EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm

PV
20/05/2020 - 12:08
EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA

Ngay trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 (20/5), Quốc hội xem xét, thảo luận về Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Theo đánh giá, tác động EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU như thủy sản, dệt may, da giày...

Tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sáng nay (20/5), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Ở góc độ song phương, EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU - ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.

Theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh các tác động chung tới nền kinh tế, Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

EVFTA sẽ tác động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng sẽ có thách thức đối với các ngành: thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics.

Về lao động, việc làm, an sinh xã hội, theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, do nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA.

Đặc biệt, do EVFTA bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp tăng trưởng bền vững hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định có thể mang lại một số thách thức nhất định. Cụ thể, sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm - Ảnh 1.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Đặc biệt, các cam kết về lao động trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam…

Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Ngay trong chiều nay (20/5) Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về Việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định thì nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên, do đó EU đề xuất tách Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thành 02 Hiệp định riêng biệt, bao gồm:

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) chính là toàn bộ nội dung đã được hai bên thống nhất trước đây nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiệp định này thuộc thẩm quyền phê chuẩn của EU.

Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước Thành viên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm