Giá trị gia đình trong đại dịch Covid-19

Nhu Thụy
26/06/2020 - 08:05
Giá trị gia đình trong đại dịch Covid-19
Mới đây, cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã chia sẻ về gia đình giữa Covid-19: "Chúng tôi có cơ hội ngồi lại với nhau trò chuyện, nhận ra mình có thể khiến bản thân bận rộn mà không cần ti vi hay máy tính. Thực ra chúng ta không cần nhiều thứ như chúng ta nghĩ".

Sợi dây gắn kết yêu thương

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống với nhiều nỗi lo toan từ sức khoẻ đến kinh tế. Khi chứng kiến hàng nghìn cảnh sinh ly tử biệt, mỗi người ý thức hơn giá trị của tình thân gia đình, biết cách chia sẻ với nhau từ những điều hết sức giản đơn để ngày ngày trôi qua trong sự ấm áp bên nhau. 

Mùa dịch Covid- 19, những đứa trẻ, ngoài giờ học online vẫn có nhiều thời gian bên gia đình hơn lúc đi học. Vậy nên, đó là khoảng thời gian được gần gũi với anh, chị, em, ông, bà hay bố mẹ của mình. Còn các ông bố, bà mẹ ở gần con, hiểu con hơn, lo cho con được nhiều hơn và cũng dạy con được nhiều điều hơn. Sự tương tác trong khoảng thời gian "cùng nhau" này đặc biệt quan trọng, giúp mọi thành viên xích lại gần nhau hơn...

Covid-19 khiến nhiều người cảm nhận rõ hơn giá trị gia đình - Ảnh 1.

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, mọi người dường như sống chậm lại, cảm nhận rõ ràng hơn giá trị của gia đình. Ảnh minh hoạ

Ở Ý, gia đình nhiều thế hệ là điều phổ biến. Tại đất nước hình chiếc ủng, 23% người từ 30 đến 49 tuổi sống cùng cha mẹ của họ, so với chỉ 6,4% ở Mỹ, 5,2% ở Anh và 1% ở nước láng giềng Pháp. 

Ở Turin, thành phố phía Bắc của Ý, dưới chân dãy Alps, bà Anna Marcone (64 tuổi) đang làm tất cả có thể để chăm sóc người mẹ 94 tuổi của mình khỏi thế giới bên ngoài trong thời dịch bệnh. Bác sĩ vật lý trị liệu không còn đến nhà 2 lần mỗi tuần nữa. Thợ làm tóc cũng vậy và các buổi kiểm tra y tế bị tạm hoãn. Những ngày này, bà Marcone vừa làm bác sĩ trị liệu vừa là thợ làm tóc cho mẹ mình. "Tôi hạnh phúc khi làm những điều này cho mẹ. Tình yêu khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn", bà Marcone nói.

Mấy tháng chống chọi với Covid-19 khiến không ít người "đứng ngồi không yên" trong lo sợ. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một khía cạnh khác, dịch bệnh cũng khiến nhiều người nhận ra và thấu hiểu hơn những giá trị mà bấy lâu cuộc sống lo toan, bộn bề khiến họ có phần lãng quên.

Nhiều nước, nhiều tổ chức phát động chiến dịch "Ở nhà vẫn vui" kêu gọi mọi người ở nhà và chia sẻ những câu chuyện, khoảnh khắc vui vẻ, tích cực trong thời gian ở nhà làm việc. Chưa bao giờ, trên các trang mạng xã hội, những câu chuyện tích cực lại được nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ rộn ràng đến vậy. Con cái chăm làm việc nhà, học được nhiều kỹ năng sống, gia đình gần nhau hơn. Trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều hơn những bữa cơm ấm cúng được mọi người chia sẻ, mang theo thông điệp tích cực, lạc quan. Sợi dây gắn kết yêu thương cũng được bền vững hơn khi mà họ đã xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau, sẻ chia và cùng nhau gánh vác mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Các công ty viễn thông lớn ở Mỹ đều bất ngờ trước con số 800 triệu cuộc gọi thoại được thực hiện mỗi ngày giữa thời đại Internet và đầy rẫy các ứng dụng video call. Cô Alyssa MacKenzie, nhân viên tổ chức hoạt động nhân quyền, cho biết bản thân hiếm khi gọi điện thoại trực tiếp ngoài những thứ liên quan tới công việc. Thế nhưng, từ khi lệnh cách ly toàn xã hội ban hành ở Mỹ, cô dành hàng giờ để trò chuyện với mẹ mình khi không thể trực tiếp đến thăm. "Tôi muốn nghe giọng nói quen thuộc của mẹ", cô chia sẻ thêm.

Còn Emily Lancia (20 tuổi), sinh viên Đại học bang New York, cho biết cô gọi cho bố mẹ mỗi ngày thay vì hàng tuần như trước đó. Nhớ về tiếng cười của cha mỗi lần bắt đầu cuộc gọi, Lancia khẳng định, cô được an ủi khi nghe tiếng nói của gia đình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Bảo vệ tổ ấm trước khủng hoảng

"Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn" là cách mà nhiều gia đình đang hướng tới. Ngay cả Liên hợp quốc (LHQ) đã chọn chủ đề cho Ngày quốc tế gia đình năm nay là "Các gia đình trong sự phát triển: Copenhagen và Bắc Kinh +25", nhằm hối thúc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, cũng như Tuyên bố Copenhagen để sớm đạt mục tiêu phát triển và bình đẳng từ trong tế bào nhỏ nhất của xã hội là gia đình bởi gia đình đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển. Hơn nữa, vấn đề bảo vệ gia đình trước những cú sốc của đại dịch càng trở nên quan trọng.

Đại dịch Covid-19 hiện nay càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư cho các chính sách xã hội nhằm bảo vệ các cá nhân và gia đình dễ bị tổn thương nhất. Đó là những gia đình phải hứng chịu tác động lớn của khủng hoảng, đang phải tìm cách che chở cho các thành viên của mình tránh khỏi các tác động ấy. Nhiều phụ nữ phải tìm cách chăm sóc những đứa trẻ không được đến trường và vẫn phải tiếp tục các trách nhiệm nuôi sống gia đình. Gia đình là trung tâm tương tác giữa các thế hệ nhưng trong thời khủng hoảng, khi sức ép gia tăng thường dẫn tới bạo lực gia tăng nhằm vào phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy, việc hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương, những gia đình mất thu nhập vì khủng hoảng, có chỗ ở chưa phù hợp, có con nhỏ, người già và người tàn tật... cần thiết hơn bao giờ hết.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo "khi áp lực kinh tế, xã hội và nỗi sợ hãi tăng lên thì bạo lực gia đình gia tăng. Ông kêu gọi chính phủ các nước trên toàn thế giới coi việc bảo vệ phụ nữ như một phần trong kế hoạch hành động nhằm chống lại đại dịch Covid-19. Thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh hiện nay chính là chìa khóa để bảo vệ các gia đình trước cú sốc đại dịch, để từ đó, bảo vệ những thành quả phát triển xã hội. Việc huy động và nêu cao tinh thần đoàn kết, tập hợp các gia đình vào chung một nỗ lực nhằm xây dựng cuộc sống với chất lượng tốt hơn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Nguồn: Theo UN, Guardian, NYT
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm