pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giải quyết tận gốc bạo lực trên cơ sở giới: Bài học từ cuộc chiến chống Covid-19
Ảnh minh họa
Gây tổn thất 1,5 nghìn tỷ USD
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi bạo lực trên cơ sở giới là "bóng đen từ đại dịch Covid-19". Ông Guterres cảnh báo, bạo lực trên cơ sở giới thậm chí còn nguy hiểm hơn cả đại dịch vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh mạng của hàng triệu phụ nữ và trẻ em trên thế giới. Nếu không được xử lý, sự gia tăng của tình trạng này dưới các hình thức và biểu hiện khác nhau sẽ không chỉ làm trầm trọng thêm các tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo ước tính, tổn thất từ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu vào khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD. Con số này có thể còn cao hơn nếu bạo lực tiếp tục gia tăng và tiếp diễn sau hậu quả của đại dịch Covid-19.
"Cần đưa phụ nữ vào quá trình ra quyết định trong công tác phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh. Đảm bảo có sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng các chương trình và chính sách giải quyết Covid-19 cấp quốc gia và địa phương" - Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng bạo lực trên cơ sở giới vẫn xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi trên thế giới. 1/3 phụ nữ trên toàn cầu đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực. "Trong những tuần qua, khi áp lực kinh tế-xã hội và nỗi sợ hãi tăng lên liên quan đến dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng của bạo lực gia đình trên toàn cầu. Ở một số quốc gia, số lượng phụ nữ gọi tới các dịch vụ hỗ trợ đã tăng gấp đôi. Tại Việt Nam, số liệu từ các trung tâm, nhà tạm lánh hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực cũng nhận thấy sự gia tăng các vụ bạo lực trong thời gian qua", bà Naomi Kitahara cho biết.
Chỉ tính riêng báo cáo của Trung tâm phụ nữ và phát triển, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng 1900969680 của Ngôi nhà bình yên (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã tăng khoảng 20% số lượng ca gọi, tư vấn online và đề nghị hỗ trợ trực tiếp của nạn nhân bị bạo hành. Tại các đồn cảnh sát, công an phường cũng ghi nhận nhiều trường hợp bạo lực xảy ra trong thời gian này.
"Cuộc sống của người phụ nữ vốn đã vất vả thì trong thời gian gian này, họ còn vất vả hơn nhiều lần. Trong phần lớn gia đình, gánh nặng chăm sóc các thành viên vốn đã dồn lên vai người phụ nữ nay lại càng trở nên nặng nề hơn khi tất cả các thành viên đều ở nhà cả ngày. Ở những gia đình kinh tế khó khăn, việc lo ăn uống cho cả nhà là một thách thức đối với người phụ nữ. Một số phụ nữ còn canh cánh nỗi lo sợ bạo lực có thể giáng xuống họ bất cứ lúc nào trong 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nghe những câu chuyện như vậy tôi thấy vô cùng đau xót và bức xúc", TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho biết.
Cũng như rượu, ma túy hay các chất kích thích khác, Covid- 19 ko phải là nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới mà chỉ là tác nhân thúc đẩy hành vi bạo lực xảy ra với cường độ và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Cần phải khẳng định rằng, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới là bất bình đẳng giới và định kiến giới về vai trò của nam và nữ trong xã hội. Dịch Covid-19 là một thảm họa chưa từng có, nhân loại đã mất mát quá nhiều nhưng đại dịch này đã dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Để chống lại Covid-19, cần có sự vào cuộc của cả xã hội, sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân trong cộng đồng. Tương tự như vậy, để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cả xã hội cũng cần phải vào cuộc, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đừng để những phụ nữ và trẻ em gái đã chiến thắng bệnh dịch Covid-19 nhưng lại chết vì bạo hành gia đình.
Cả xã hội cần vào cuộc
Theo bà Khuất Thu Hồng, cần hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội để ngăn chặn những nguy cơ bạo lực và hỗ trợ những nạn nhân bị bạo hành một cách kịp thời nhất. Các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp như đường dây nóng, nhà tạm lánh luôn phải sẵn sàng. Công nghệ thông tin có thể được áp dụng để tổ chức các hình thức hỗ trợ mới, sáng tạo hơn, phù hợp theo những thay đổi từ phong tỏa, giãn cách xã hội, giới hạn đi lại hay giới nghiêm. Sự cảnh giác, quan tâm và trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện các vụ bạo hành và hỗ trợ nạn nhân kịp thời là bước đầu tiên của những nỗ lực đó. Đường dây nóng cần luôn luôn có người lắng nghe là bước tiếp theo. Cùng với đó là sự sẵn sàng của những cán bộ tận tâm ở chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như công an, y tế, công tác xã hội, viện kiểm sát và tòa án…
Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ đưa công tác phòng, chống và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vào Kế hoạch Ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cấp quốc gia. Riêng ở Việt Nam, tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 08/CT-TTg yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Theo Chỉ thị, cần tổ chức, triển khai hiệu quả mạng lưới quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương.
Đối với Việt Nam, UNFPA khuyến nghị, cần phải có các trung tâm/nhà tạm lánh dành cho nạn nhân bị bạo lực vì đây là dịch vụ cần thiết trong thời gian giãn cách xã hội và là nơi trú ẩn an toàn cho phụ nữ để họ có thể tìm kiếm sự trợ giúp mà không lo kẻ lạm dụng biết được. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực vẫn được duy trì trong thời gian giãn cách xã hội, bao gồm khám lâm sàng đối với các nạn nhân bị xâm hại, tư vấn và hỗ trợ tâm lý giúp họ vượt qua khủng hoảng. Nhân viên cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ người bị bạo lực cần phải có các kỹ năng và nguồn lực cần thiết để có thể xử lý các thông tin liên quan đến bạo lực có tính nhạy cảm giới, đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, tôn trọng và bảo mật thông tin. Có sự hợp tác, phối hợp của các cơ sở, đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ sẵn có cho nạn nhân; đảm bảo hệ thống tư pháp tiếp tục truy tố những kẻ lạm dụng, gây bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái để không gián đoan trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.
Đồng thời, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Kitahara cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo có sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng các chương trình và chính sách giải quyết Covid-19 cấp quốc gia và địa phương. UNFPA tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các đối tác trong nước và quốc tế để ngăn chặn và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tại Việt Nam, một số mô hình hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới/bạo lực gia đình đang được triển khai bao gồm: Mô hình Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới triển khai tại Trung tâm Công tác xã hội/Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng; Nhà tạm lánh của tổ chức Hagar (tại Hà Nội), Nhà tạm lánh của Quỹ Rồng Xanh (Hà Nội), Nhà nhân ái (Lào Cai) và Nhà Mở (An Giang), …
Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai các hoạt động thuộc Đề án phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030. Hiện Bộ đang xây dựng Đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 11/2020.
Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để khắc phục tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với việc tiếp tục triển khai Đề án phòng và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030, Bộ đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan gồm các Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ cơ giới trên toàn quốc thực hiện tốt các nhiệm vụ, chức năng của mình. Cụ thể:
-Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và các dịch vụ của Trung tâm trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.
-Đảm bảo ứng trực đường dây nóng 24/7 để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết. Khi có đối tượng trực tiếp đến Trung tâm thì cần phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương (Công an, Y tế, Hội Phụ nữ,…) để thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đối với đối tượng và người làm việc trực tiếp với đối tượng.
-Khi phát hiện những vụ việc bạo lực cần kiến nghị phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc về bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 565/Q Đ-TTg ngày 25/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai, trên cả nước đã thành lập: 63 Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng tại 63 xã của 63 tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cấp cộng đồng; 08 Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở sở giới tại với nhiệm vụ cung cấp cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới các dịch vụ thiết yếu ban đầu và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, … và 10 Mô hình Trung tâm công tác xã hội hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới.
Các Mô hình đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình ngày càng hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan tới bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình ngày càng được hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ quyền con người và bảo đảm an sinh xã hội. Các quy định của pháp luật hiện hành nêu rất rõ các biện pháp, nguyên tắc trong phòng ngừa, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Điều này đã được thể hiện cụ thể, rõ nét trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật phòng chống mua bán người; Luật trợ giúp pháp lý… và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đặc biệt, trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương có các can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tình trạng này. Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định trong xét xử các vụ án liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, ngày 01/10/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết đã định nghĩa một cách cụ thể một số từ ngữ thường gặp mà chưa rõ ràng, thống nhất trong hoạt động xét xử hiện nay, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để xét xử nghiêm minh, công bằng và bảo vệ, tránh làm tổn thương trẻ em dưới 18 tuổi khi bị xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.