pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền chính sách đến cơ sở, đến người dân
Đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền chính sách đến cơ sở, đến người dân
Tại Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở thông tin và truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương để triển khai Dự án 6 - Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc, đã trình bày Báo cáo chuyên đề "Đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới.
Theo ông Phạm Chí Trung, kinh tế - xã hội của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay phát triển không đồng đều và còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên, xã hội...
Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển, chênh lệch mức sống giữa các dân tộc thiểu số, giữa dân tộc thiểu số với dân tộc đa số và giữa các vùng miền vẫn vẫn có xu hướng ngày càng doãng ra.
Trong 53 dân tộc thiểu số hiện nay, có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù. Do đó, khắc phục sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội giữa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của chính sách dân tộc ở Việt Nam trong thời gian tới.
Quan điểm của Đảng về thực hiện công tác dân tộc
Ông Phạm Chí Trung cho biết, Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khẳng định: "Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị".
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: "Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Nhiều chính sách dân tộc đặc thù được ban hành nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số
Các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách dân tộc đặc thù riêng, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhiều địa phương ban hành đề án, kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề thực hiện các chính sách dân tộc về giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển làng nghề và du lịch, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Các địa phương đã đưa chỉ tiêu về giảm nghèo vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và xây dựng giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện chính sách.
Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2020, tình hình vùng DTTS&MN đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất các các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị:
- Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng DTTS&MN. Đến năm 2019, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa...
- Kinh tế tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; bước đầu phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những thành quả quan trọng, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm: Bình quân toàn vùng DTTS&MN giảm 2-3%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn, giảm 3-4%/năm; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) là điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả hơn công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể và chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, cùng với các CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sẽ là động lực, luồng sinh khí mới cho thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2030.
Đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền chính sách đến cơ sở, đến người dân
Để thúc đẩy sự phát triển tại vùng DTTS&MN, cần gắn chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN với các nâng cao nhận thức và các chính sách xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.
- Với hoạt động nâng cao nhận thức cho bà con, cần đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách đến cơ sở, người dân.
Cụ thể như: tổ chức truyền thông, tuyên truyền và phân phối thông tin theo nhiều kênh khác nhau như: truyền hình, phát thanh, báo chí, internet, tuyên truyền lưu động phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương về chủ trương, chính sách dân tộc và chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.
Qua đó thông tin rộng rãi về các mô hình và kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở các vùng sinh thái, với các quy mô khác nhau.
- Để xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, cần quan tâm xây dựng lực lượng chính trị trong vùng đồng bào các DTTS để họ tự đảm nhận công việc tại cơ sở, đưa dân tộc mình tiến lên cùng các dân tộc khác. Phát huy vai trò của những người có uy tín (già làng, trí thức DTTS) trong quá trình củng cố và tăng cường khối đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, đổi mới công tác dân vận, công tác vận động quần chúng, thật sự hướng về cơ sở, nhất là các thôn, buôn vùng đồng bào các DTTS, đồng bào có đạo. Nội dung, phương pháp vận động cụ thể, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý của đồng bào.
Công tác vận động quần chúng phải được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hệ thống chính trị các cấp, trong đó, cấp cơ sở có trách nhiệm chủ động, tự lực, trực tiếp thực hiện. Các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh các phong trào hoạt động của quần chúng và cử cán bộ tham gia các đội công tác phát động quần chúng. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng có tâm huyết, biết nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Một số hoạt động có thể giao trực tiếp như: Quản lý tín dụng giao cho Hội LHPN, mô hình kỹ thuật giao cho Đoàn thanh niên hoặc tổ chức khác tùy theo điều kiện từng nơi...
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc, đã nêu ra một số mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước;
- Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10%;
- Đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác sắp xếp, ổn định dân cư ở nơi cần thiết; đến năm 2030 phấn đấu 70% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới;
- Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu đến hết năm 2025 có 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống, hoạt động thường xuyên, có chất lượng;
- Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương;
- Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.