Giám sát tối cao của Quốc hội: ĐBQH lo hậu giám sát như "lưỡi dao chặt xuống nước"

Nhật Lam
21/07/2021 - 13:40
Giám sát tối cao của Quốc hội: ĐBQH lo hậu giám sát như "lưỡi dao chặt xuống nước"

ĐB Nguyễn Phương Thủy (bìa phải) và ĐB Vũ Trọng Kim thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 sáng 21/7

Sau khi UBTVQH đưa ra dự kiến chương trình giám sát chuyên đề và giám sát tối cao năm 2022, nhiều ĐBQH đã chỉ ra các bất cập cần tháo gỡ như hậu giám sát chưa nghiêm, ôm đồm quá nhiều lĩnh vực khiến công tác giám sát thiếu hiệu quả.

Lựa chọn phạm vi giám sát quá rộng

Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) khi thảo luận về các chuyên đề Quốc hội dự kiến giám sát trong năm 2022 sáng 21/7, trong đó có chuyên đề giám sát tối cao. Theo nữ đại biểu, UBTVQH khi nêu nguyên nhân của các hạn chế đối với hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2020 – 2021 đã thừa nhận, giám sát thiếu hiệu quả do nội dungg giám sát rộng, khối lượng công việc lớn….

"Đã chỉ ra nguyên nhân thì phải có giải pháp, nhưng đối chiếu về đề xuất các chuyên đề thì tôi thấy nhiều chuyên đề có phạm vi giám sát quá lớn, trong đó có chuyên đề lựa chọn giám sát tối cao – thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" – ĐB Phương Thủy nêu ý kiến.

Theo ĐB Thủy, với riêng nội dung này đã có quá nhiều lĩnh vực khác nhau như quản lý khai thác sử dụng tài nguyên; lao động; tổ chức kinh doanh hộ gia đình, cá nhân… Với thời lượng xác định trong năm 2022 và với nguồn lực thực tế, ĐB cho rằng phạm vi lựa chọn giám sát nên phải gọn hơn, cụ thể hơn chứ không đưa ra quá rộng như vậy.

Tương tự với nội dung tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nữ ĐB cho rằng cũng rất mênh mông và bất cập. "Tôi nghĩ UBTVQH cân nhắc giới hạn phạm vi giám sát và phạm vi đối tượng chịu giới hạn giám sát để trong điều kiện nguồn lực, thời gian có hạn, chúng ta thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, giám sát quá rộng trong bối cảnh chống đại dịch thì khá nặng cho trung ương lẫn địa phương" – ĐB đề xuất.

Giám sát tối cao của Quốc hội: ĐBQH lo hậu giám sát như "lưỡi dao chặt xuống nước" - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Phương Thủy tại phiên thảo luận sáng 21/7 của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Đây cũng là ý kiến của ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp ) khi cho rằng, Quốc hội cần lựa chọn cụ thể hơn các vấn đề cần giám sát, phạm vi đối tượng, có như vậy mới giúp việc giám sát hiệu quả hơn.

Hậu giám sát: Đừng để tình trạng "lưỡi dao chặt xuống nước"

ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đề cập đến những hạn chế liên quan đến hậu giám sát. Theo ông, thường thì kế hoạch giám sát được lên chặt chẽ, có thời gian, nội dung yêu cầu. Khi thực hiện báo cáo giám sát thì nêu cụ thể kết quả, ưu khuyết điểm và kiến nghị. "Nhưng vấn đề tồn tại mà ta chưa quan tâm trong chủ trương thực hiện giám sát là vấn đề hậu giám sát" – ông cho hay.

ĐB Kim đề nghị Quốc hội quan tâm sát sao hơn đến vấn đề này, cụ thể là khi lập chương trình thì cần phần công việc hậu giám sát sẽ giao cho cơ quan đơn vị nào thực hiện việc theo dõi và báo cáo trước Quốc hội, và trong những kiến nghị đặt ra của đoàn giám sát, các địa phương – đối tượng được giám sát đã thực hiện ra sao.

"Nếu không làm tốt khâu này thì cũng chỉ như "lưỡi dao chặt xuống nước", sau khi dao rút lên rồi thì nước bằng phẳng lại như cũ, không hề hiệu quả" – ĐB Vũ Trọng Kim nói.

Giám sát tối cao của Quốc hội: ĐBQH lo hậu giám sát như "lưỡi dao chặt xuống nước" - Ảnh 2.

ĐB Vũ Trọng Kim quan tâm đến vấn đề hậu giám sát. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhìn nhận, hiện dịch Covid vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng gây khó khăn cho các đoàn giám sat trong thời gian tới. Vì vậy, ông kiến nghị khi thực hiện giám sát phải có kịch bản giãn cách, đi lại, bố trí nhân sự… theo hướng giám sát mở. "Tức là khi có dich tại khu vực khu vực thì phải phân công nhân sự tại chỗ để thực hiện mới hiệu quả, kịp thời" – ông nói.

Ông cũng cùng ý kiến với ĐB Kim khi cho rằng hậu giám sát vẫn còn nhiều bất cập. Qua thực tế cho thấy có rất ít báo cáo hậu giám sát gửi về. "Có những vấn đề chúng tôi không biết sau khi giám sát xong thì địa phương thực hiện yêu cầu giám sát như thế nào, báo cáo ra sao. Rõ ràng chưa có cơ chế kiểm soát khâu này" – ông thẳng thắn.

Giám sát tối cao của Quốc hội: ĐBQH lo hậu giám sát như "lưỡi dao chặt xuống nước" - Ảnh 3.

ĐB Trần Hoàng Ngân băn khoăn việc giám sát trong bối cảnh Covid-19. Ảnh: Quochoi.vn

Một điều nữa cũng được ĐB Hoàng Ngân kiến nghị là cần tạo cơ chế cho những ĐBQH với tư cách là đại diện cho cử tri muốn trực tiếp thực hiện việc giám sát của mình. "May mắn được tham gia ĐBQH hai khóa XIII, XIV và giờ là khóa XV, nhưng tôi vẫn thấy lúng túng khi muốn thực hiện quyền giám sát của một ĐBQH. Do đó theo tôi cần có cơ chế để ĐBQH trực tiếp thực hiện giám sát theo từng nhóm ĐBQH khi có nhu cầu giám sát" – ĐB Hoàng Ngân đề xuất.

ĐB Ngân cũng đề nghị ngoài 4 chuyên đề giám sát Quốc hội dự kiến thực hiện, cần bổ sung thêm việc giám sát việc thực thi các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Dịch hiện nay diễn biến hết sức khốc liệt, có thể tiếp tục tái đi tái lại cho đến 2022 nên an sinh xã hội vẫn là quan trọng bên cạnh tiêm vaccine. Do đó tôi đề nghị Quốc hội cần có giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ 2020 và 26.000 tỉ của năm nay" – ông đề xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm