Dưới triều đại của Giáo hoàng Francis, Vatican chứng kiến những thay đổi được xem là chưa từng có trong lịch sử hiện đại trong vấn đề về sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động. Theo số liệu công bố năm 2023, số lượng phụ nữ làm việc tại Vatican đã tăng thêm khoảng 320 người so với thời điểm Giáo hoàng bắt đầu cầm quyền năm 2013, nâng tổng số lên 1.165 người. Ngoài sự tăng trưởng về số lượng, phụ nữ cũng được nắm giữ những vị trí trước đây chỉ dành cho nam giới.
Năm 2021, nữ tu người Ý Raffaella Petrini được bổ nhiệm làm Thư ký Phủ Thống đốc Thành Vatican - vị trí cao thứ hai trong bộ máy hành chính của quốc gia nhỏ nhất thế giới này. Tới năm 2025, bà tiếp tục đi vào lịch sử khi trở thành phụ nữ đầu tiên giữ chức Chủ tịch Thống đốc Quốc gia Vatican. Cùng năm đó, nữ tu Simona Brambilla cũng được giao phụ trách một bộ trong Giáo triều. Chính Giáo hoàng Francis từng phát biểu rằng: "Mỗi lần có phụ nữ đảm nhiệm một vị trí có trách nhiệm trong Vatican, mọi việc đều tiến triển tốt hơn".
Trong lĩnh vực phụng vụ, ông đưa ra nhiều cải cách mang tính biểu tượng và thực tiễn. Từ năm 2016, ngày kính thánh Maria Mađalêna - người phụ nữ đầu tiên chứng kiến sự phục sinh của Chúa Giêsu - được nâng lên thành lễ kính trọng thể. Năm 2021, Giáo hoàng ký sắc lệnh cho phép cả nam và nữ được bổ nhiệm làm đọc sách và giúp lễ - những vai trò trước đó chỉ dành cho nam giới. Các giáo xứ cũng được trao quyền phong chức cho giáo dân, bao gồm phụ nữ, làm giáo lý viên. Những thay đổi này được đánh giá là góp phần đưa giáo luật tiệm cận hơn với thực tiễn mục vụ tại các cộng đoàn cơ sở.
Quảng trường Thánh Peter của Tòa Thánh Vatican
Các chuyên gia cho rằng, những cải cách dưới thời Francis đã thể hiện sự chuyển biến trên 3 lĩnh vực then chốt. Trước hết là ở công tác điều hành, thông qua việc bổ nhiệm phụ nữ vào những vị trí lãnh đạo tại Vatican và lần đầu tiên trong lịch sử, 57 phụ nữ được quyền bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2024 - một không gian trước đây hoàn toàn do nam giới chi phối. Việc sửa đổi Hiến chế Tông đồ đã trao quyền điều hành không chỉ dựa trên chức thánh mà còn căn cứ vào "sứ mạng giáo luật" cũng được đánh giá là mở rộng không gian cho sự tham gia của phụ nữ.
Thứ hai là ở lĩnh vực phụng vụ, với việc chính thức công nhận và chuẩn hóa vai trò của phụ nữ trong các thừa tác vụ giáo dân như đọc sách, giúp lễ, dạy giáo lý. Đây là sự ghi nhận rõ ràng về những đóng góp vốn đã tồn tại từ lâu của phụ nữ trong đời sống mục vụ tại các giáo xứ.
Thứ ba là đối thoại. Trong suốt triều đại của mình, Giáo hoàng Francis đã 2 lần triệu tập ủy ban nghiên cứu về khả năng truyền chức phó tế cho phụ nữ, một đề xuất được các nữ tu đưa ra từ năm 2016. Dù chưa có kết luận rõ ràng, sự tồn tại của những cuộc thảo luận chính thức này cũng đã được đánh giá là dấu hiệu của sự cởi mở. Ông cũng khuyến khích việc lắng nghe và đối thoại với các nữ thần học gia, nhiều lần nhấn mạnh rằng một Giáo hội lành mạnh không thể thiếu tiếng nói của phụ nữ.
Đức Giáo hoàng Francis đã gửi thông điệp rằng phụ nữ cũng quan trọng như nam giới trong đời sống của nhà thờ. Ảnh: IPA
Tuy vậy, không ít tiếng nói hoài nghi cho rằng những thay đổi dưới thời Giáo hoàng Francis phần nhiều mang tính biểu tượng. Một số nhà nghiên cứu nữ quyền chỉ ra rằng các phụ nữ được bổ nhiệm đều do giáo sĩ lựa chọn và thường "biết nghe lời", khó lòng tạo ra thay đổi thật sự. Bà Lucetta Scaraffia, cựu biên tập viên phụ trương phụ nữ của tờ nhật báo Vatican là L'Osservatore Romano, thẳng thắn gọi đó là "sự giả tạo", bởi theo bà, cơ cấu quyền lực về cơ bản vẫn không thay đổi.
Về mặt thần học, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Giáo hoàng vẫn duy trì lập trường loại trừ phụ nữ khỏi chức linh mục. Chính ông từng khẳng định: "về việc phong chức linh mục cho phụ nữ, cánh cửa ấy đã đóng". Trong các cuộc phỏng vấn, ông cũng tỏ ra thận trọng khi nói về khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ.
Một điểm gây tranh cãi khác là cách ông nhìn nhận vai trò của phụ nữ thông qua lăng kính truyền thống. Dù lên án mạnh mẽ bạo lực giới và bất công trong xã hội, Giáo hoàng Francis đồng thời chỉ trích điều ông gọi là "ý thức hệ về giới" (gender ideology), một khái niệm thường bị hiểu sai và gộp chung với các phong trào nữ quyền hiện đại. Ông từng mô tả vai trò nữ tính là "sự đón nhận, nuôi dưỡng và dâng hiến sự sống", một phát biểu bị một số cơ sở giáo dục Công giáo như Đại học Louvain công khai phản đối vì gắn với các định kiến giới.
Dù vẫn còn nhiều hạn chế, không thể phủ nhận rằng triều đại của Giáo hoàng Francis là một giai đoạn được đánh dấu bởi nhiều tiến bộ về quyền của phụ nữ. Sự hiện diện ngày càng rõ nét của phụ nữ trong bộ máy điều hành và các nghi lễ phụng vụ là những bước tiến lịch sử. Tư tưởng ủng hộ "bình đẳng trong khác biệt", cùng những phát biểu mạnh mẽ về vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và công lý xã hội, cho thấy một nỗ lực - dù chưa triệt để - trong việc phá bỏ các rào cản đã ăn sâu bám rễ.
Giáo Hoàng Francis và Sơ Consolata Simona Brambilla, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một thánh bộ của Giáo triều Roma. Ảnh: L'Osservatore Romano
- Lên ngôi tháng 3/2013, Francis là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ (Argentina), từ Dòng Tên và thuộc bán cầu Tây. Nổi bật với lối sống giản dị, ông đã cải tổ Giáo triều Roma và thúc đẩy minh bạch tài chính tại Vatican.
- Trong khi vẫn giữ lập trường bảo thủ về hôn nhân đồng giới và phá thai, ông thể hiện thái độ cởi mở với các quan điểm xã hội đa dạng. Francis đặc biệt quan tâm tới biến đổi khí hậu.
- Khủng hoảng lạm dụng tình dục vẫn là vết nhức nhối trong triều đại của ông, dù ông đã công khai xin lỗi và kêu gọi cải cách.
Không chỉ đề cập đến bất công giới trong xã hội, ông cũng công khai thừa nhận các hình thức bạo lực giới tồn tại ngay trong lòng Giáo hội, từ sự áp đặt của nam giới, các vụ lạm dụng nữ tu sĩ, cho tới sự im lặng kéo dài về quyền được tham gia của phụ nữ. Những thay đổi trong giáo luật gần đây nhằm công nhận bạo hành tinh thần như một tội phạm là một bước đi đáng chú ý, dù bị cho là còn quá chậm chạp.
Theo nhà nghiên cứu Bronagh McShane thuộc Đại học Trinity College Dublin, Ireland, các cải cách của Giáo hoàng Francis "dù mang tính tiệm tiến, đã mở ra một giai đoạn mà Vatican bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc năng lực lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong Giáo hội". Với người Công giáo cấp tiến, điều đó là chưa đủ. Với những nhóm bảo thủ, đó lại là quá nhiều. Nhưng dẫu ở đâu trên phổ nhận thức, có một thực tế không thể phủ nhận: hình ảnh và tiếng nói của phụ nữ trong Giáo hội đã trở nên rõ ràng hơn sau hơn một thập niên Francis làm Giáo hoàng.
Dù hành trình hướng tới bình đẳng thực sự còn dài, những hạt giống đối thoại mà ông gieo trồng có thể sẽ tiếp tục nảy mầm - vượt qua cả triều đại mà ông để lại.
Những người cầu nguyện tại một thánh lễ dành cho Giáo hoàng Francis vào ngày ông qua đời, tại Nhà thờ chính tòa Metropolitan, Buenos Aires (Argentina) - nơi ông sinh ra. Ảnh: EPA