pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đưa đặc sản lạp sườn gác bếp Bắc Kạn đi khắp mọi miền
Chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy
HTX Nhung Luỹ (thôn Nà Nghè, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và chị Đinh Thị Nhung (Giám đốc HTX) đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng nhiều địa phương qua các sản phẩm đặc sản như lạp sườn gác bếp, bí xanh, thịt lợn, gạo nếp…
Các kênh bán hàng được HTX lựa chọn chính là trên sàn thương mại điện tử, trang cá nhân, website, bán buôn bán lẻ, bán tại chỗ, bán qua hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, siêu thị mini, trạm dừng nghỉ trong và ngoài tỉnh.
Đưa lạp sườn trở thành sản phẩm cạnh tranh
Con đường khởi nghiệp của chị Đinh Tuyết Nhung bắt đầu từ năm 2014. Khi nhìn thấy ưu thế về đất đai cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể, chị Nhung đã đầu tư trang trại chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Dù chất lượng thịt lợn ngon nhưng ban đầu, chị Nhung cũng gặp không ít khó khăn khi giá thịt lợn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, có lúc bấp bênh, không ổn định. Chị luôn trăn trở tìm hướng đi cho riêng mình.
Chị Nhung nhận thấy vào dịp cuối năm, các gia đình thường chế biến lạp sườn gác bếp, thịt gác bếp, một món ăn truyền thống của người địa phương để làm quà biếu. Từ đó, chị Nhung có ý tưởng đưa sản phẩm này trở thành hàng hóa cạnh tranh trên thị trường.
Lạp sườn, thịt hun khói được chế biến theo công thức cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày tại Ba Bể, Bắc Kạn, sử dụng nguyên liệu 100% của địa phương, có một số gia vị mang tính chất vùng miền đã tạo ra một dòng đặc sản địa phương được đông đảo khách hàng biết đến.
Sản phẩm lạp sườn được chế biến theo công thức cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày tại Ba Bể, Bắc Kạn
Từ mô hình này, chị Nhung đã mời một số bà con cùng nhau thành lập tổ hợp tác với 10 thành viên trong đó có 7 hộ nghèo tham gia sản xuất và chế biến những sản phẩm truyền thống như: Lạp sườn treo gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, quả bí xanh thơm. Tuy nhiên, lúc đầu các thành viên trong tổ còn lúng túng trong việc phát triển kinh tế và giảm nghèo, sản phẩm làm ra tiêu thụ còn nhiều khó khăn.
Nhận thấy những sản phẩm đó có thể phát triển trở thành hàng hóa, từ giữa năm 2018 các thành viên đã thống nhất thành lập HTX Nhung Luỹ. Để có chỗ đứng trên thị trường, chị Nhung mang sản phẩm đi đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, làm hồ sơ công bố sản phẩm, gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và phát triển kênh phân phối cho sản phẩm. Sản phẩm lạp sườn của HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, được đóng gói, hút chân không kỹ càng nên được người tiêu dùng đón nhận.
Bên cạnh đó, HTX Nhung Lũy cũng mạnh dạn đem các sản phẩm đặc sản lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp tham gia đề án OCOP mỗi xã phường 1 sản phẩm và được cấp chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020 sản phẩm lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Luỹ tiếp tục đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Với dự án phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ chế biến lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Luỹ do chị Đinh Thị Nhung là Giám đốc đã được chọn là 1 trong những dự án được Hội LHPN Việt Nam trao giải thưởng tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020.
Hướng đến sản phẩm chất lượng cao, bảo vệ môi trường
Mục tiêu của HTX hướng đến là những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường. HTX Nhung Lũy có sự liên kết chặt chẽ với người nông dân và nhà phân phối nên giải quyết được nhiều vấn đề về việc làm, tạo sinh kế cộng đồng bền vững. Quy trình sản xuất được thực hiện theo hướng nông nghiệp sạch hữu cơ, cải tạo đất tự nhiên gắn với công cuộc chống biến đổi khí hậu. Chị Đinh Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Các sản phẩm làm ra cũng được đóng gói bằng bao bì thân thiện, dễ phân hủy như túi giấy, túi nilon phân hủy sinh học… Dù chi phí của bao bì cao hơn nhiều so với loại túi nilon thông thường, đây là tâm huyết của các thành viên HTX với sản phẩm mình làm ra, góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nay, HTX Nhung Luỹ đã có 19 thành viên chính thức với nhiều hoạt động và đem lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để sản xuất có hiệu quả cao hơn, HTX đã thành lập các tổ thành viên liên kết trồng nguyên liệu cho HTX với gần 100 hộ, trong đó có nhiều hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập.