Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội: Y bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân là “kẻ lừa đảo siêu hạng”

Hiếu Trần
11/03/2020 - 08:15
Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội: Y bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân là “kẻ lừa đảo siêu hạng”

Nhận phong bì của bệnh nhân là “kẻ lừa đảo siêu hạng”

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng, nhìn từ cả góc độ chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp thì y, bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân chính là "kẻ lừa đảo siêu hạng". Vị Giám đốc này đã quyết tâm tuyên chiến với nạn phong bì nơi ông công tác.

Trước thông tin BV Phụ sản Hà Nội kiên quyết nói không với nạn "phong bì" bằng cách đưa vào nội quy "Nhân viên y tế nhận tiền, quà của bệnh nhân trong BV sẽ bị đình chỉ công tác và chụp ảnh dán tường BV với hàng chữ: "Kẻ lừa đảo siêu hạng" khiến dư luận dậy sóng. PNVN đã trao đổi với TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội.


- Thưa ông? Căn nguyên nào khiến BV đưa ra quy định như vậy?

+ Tình trạng phong bì trong BV đã tồn tại ở nhiều cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có BV Phụ sản Hà Nội nên tôi rất bức xúc. Với cương vị là lãnh đạo BV, tôi quyết dẹp nạn phong bì trong BV, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Theo đó, người bệnh đến BV Phụ sản Hà Nội khám và điều trị sẽ không phải đưa tiền cho bất kỳ một cá nhân nào.

Tôi thấy rằng, khi bệnh nhân đưa phong bì cho nhân viên y tế sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là vấn đề với người nhà của bệnh nhân. Nói là người nhà bệnh nhân, nhưng thực chất quá nửa là cò mồi. Đối tượng này rất phức tạp, hung tợn. Họ dọa người bệnh bằng cách này, cách khác, tâng bốc bác sĩ này bác sĩ kia, dọa bệnh của bệnh nhân rồi lấy tiền.

Thứ hai, nếu tồn tại phòng bì trong BV, nó sẽ nảy sinh một hiện tượng nữa. Đó là người không có phong bì sẽ nhìn vào những người đưa phong bì. Họ sẽ chạnh lòng nghĩ mình không được đối xử tốt.

Đặc biệt, phong bì trong BV còn gây hệ lụy khủng khiếp hơn nữa. Đó là khi nhân viên y tế cầm phong bì rồi, thì quyết làm cho bằng được dù vượt quá chuyên môn khiến xảy ra tai biến và rồi BV phải đi giải quyết hậu quả. 

Đã có trường hợp hộ sinh nhận phong bì để đỡ đẻ. Đáng ra, ca này phải đi mổ sinh nhưng cô ấy đã nhận rồi nên cố ép sản phụ đẻ thường, bởi nếu đi mổ thì bác sĩ sẽ cầm phong bì. Chính vì hộ sinh ép đẻ thường bằng được dẫn sản phụ vỡ tử cung, suy thai. Sau đó, BV phải giải quyết hậu quả.   

TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội

TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội

- Thưa ông, có nhiều ý kiến về việc treo biển tên, dán ảnh đề là "kẻ lừa đảo siêu hạng" là vi phạm pháp luật, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Đúng vậy. Lừa đảo là tội danh. Muốn xác định họ phạm tội lừa đảo thì công an phải có hồ sơ, điều tra, tòa án xét xử và tuyên án. Còn thông tin trên tấm bảng trên là do một số nhân viên y tế bị ảnh hưởng đến quyền lợi chế ra rồi đưa lên mạng chứ BV chưa treo trong khuôn viên. 

"Tôi sẽ cho đọc trên loa khắp BV với nội dung. "Ngày hôm qua, bác sĩ A, B của khoa… đã nhận phong bì của bệnh nhân với số tiền…. Hôm nay, bác sĩ A đó đã thừa nhận vi phạm. Vì vậy, BV đã lập biên bản và thông báo trước toàn thể bệnh nhân".

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh

Tuy nhiên, việc dư luận lên tiếng cũng như phân tích các quy định pháp luật nên chúng tôi sẽ làm đúng luật. Theo đó, nếu nhân viên y tế nhận phong bì sẽ bị đình chỉ công tác. Điều này, trong thẩm quyền của tôi. Thứ hai, BV sẽ phạt tiền thu nhập tăng thêm. Bởi anh lấy tiền từ người bệnh, BV phải phạt anh. Thứ ba, tôi sẽ sẽ nêu tên người nhận trước cán bộ công nhân viên và nhân dân về hành vi sai phạm đó. Tôi cho rằng, có làm như thế nhân viên y tế mới sợ. Còn nếu anh sợ, thì đừng nhận.  

Các y bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân

Các y bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân


- Vì sao ông nói nhân viên y tế nhận phong bì là lừa đảo siêu hạng?

Đây là lừa đảo siêu hạng. Bởi ở đây, nhân viên y tế dùng chuyên môn y học để lừa đảo. Thứ hai, dùng nỗi sợ hãi của người bệnh để lừa đảo. Thứ ba, dùng uy tín đạo đức để lừa đảo. Khi nhân viên y tế nhận phong bì, cứ bảo đưa cho người này người kia, nhưng thực chất anh cũng có phần. Nếu tồn tại chuyện đó, thì đó là lừa đảo siêu hạng.

+ Phong bì nó như vòi bạch tuộc, dẹp chỗ này nó phình chỗ khác. Trước hội trường BV, tôi bảo: Bản chất nhân viên y tế nhận phong bì là sự lừa đảo. Bởi người bệnh khi vào BV đã nộp tiền, BHYT đã chi trả rồi. Nếu dịch vụ thì bệnh nhân cũng đã trả tiền. Thế mà, nhân viên y tế đến bảo là phải thêm tiền chỗ này, thêm tiền chỗ kia, cảm ơn người này, người kia. Tôi cho rằng, bệnh nhân chẳng phải cảm ơn ai cả vì họ đã trả tiền rồi và anh phải phục vụ. Tuy nhiên, nhân viên y tế nói này kia, rồi đe dọa khiến bệnh nhân sợ phải nhè "phong bì", chai rượu,…ra. Bản chất đó là lừa đảo.

- Thưa ông, với người nhà bệnh nhân thì sao?

+ Như đã nói, đa phần là cò mồi nhân danh người nhà bệnh nhân. Bệnh nhân đa phần bị ép buộc phải đưa chứ chẳng ai muốn mất tiền thêm. Vì vậy, tôi sẽ yêu cầu, nếu người nhà bệnh nhân vào BV, dùng tiền hoặc quà để biếu xén nhân viên y tế trong lúc thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ lập biên bản, nhắc nhở. Ngoài ra, có thể (tùy từng huống đặc biệt) sẽ từ chối điều trị. Tại sao tôi lại nói tùy tình huống bởi sẽ có trường hợp cò mồi cầm tiền đưa cho nhân viên y tế rồi vào BV như "bố đời", lên tiếng mắng nhân viên y tế, sai người này, người kia, ép làm thế này thế khác. Nếu trường hợp đó tôi sẽ từ chối điều trị. Còn nếu chỉ đưa phong bì, quà cáp thì BV sẽ lập biên bản và nhắc nhở. Đồng thời, yêu cầu cam kết không tái phạm, nếu không sẽ từ chối điều trị.

- Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng lương của y bác sĩ bệnh viện công còn thấp nên nhận phong bì như một cách để bù đắp thu nhập. Liệu cắt phong bì có ảnh hưởng đến đời sống nhân viên y tế không, thưa ông?

+ Khi tôi quyết định làm chặt việc "nói không" với phong bì, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn BV không đồng ý vì sợ sẽ ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thu nhập của bác sĩ hiện cao hơn mặt bằng xã hội. Ngoài ra, bác sĩ có thêm nhiều cách để kiếm tiền như làm ngoài giờ tại BV, làm phòng mạch. Đừng vì thương anh em mà mình "tặc lưỡi" câu chuyện này. 

Cũng có ý kiến, bảo người dân yêu mến thì cho. Tôi cho rằng đó là trá hình. Nếu anh không lấy thì người ta không đưa. Nhân viên y tế thử từ chối một lần, xem những người sau có đưa nữa không? Chắc chắn không. Hơn nữa, việc nhận phong bì như vậy dần dần thành nếp. Ban đầu là 200.000 đồng rồi nâng cấp 500.000 đồng, đến 1-2 triệu đồng. Khi đã nhận quen rồi thì rồi tìm cách dọa bệnh nặng, bệnh khó khiến bệnh nhân phải đưa nhiều tiền hơn cho nhân viên y tế.

Các y bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân

Các y bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân

- Thu nhập của nhân viên y tế tại BV Phụ sản Hà Nội hiện nay như thế nào, thưa ông?

+ Hiện nay, thu nhập của các y bác sĩ so với mặt bằng chung xã hội là khá cao. Tại BV Phụ sản Hà Nội, tôi dám khẳng định y bác sĩ thu nhập gần như cao nhất trong số các BV tại Việt Nam. Nếu chia đều trên đầu người từ lao công đến y bác sĩ thì thu nhập trung bình khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Bởi tại BV, ngoài lương cơ bản theo hệ số, BV còn có nhiều khoản phụ cấp khác, thu nhập tăng thêm, làm ngoài giờ tại BV. Vì thế, điều dưỡng thu nhập không dưới 20 triệu đồng/tháng, còn bác sĩ cao hơn, trên dưới 50 triệu đồng, thậm chí có người trên 200 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể, BV còn có nhiều chính sách hỗ trợ y bác sĩ trẻ. Ví như, bác sĩ trẻ lập gia đình, BV hỗ trợ chi phí đi tuần trăng mật… Do đó, y bác sĩ, nhân viên y tế của chúng tôi không thể nói là thu nhập không đủ sống. Trong khi đó, với bệnh nhân 1-2 triệu đã là rất lớn bởi họ đã phải chi cho ca mổ, ca đẻ vài triệu. Nếu lại phải chi thêm phong bì vài triệu nữa thì thực sự là gánh nặng với nhiều người. Làm như thế là y đức rất kém, không thương người bệnh.

Tấm bảng thông báo nội quy của BV được những nhân viên y tế chế ra do sợ ảnh hưởng đến thu nhập từ phong bì.

Tấm bảng thông báo nội quy của BV được những nhân viên y tế "chế ra" do sợ ảnh hưởng đến "thu nhập" từ phong bì.

"Từ thiện chúng tôi còn làm được, sao lại sợ không lo được đời sống cán bộ nhân viên".

TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh

Hơn nữa, hàng năm, BV Phụ sản Hà Nội bỏ ra hàng chục tỷ đồng để làm từ thiện. Ví như năm 2019, BV xây 45 ngôi nhà tình nghĩa, bảo trợ một Làng trẻ em SOS; xây cầu ở Yên Bái,… Năm nay, BV sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình từ thiện, ước tính cũng vài tỷ đồng nữa. 

- Vậy những ca bệnh đặc biệt muốn cảm ơn riêng thì sao, thưa ông?

+ Chúng tôi sẽ làm quyết liệt, không loại trừ bất cứ trường hợp nào. Hơn nữa, nếu là ca bệnh đặc biệt thì chi phí điều trị càng lớn. Chả có lý do gì bác sĩ lại lấy tiền của họ. Rồi từ trường hợp này bảo đặc biệt, những trường hợp khác cũng đặc biệt. Thế thì chết. Với bác sĩ, chỉ cần bệnh nhân cảm ơn bằng lời nói, nhớ tới hình ảnh mình là tốt rồi.

Cảm ơn TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm