pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đột phá: Người phụ nữ đầu tiên được ghép thận lợn và tim nhân tạo cùng lúc
Ngày hôm qua, 25/4, các bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ cho biết họ vừa ghép một quả thận lợn biến đổi gen vào người một bệnh nhân, đánh dấu lần thứ hai ca phẫu thuật ghép nội tạng của lợn sang người như thế này được thực hiện.
Bệnh nhân tên là Lisa Pisano, một người phụ nữ 54 tuổi, bị suy tim và suy thận giai đoạn cuối. Nếu không được điều trị, cô sẽ chỉ sống thêm được vài tuần.
Các bác sĩ tại Viện Cấy ghép Langone, Đại học New York, đã quyết định thực hiện hai ca phẫu thuật liền nhau cho Pisano. Cô ấy đã được ghép một thiết bị tim nhân tạo, trước khi tiếp tục phẫu thuật để ghép một quả thận lợn.
Đây là ca phẫu thuật ghép thận lợn lên người đầu tiên cho một người phụ nữ còn sống và là ca ghép tạng "combo" kết hợp đầu tiên trên thế giới, trong đó một bệnh nhân nhận đồng thời một quả thận từ động vật và một trái tim nhân tạo.
Robert Montgomery, Giám đốc Viện Cấy ghép Langone, đồng thời là bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho Pisano, nói với các phóng viên rằng ca phẫu thuật này là một "cột mốc quan trọng trong hành trình đảm bảo nguồn cung nội tạng để cứu sống bất kỳ ai cần chúng".
Thật vậy, chỉ tính riêng ở Mỹ, mỗi năm đã có khoảng 63.000 bệnh nhân cần ghép thận. Hơn 2/3 trong số đó, giống như Lisa sẽ không thể chờ cho tới khi có một quả thận phù hợp với cơ thể cô ấy.
Kết quả là có tới 43.000 bệnh nhân tử vong mỗi năm do không đợi được thận hiến tặng. Con số nhiều hơn cả số ca tử vong trong các vụ án mạng, HIV cũng như tai nạn xe hơi cộng lại.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, từ lâu, các bác sĩ đã muốn tìm cách cấy ghép nội tạng từ động vật sang người, trong một lĩnh vực gọi là "xenotransplant", hay cấy ghép dị chủng.
Hàng trăm các cuộc thử nghiệm cấy ghép dị chủng đã được thực hiện trong vòng 300 năm trở lại đây, từ ghép tinh hoàn dê, tim khỉ cho đến tim lợn sang người nhưng đều đưa tới thất bại.
Một lý do cơ bản là nội tạng động vật về bản chất không không phù hợp với con người, cơ thể chúng ta sẽ sớm đào thải chúng. Lĩnh vực cấy ghép dị chủng giậm chân tại chỗ cho tới tận thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21.
Sự phát triển củacông nghệ sinh học trong những năm gần đây đã giúp cho Revivicor, một công ty con của hãng dược phẩm United Therapeutics, tạo ra được những con lợn biến đổi gen. Những con lợn này được chỉnh sửa DNA để có thể tạo ra những nội tạng mang gen người, phù hợp hơn với con người sau khi cấy ghép.
Năm 2021, Revivicor đã mang một quả thận lợn của họ tới Viện Cấy ghép Langone, để bác sĩ Montgomery thực hiện ca cấy ghép thận từ lợn sang người đầu tiên trong lịch sử - cho một người phụ nữ suy thận và chết não.
Quả thận lợn của Revivicor đã được treo bên ngoài đùi bệnh nhân trong vòng 54 tiếng, trước khi cô ấy được rút ống thở trong quy trình an tử.
Trong vòng 54 tiếng đó, thận lợn đã tạo ra nước tiểu và đưa mức creatinine - một chỉ số đánh giá suy thận - của bệnh nhân về ngưỡng bình thường. Nó cũng không có dấu hiệu bị cơ thể bệnh nhân đào thải.
Thành công trong thử nghiệm này là tiền đề cho bác sĩ Montgomery thực hiện ca ghép thận lợn sang người lần thứ hai. Bệnh nhân được chọn lần này là Pisano, một người phụ nữ vẫn đang sống chứ không phải người chết não.
"Khi Pisano đến bệnh viện, tiên lượng của cô ấy đã rất nặng. Thời gian sống có lẽ chỉ còn tính bằng tuần, thậm chí bằng ngày", bác sĩ Montgomery chia sẻ với NPR.
Đó là hậu quả của nhiều năm ròng chống chọi với bệnh tiểu đường. Cô ấy bị suy tim và trong khi cũng đang phải chạy thận để kéo dài mạng sống.
"Tôi thực sự sống mà chẳng ra sống. Tôi chẳng thể làm gì cả, chỉ có thể ngồi một chỗ. Tôi không thể đứng dậy và làm bất cứ việc gì. Tôi thậm chí không thể tự nấu được bữa tối, không thể hút bụi nhà", Pisano, người đã lên chức bà ngoại, chia sẻ.
"Tôi thậm chí không thể chơi với mấy đứa cháu của mình vì tôi không thể cúi xuống, cúi xuống để bế chúng. Tôi không thể làm gì với mấy đứa nhỏ. Đó là cảm giác tệ hại nhất trên đời. Điều đó khiến tôi thực sự thấy đau lòng. Tôi gần như muốn buông xuôi rồi".
Dựa trên những quy định tại Mỹ, Pisano không đủ điều kiện để ghép nội tạng người, vì cô ấy mắc quá nhiều bệnh nghiêm trọng - những quả thận hiến tặng phải được tiết kiệm hết sức, chỉ dùng để cứu các bệnh nhân phù hợp nhất với chúng và có cơ hội sống cao nhất.
Cực chẳng đã, Pisano chớp lấy cơ hội để có được quả thận lợn của Revivicor. "Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: 'Wow, tôi thậm chí còn không thể tin được điều đó là có thể", cô nói, "Tôi sẽ thực hiện ca phẫu thuật này".
Thông cáo báo chí của Viện Cấy ghép Langone cho biết ca phẫu thuật ghép thận lợn sang cho Pisano đã được thực hiện vào ngày 12/4 vừa rồi. Trước đó 10 ngày, cô ấy cũng đã được ghép một thiết bị tim nhân tạo.
Hiện tại Pisano đang trong quá trình hồi phục. Bác sĩ Montgomery cho biết, về cơ bản, cô ấy đã trải qua giai đoạn theo dõi thải ghép quan trọng nhất. Cơ thể cô ấy đã dung nạp quả thận lợn và không có dấu hiệu đào thải.
Đây là cơ sở để Viện Cấy ghép Langone công bố về trường hợp cấy ghép dị chủng của Pisano. Họ gọi đó là một thành công:
"Thận của bệnh nhân hoạt động còn tốt hơn cả thận của bạn hoặc của tôi. Vì vậy, chúng tôi rất lạc quan rằng cô ấy sẽ có thể sớm về nhà, chơi với lũ trẻ và sống một cuộc đời thoải mái hơn", bác sĩ Montgomery nói.
Về phần mình, Pisano cho biết: "Tôi cảm thấy ngày càng tốt hơn và khỏe hơn mỗi ngày. Tôi đã tìm lại được một phần bản thân mình - chưa phải là toàn bộ, nhưng tôi đang trên đường đi tới đó".
Ca phẫu thuật tại Viện Cấy ghép Langone.
Năm ngoái, bác sĩ Montgomery cũng đã thực hiện hai ca cấy ghép dị chủng liên quan đến việc ghép tim lợn sang cho người sống. Thật không may, cả hai bệnh nhân hiện tại đều đã tử vong.
Tuy nhiên, với ca phẫu thuật của Pisano, ông tỏ ra lạc quan hơn. Hai tháng trước, một nhóm các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cũng đã ghép thận lợn sang cho một người đàn ông và hiện ông ấy đã ra viện và sống khỏe mạnh.
Pisano hi vọng quả thận lợn sẽ mua được thêm thời gian sống cho cô, ít nhất là 2 năm. "Trên đời này, có một thứ gì đó thì vẫn tốt hơn là không có. Vì vậy, nếu tôi có được hai năm, đó sẽ là hai năm cuộc đời mà trước đây tôi không hề có được", cô nói.