Dự án Luật dân chủ ở cơ sở: Phát huy sâu rộng quyền làm chủ của người dân

PV
22/10/2022 - 18:35
Dự án Luật dân chủ ở cơ sở: Phát huy sâu rộng quyền làm chủ của người dân

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại hội trường chiều 22/10 về Dự án Luật dân chủ ở cơ sở, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh thống nhất thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho mọi người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4 chiều 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thực tiễn thực hiện.

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH Sóc Trăng, tán thành với các nội dung người lao động biết, người lao động bàn, người lao động làm, người lao động kiểm tra, người lao động giám sát và người lao động thụ hưởng. Ở mỗi vai trò khác nhau, người dân, người lao động đều có thể thực hiện dân chủ một cách đồng bộ, thống nhất với những cơ chế đảm bảo được quy định rõ ràng trong luật này hoặc pháp luật khác có liên quan. Từ đó phát huy một bước tích cực sâu rộng quyền làm chủ của người dân. Điều này đã được thể hiện rõ tại Điều 4 của dự thảo Luật về phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự án Luật dân chủ ở cơ sở: Phát huy sâu rộng quyền làm chủ của người dân - Ảnh 1.

Các đại biểu tại phiên họp

Do đó, đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, việc điều chỉnh thống nhất thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho mọi người dân, mọi đối tượng thực hiện quyền làm chủ của mình một cách rộng rãi và trực tiếp nhất như yêu cầu của trung ương. Vì vậy, việc thống nhất luật này cần điều chỉnh vấn đề thực hiện dân chủ ở cả ba loại hình cơ sở là: Ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và ở các doanh nghiệp, hợp tác xã có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng, bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước.

Còn Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở là cần thiết để đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng trong mọi hoạt động của cơ sở, đồng thời quy định riêng với từng loại hình sẽ đảm bảo việc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban này phù hợp với từng loại hình tương ứng.

Đại biểu đề nghị quy định cụ thể về phương thức kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân để thuận tiện trong quá trình áp dụng và thống nhất trong quá trình hoạt động. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng.

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đánh giá cao nội dung quy định về hình thức, nội dung giám sát; xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của nhân dân; trách nhiệm trong việc bảo đảm để nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Tuy nhiên, để nhân dân kiểm tra được, cần có cơ chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp, nếu không hướng dẫn quy trình, cách thức thì sẽ thiếu đi một khâu để thực hiện các nội dung luật quy định. 

Dự án Luật dân chủ ở cơ sở: Phát huy sâu rộng quyền làm chủ của người dân - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội trường

Tiếp thu, giải trình một số ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Dự thảo luật được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản là thể chế hóa phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng", để bảo đảm tính bao quát, thụ hưởng của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thành quả của dân chủ cơ sở, thành quả của sự nghiệp đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc xây dựng luật đảm bảo được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội. Dân chủ ở cơ sở phải gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh, doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm