Chị Nguyễn Tú Linh, ở quận Hà Đông (Hà Nội), bỏ ra gần 3,5 triệu đồng mua 1 thiết bị phát hiện dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi của Nga đang được quảng cáo trên thị trường. Về nhà, chị dùng thiết bị đó kiểm tra các loại thực phẩm mà gia đình sử dụng hằng ngày. Sau chừng 20 giây thử dưa hấu, màn hình thiết bị từ xanh lá cây chuyển sang màu đỏ với dòng chữ: “Dangerous concentration of nitrates” (nồng độ nitrat vượt quá mức cho phép). Trong khi nồng độ nitrat trong dưa hấu chỉ được phép 60mg/kg nhưng máy hiển thị 150mg/kg. Còn cà chua cho ra kết quả là 183mg/kg, trong khi hàm lượng cho phép là 150mg/kg...
Thiết bị này chỉ mới xét nghiệm 1 chất là nitrat trong thực phẩm, trong khi thực phẩm có thể chứa nhiều chất độc hại khác.
Thiết bị này chỉ mới xét nghiệm 1 chất là nitrat trong thực phẩm, trong khi thực phẩm có thể chứa nhiều chất độc hại khác.
Một thiết bị đo nồng độ nitrat trong rau, củ, quả và thịt tươi. Ảnh minh họa
Trên thị trường hiện có nhiều thiết bị được quảng cáo có thể “test” nhanh một số chất. Có thiết bị kiểm tra thực phẩm như bộ vali test nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm có thể kiểm tra nhanh nhiều chất như hàn the, formon, nitrit... Bên cạnh đó còn nhiều thiết bị kiểm tra chất lượng nước cũng được bày bán.
Cục An toàn Thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành cho 22 bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm đủ điều kiện theo quy định của Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 18/3/2014 của Bộ Y tế, quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, trong đó có 1 bộ xét nghiệm nhanh dạng máy đo (bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi).
Có thể sai số tới 200%
Theo TS Trần Hồng Côn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, về nguyên lý, chất gì độc vào cơ thể dù ở hàm lượng cao hay thấp đều nguy hiểm, đặc biệt là vượt quá ngưỡng cho phép. Về nitrat, đây là chất cho phép hàm lượng khá cao trong nước (50mg/lít); trong thực phẩm, hoa quả hàm lượng còn cao hơn. Hiện nitrat có trong các thực phẩm đồ ăn nguội, ăn nhanh như lạp xưởng, thịt xông khói... thậm chí còn cao hơn hoa quả mà vẫn được sử dụng bởi hàm lượng cho phép cao. Do đó, nitrat không được liệt vào những chất quá độc như asen mà cần phải xét nghiệm. Những thiết bị xét nghiệm cá nhân chỉ mang tính thử, nghi vấn để khi có nghi ngờ thì mang đi đến các phòng xét nghiệm; kết quả cho ra có thể sai số tới 200%.
“Theo tôi, nếu thiết bị chỉ xét nghiệm được 1 chất nitrat thì người tiêu dùng không nên bỏ tiền ra mua, còn nhiều chất khác cần thiết hơn, nguy hiểm hơn cần xét nghiệm”, TS Trần Hồng Côn, khẳng định.
Hiện nay, để kiểm soát ATTP đối với rau, quả không chỉ có chỉ tiêu nitrat, vì còn có các chỉ tiêu khác như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng... Do bản chất hóa học khác nhau nên các phương pháp được sử dụng để kiểm nghiệm cũng khác nhau, đa số phải thực hiện trong phòng thí nghiệm. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả của thiết bị kiểm tra tồn dư hóa chất trong thực phẩm chỉ mang tính tham khảo và không thể phát hiện mọi độc chất có trong thực phẩm.
“Theo quy định của Thông tư 11/2014/TT-BYT, kết quả thu được từ thử nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, để khẳng định đạt hay không đạt cần phải có các thử nghiệm tiếp theo trong phòng thí nghiệm”, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế.
|