang lộc, sự giàu sang vào nhà của mình trong năm mới.

Để rồi ngay ngày hôm sau, mồng Một tết âm lịch khi mọi người ra đường đi chúc Tết nhau, những ai yêu thiên nhiên và hiểu đạo đều thấy chua xót cho những hàng cây bên đường bị bẻ ngọn không thương tiếc.

Nhưng làm gì có chuyện giàu có, hạnh phúc và con cái đề huề với cái tâm triệt phá "chồi non lộc biếc" ngay ngày đầu của năm mới như vậy?

Thử hỏi, nếu người nào, nhà nào đầu năm cũng làm cái việc "vùi hoa, dập liễu" như thế thì cảnh vật mỹ quan xung quanh chúng ta sẽ xấu xí như thế nào? Cây cối sẽ vì thế bị thui chột. Đấy là chưa kể sau đó chừng nửa tháng, thứ lộc rơi lộc vãi cộng với cây đào, cây quất bị nhà nhà vứt la liệt trên đường phố thì bao người lao công dọn dẹp cho xuể. Bằng cách ấy, liệu phải chăng chúng ta đang góp tay vào việc tàn phá "rừng" một cách có chủ ý?

Hái lộc đầu xuân, đôi điều suy ngẫm  - Ảnh 2.

Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn, cho sức sống sinh sôi

Vậy nên, bảo vệ cây là bảo vệ rừng, "rồi rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất cho quê hương". Tôn trọng cây xanh là tôn trọng môi trường sinh thái xung quanh chúng ta – lá phổi xanh của loài người. Đầu xuân chúng ta nên trồng thêm cây, "để cho đất nước càng ngày càng xuân".

Nếu có đi lễ chùa, lễ đền miếu, chúng ta chỉ cần thành tâm cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt. Cầu cho mọi người đều yêu thương lẫn nhau, hạnh phúc và bình an… Làm được như thế, đó là chân hạnh phúc!!!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm