Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em

PV
24/08/2022 - 10:31
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Bà Tôn Ngọc Hạnh - UV dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo

Đây là 1 trong 3 hội thảo chuyên đề mà TW Hội LHPN Việt Nam sẽ tổ chức từ nay đến tháng 10/2022 để chuẩn bị cơ sở cho Hội nghị sơ kết giai đoạn I đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” (đề án 938).

Các hội thảo sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, tỉnh thành, chuyên gia, tổ chức quốc tế về những nội dung can thiệp và giải pháp thực hiện mục tiêu của Đề án 938 để có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể, khả thi cho giai đoạn 2022-2027.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em".

Đề án 938 được Chính phủ giao Hội LHPN Việt Nam là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai. Theo báo cáo đánh giá, các mục tiêu đến năm 2022 của đề án giai đoạn 2017-2022 đều đạt và vượt. Trong đó có mục tiêu số 5 là "Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời" đòi hỏi sự nỗ lực cao của Hội LHPN các cấp, được các cấp Hội gắn với nội dung "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh – UV dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam – khẳng định, hội thảo có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, cùng tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em cho giai đoạn tiếp theo, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Trên thực tế, thời gian gần đây, các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em ngày càng mang tính chất phức tạp, gây bức xúc dư luận toàn xã hội liên tiếp xảy ra như: Vụ em bé V.A tại TPHCM bị mẹ ghẻ và cha ruột bạo hành đến chết, vụ việc em bé 3 tuổi tại Hà Nội bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu hiện đã qua đời, vụ việc nữ sinh ở Ninh Thuận bị tông xe tử vong tuy nhiên lại có sai sót trong công tác khám nghiệm tử thi, kết luận nữ sinh có nồng độ cồn trong máu làm sai với quy trình xét nghiệm gây phẫn nộ cho gia đình nạn nhân cũng như ảnh hưởng đến quy trình điều tra vụ án… Qua đó cho thấy, sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo khi môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tình hình bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người, tảo hôn, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội…

Công tác phối hợp giữa Hội với các cơ quan tố tụng trong quá trình lên tiếng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong nhiều vụ việc chưa thực sự phát huy hiệu quả, mới tập trung chủ yếu ở nội dung giải quyết, xử lý tin báo tố giác tội phạm thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư...

Nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thân thiện, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt đầu từ giám định pháp y cho đến xét xử, phục hồi hòa nhập đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục và trẻ em có liên quan chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Môi trường gia đình vốn được coi là an toàn nhất với trẻ em, nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình, nhất là bạo lực trẻ em do chính ông, bà, cha, mẹ, bố dượng, mẹ kế, người thân thực hiện.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em - Ảnh 2.

Bà Tôn Ngọc Hạnh - UV dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, trong giai đoạn 2017-2022, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng mục tiêu của chúng ta kỳ vọng cao hơn, vì vậy, hội thảo này trưng cầu ý kiến các đại biểu để hiến kế, đề xuất các mục tiêu mới bổ sung trong giai đoạn tới, chỉ đạo cả hệ thống chuyên gia, mạng lưới để thực hiện công tác này hiệu quả, tham mưu một cơ chế về nguyên tắc Đảng, chính quyền địa phương phải tham gia quyết liệt, làm sao để có thể xây dựng các đề án mới sau 10 năm của đề án 938.

Bà Tôn Ngọc Hạnh cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: Từ những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra, tồn tại, khó khăn đưa ra những vấn đề cần phải khắc phục của giai đoạn 2017-2022, là cơ sở đặt ra các vấn đề đối thoại với Thủ tướng trong thời gian tới; Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng, bảo vệ và chủ động tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em của Hội LHPN các cấp, làm sao có nhiều sự lan tỏa để mọi người cùng tham gia lên tiếng trước những nạn nhân không may mắn cũng như khích lệ các nạn nhân dũng cảm lên tiếng; Đề xuất duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình can thiệp phù hợp, hiệu quả như mô hình của các bộ ngành, tổ chức; Mô hình tổ tư vấn; mô hình Trung tâm "một cửa" liên ngành, nơi bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em, cụ thể là phụ nữ bị bạo lực giới và trẻ em bị xâm hại được nâng cấp từ hoạt động của mô hình dịch vụ hỗ trợ toàn diện của Ngôi nhà Bình Yên, dịch vụ tham vấn và Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680...

6 mục tiêu giai đoạn 2017 – 2022
- 20 triệu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
- 80% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội.
- Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 55.000 đối tượng phụ nữ thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi.
- 5 triệu phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.
- Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời.
- Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên có thể nhân rộng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm