Hàng hóa có giá trị gia tăng từ 30% trở lên được xác định là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam

HH
25/09/2019 - 18:11
Hàng hóa có giá trị gia tăng từ 30% trở lên được xác định là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam
Một trong những nội dung quan trọng được nêu ra tại dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hoá là sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định hàng hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng 30% trở lên mới được coi là hàng hóa Việt Nam.

Ngày 25/9/2019, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hoá là sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa. Tuy nhiên, theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa, quy định mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam", bao gồm cả hàng hóa sản xuất trong nước và hàng sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước.

Để khắc phục các bất cập trên, Bộ Công Thương đã soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Theo dự thảo Thông tư, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp. Hoặc hàng hóa có xuất xứ thuần túy hay được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Chỉ cần hàm lượng 30% sẽ được coi là hàng hóa Việt Nam.

Hàng hóa có giá trị gia tăng từ 30% trở lên được xác định là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa

 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội cũng băn khoăn rằng Thông tư quy định tỷ lệ giá trị gia tăng 30% trở lên mới được coi là hàng hóa Việt Nam. Với những loại hàng hóa giá trị gia tăng dưới 30% sẽ ghi nhãn thế nào, thể hiện xuất xứ ra sao trên hàng hóa?

Giải đáp băn khoăn này, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, đây là quy định chung của nhiều quốc gia, cho nên không lý gì Bộ Công Thương lại đòi hỏi quy định một con số cao hơn. Với trường hợp hàng hóa có giá trị gia tăng nhỏ hơn 30% thì không thể ghi là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Trong trường hợp này, Nghị định 43 quy định cho phép doanh nghiệp được ghi xuất xứ ở bất cứ nước nào trong tầm hiểu biết tốt nhất của mình, miễn không vi phạm pháp luật - Thứ trưởng Bộ Công Thương giải đáp.

Ảnh minh họa

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm