Giấc mơ trường làng: Khi cơ hội của con phụ thuộc vào sự may rủi

ĐX
28/08/2022 - 12:51
Việc con được đến trường tưởng là chuyện vô cùng chính đáng, nhưng tôi lại đang phải chơi trò chơi may rủi thay con mình...

Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 so với dự kiến. Với hai nhóm trẻ 4 và 3 tuổi, số lượng hồ sơ đăng ký lần lượt là 290 và 423 (dự kiến chỉ tuyển sinh lần lượt 88 và 245 cháu).

Nhà trường cho biết sẽ mở 13 lớp mẫu giáo lớn để tuyển hết 226 trẻ, đảm bảo việc 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học. Còn đối với trẻ 3-4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm được 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký. Như vậy, còn 380 hồ sơ vượt chỉ tiêu.

Vì vậy, việc bốc thăm được tổ chức cho cha mẹ học sinh có con 3 tuổi và 4 tuổi đã nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh năm học 2022-2023 vào cơ sở Linh Đàm và cơ sở Tứ Kỳ của Trường Mầm non Hoàng Liệt...

Đứa đầu tiên khi bạn bè hỏi cho con học trường nào tôi có vẻ đầy khiêm tốn thật thà mà trả lời rằng: "Tớ cho con học trường làng".

Trường làng luôn là cái gì thân thương, uy tín và "đúng chỗ" với tôi như thế, tất nhiên tôi còn chưa nói rằng với mức thu nhập hiện tại của cả 2 vợ chồng thì chúng tôi chỉ có thể chi trả mức học phí trường công.

Ấy vậy mà lần này đến đứa thứ 2 đến tuổi cho đi học mầm mon mà trường làng không phải là suất ưu tiên của tôi nữa mà là một... giấc mơ không dễ thực hiện được.

"Giấc mơ trường làng": Khi cơ hội của con phụ thuộc vào bàn tay may rủi của cha mẹ! - Ảnh 2.

"Giấc mơ trường làng": Khi cơ hội của con phụ thuộc vào bàn tay may rủi của cha mẹ! - Ảnh 3.

Nhà tôi ở Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), những năm gần đây với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, mật độ dân số tăng cao, những thị dân gốc cũng phải chật vấn với những suất học dù bình thường là đúng chỗ, đúng tuyến. Tất nhiên, những thị dân mới cũng phải loay hoay như chúng tôi vậy.

"Năm nay đi học con nhé, ở nhà với ông bà như thế đủ lâu rồi", tôi nói với con như thế và con bé có vẻ rất hào hứng tới việc tới trường. Tuy nhiên, tôi cũng đang cảm thấy không chắc lắm với suất học may rủi mà tôi biết mình phải bốc thăm và "rụng tim" để xem dòng chữ định mệnh nào trong đó: “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” hay “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường” đây?

Tôi không tin lắm vào sự may mắn của mình mà "cử" chồng đi chơi trò may rủi ấy. Thậm chí buổi sáng tôi đã dậy thắp hương cúng ông bà phù hộ cho con tôi được trúng tuyển đi học mầm non ở trường làng. Tuy nhiên, kết quả không như mơ, bàn tay của chồng tôi đã mang về kết quả không như ý. Con tôi trượt mầm non vì bàn tay kém may mắn của bố.

"Giấc mơ trường làng": Khi cơ hội của con phụ thuộc vào bàn tay may rủi của cha mẹ! - Ảnh 4.

Chưa bao giờ việc con tới trường hay không, có suất vào trường làng không lại phụ thuộc vào một trò chơi may rủi, giống như quay xổ số thế này. Tôi nghĩ đến thời của mình khi việc tới trường là việc nghiễm nhiên chúng tôi được hưởng và cái khó của những đứa trẻ thời nay.

Có lúc tôi thường nói với con rằng: "Ngày xưa bố mẹ làm gì được ăn cái này, chơi cái kia, được đi du lịch như con bây giờ". Nhưng bây giờ thì tôi thấy chúng khổ, đi học giờ cũng trở thành giấc mơ xa vời khi cơ sở vật chất chưa đủ so với nhu cầu thực tế và việc được học trường làng hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự may rủi ở những lá phiếu bốc thăm.

"Giấc mơ trường làng": Khi cơ hội của con phụ thuộc vào bàn tay may rủi của cha mẹ! - Ảnh 5.

"Giấc mơ trường làng": Khi cơ hội của con phụ thuộc vào bàn tay may rủi của cha mẹ! - Ảnh 6.

Nhiều người nghĩ rằng không học trường công thì học trường tư lo gì, nhưng mà tôi lo. Với mức lương công chức, nuôi 2 đứa con và hàng ngàn những chi phí luôn có xu hướng tăng lên việc lựa cho con được một trường tư với mức giá trường công là chuyện không thể. Đấy là còn chưa nói rằng, ngay cả việc chọn mức học phí đắt gấp 3-4 lần trường công thì cũng không mua được khoảng sân rộng hay bóng mát cây xanh như trường công.

Tôi không tham vọng, tôi không kén chọn trường cho con, tôi chỉ muốn con được học trường làng nhưng giờ đây đó cũng là một giấc mơ không thể chạm tới.

Con tôi tiu nghỉu "con muốn đi học như bạn B (nhà hàng xóm cơ)" mà khiến tôi cay mắt. Trách ai được đây khi chính hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng mình đang ở thế khó khi buộc lòng phải chọn cách bốc thăm này.

Những thị dân mới ở những ngôi nhà cao tầng ngoài kia họ cũng vô tội, chính họ cũng đang trong cuộc chạy đua tìm trường cho con như dân gốc Hoàng Liệt. Chúng tôi cũng không khác gì họ, ngoài việc có "thâm niên" sống ở vùng này lâu hơn. Duy chỉ có điều đến một ngày việc cho con tới trường tưởng là chuyện rất đỗi bình thường bỗng trở thành giấc mơ xa xỉ...

Xây một ngôi nhà cao tầng là giải quyết được chỗ ở cho rất nhiều người tôi biết điều đó, nhưng tính toán của việc quy hoạch điện, đường, trường, trạm đi kèm với nó rõ ràng là việc cần thiết.

Những đứa trẻ sẽ được sinh ra và lớn lên, vì vậy được tới trường phải là quyền chúng được hưởng, chứ không phải là một giấc mơ được định đoạt bởi trò chơi may rủi dưới bàn tay người lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm