pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giải pháp, vấn đề lựa chọn ưu tiên thực hiện đề án 938 giai đoạn 2022-2027
Các đại biểu dự hội thảo đang trao đổi, đóng góp ý kiến.
4 chủ đề tập trung thảo luận của các đại biểu là những tồn tại, nhược điểm trong cách thức tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp, nguồn lực… cần phải khắc phục của giai đoạn I; sáng kiến thực hiện Đề án 938 tại các địa phương, bộ/ngành cần nhân rộng; những nội dung cần ưu tiên trong giai đoạn II; và cơ chế phối hợp của các bộ ngành thành viên thực hiện Đề án.
Các đại biểu đều thống nhất quan điểm, trong mọi hoạt động của một đề án cấp quốc gia thì vai trò đầu mối, tổng chỉ huy rất quan trọng. Vai trò của Hội vẫn là vai trò chủ thể thường trực, đề nghị tích cực thúc đẩy các bộ ngành, phổ biến kế hoạch triển khai hàng năm giữa Hội với các bộ ngành, buộc các bộ ngành phải vào cuộc. Cần có sơ kết, tổng kết định kỳ như giám sát nội bộ lẫn nhau giữa các bộ ngành, các bộ ngành sẽ đóng góp được nhiều hơn. Giai đoạn II nên tập trung vào mục tiêu, tránh hoạt động chồng chéo, các đơn vị cùng phối hợp làm với nhau có chiến lược chung, phối hợp tổng thể. Các chỉ tiêu của đề án 2 giai đoạn trùng khít nhau, chỉ thay đổi về số lượng nên cần có thể chỉ tiêu giám sát chất lượng thì sẽ hiệu quả, thuyết phục hơn. Cần tăng cường lồng ghép các nguồn lực, không làm lẻ tẻ. Đồng thời có hệ thống thông tin về các vấn đề của phụ nữ, trẻ em với sự thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ với những đầu mối cụ thể.
Và từ những đánh giá cụ thể trong giai đoạn I về các mô hình hoạt động hiệu quả như Ngôi nhà bình yên, đường dây nóng, tổ phản ứng nhanh, phiên chợ vùng cao… để tiếp tục phát huy trong giai đoạn II. Đây là một điều cần đầu tư đánh giá và đề xuất ở tầm của Hội, của cấp bộ để không bỏ qua những kết quả giá trị của giai đoạn I, mới có thể nhân rộng, duy trì và phát triển.
Các đại biểu đề xuất giai đoạn II tập trung nội dung: Tăng cường an sinh xã hội và quyền năng cho phụ nữ (về kinh tế, ra quyết định, nuôi dạy con cái…). Tăng cường phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên cơ sở giới với sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, làm sao để phụ nữ nào cần sẽ được hỗ trợ ngay, kịp thời, để quá trình lên tiếng, bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại có sự phản hồi, trả lời hiệu quả, cụ thể, làm sao để khi khó khăn thì người phụ nữ sẽ nghĩ ngay đến Hội Phụ nữ. Tăng cường phổ biến pháp luật để người dân, cả nam giới và phụ nữ đều hiểu và biết. Tiếp tục tập huấn các lớp giải quyết các vụ việc cho cán bộ thực hiện tại cơ sở. Đại dịch Covid-19 thời gian qua bao trùm xã hội, các vấn đề an toàn khác bị lắng xuống, giai đoạn II cần tập trung vào những đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người di cư... hậu đại dịch, đảm bảo cho họ an toàn về sức khoẻ, việc làm, nhạy cảm giới.
Các đại biểu nhận thấy cần tiếp tục tuyên truyền đồng bộ, toàn diện với cha mẹ kiến thức, kỹ năng mới giúp và dạy con được. Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội vì đối tượng tội phạm sử dụng kênh này để lừa gạt, xâm hại phụ nữ, trẻ em nhiều. Xây dựng các sản phẩm truyền thông đa dạng, chất lượng, hiệu quả, phối hợp với các cơ quan báo chí lớn, quảng bá được nội dung đề án ở diện rộng, tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau như phóng sự trên VTV, câu chuyện truyền thanh trên VOV. Tôn vinh người mẹ, người phụ nữ ở các kênh tiếng, hình, viết, ứng dụng luật pháp, ứng dụng công nghệ 4.0 bảo vệ phụ nữ, trẻ em…
Phát biểu kết thúc hội thảo, bà Trương Thị Thu Thuỷ - Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Việt Nam - đánh giá, đây thực sự là một hội thảo tham vấn cho đề án 938 giai đoạn 2. Sự thành công của hội thảo thể hiện ở sự tham gia trách nhiệm của các đại biểu. Vấn đề xã hội bức xúc rất rộng, nhóm đầu mối xin ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu, tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu, chuẩn bị nội dung trình vấn đề lựa chọn ưu tiên cho giai đoạn II của đề án 938, làm sao phát huy sự tổng chỉ huy chỉ đạo và hợp lực giữa các bộ ngành, đầu tư tập trung nguồn lực, không dàn trải, phát huy các kết quả của giai đoạn I để giai đoạn II hiệu quả hơn.