pnvnonline@phunuvietnam.vn
F0 trở nặng tăng, Hà Nội ứng phó thế nào?
Lực lượng y tế Hà Nội chăm sóc F0 điều trị tại nhà ở. Nguồn: TTXVN
Theo thông báo mới nhất của TP Hà Nội (18h ngày 10/1), trong 24h qua, thành phố Hà Nội ghi nhận 2.832 ca bệnh. Đặc biệt, hiện toàn thành phố ghi nhận 450 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Trong đó, 397 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 14 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 6 người thở máy không xâm lấn, 31 ca thở máy xâm lấn và 2 trường hợp phải lọc máu.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, sau khi tăng độ bao phủ vaccine, mở cửa hoạt động trở lại thì số ca nhiễm tăng lên là điều tất yếu.
"Khi xuất hiện nhiều F0 đột ngột, lại chuyển sang mô hình điều trị F0 tại nhà nên đã gây ra sự lo lắng, thiếu bình tĩnh cho người bệnh. Còn đối với y tế cơ sở, lần đầu tiên phải làm công việc mới mẻ là tư vấn điều trị cho F0, trong khi lực lượng có hạn, chưa chuẩn bị kịp. Khi bệnh nhân liên hệ y tế cơ sở không được nên bệnh nhân đã đến thẳng bệnh viện, gây ra hiện tượng "quá tải ảo" cho hệ thống điều trị", PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích những diễn biến dịch tại thành phố thời gian qua.
6 lần điều chỉnh phân tầng F0
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, các giải pháp chống dịch của thành phố hiện nay là tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19; cung cấp thuốc kịp thời và quản lý chặt F0 tại nhà, hạn chế tối đa chuyển tầng điều trị. Thành phố tăng cường điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, giảm tải cho y tế tuyến trên để các bệnh viện tập trung cứu chữa người có triệu chứng trung bình nặng và nguy kịch.
Tính đến thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội đã điều chỉnh phân tầng F0 lần thứ 6, chia ra quản lý theo mức độ nguy cơ của F0 thay vì dựa vào yếu tố nguy cơ tăng nặng như trước. Cụ thể, tầng ba là F0 có tình trạng cấp cứu, SpO2 (chỉ số nồng độ oxy trong máu) dưới 90%, điều trị tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện hạng một của Hà Nội như Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây; tầng hai là F0 có bệnh nền chưa ổn định, phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con, trẻ dưới 3 tháng tuổi, có SpO2 từ 90 đến 96%, sẽ điều trị tại các bệnh viện tuyến quận, huyện; tầng một là F0 nhẹ, có nguy cơ thấp hoặc trung bình.
Xây dựng kịch bản đáp ứng 100.000 ca nhiễm/ngày
Các kế hoạch chống dịch khác là tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng 100.000 ca nhiễm ban hành hồi cuối tháng 11/2021, trong đó chuẩn bị 8.000 giường bệnh điều trị F0; phương án chuẩn bị oxy y tế hồi tháng 8/2021. Sở Y tế đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C, đã cấp phát 12.000 túi tới các quận, huyện cho F0 đang điều trị tại nhà. Đã có 10.000 F0 đủ điều kiện nhận túi thuốc C, số túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các F0 trong thời gian tới. Còn với gói thuốc A, Sở Y tế đã cấp phát 11.700 gói tới các quận, huyện, số thuốc này do các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ.
TS. Nguyễn Thuý Anh, chuyên gia dịch tễ cho rằng, Hà Nội đang phòng chống dịch đúng hướng. Tuy nhiên, có một số công việc Hà Nội cần làm tốt hơn. Đó là, thay vì mở rộng năng lực hồi sức cấp cứu, điều trị ở tầng ba như dự định, việc Hà Nội cần làm ngay là hợp tác với các bệnh viện tuyến trung ương để điều trị, tránh ách tắc ở tầng ba, đảm bảo kiểm soát tốt tỷ lệ tử vong.
Đối với F0 tại nhà, thành phố cần hỗ trợ tốt hơn để mọi người chủ động test nhanh, cách ly, điều trị tại nhà. Quan trọng là giúp người dân nhận biết các triệu chứng nặng, từ đó điều trị kịp thời.