Giáo hoàng rửa chân và thông điệp hòa bình

27/03/2016 - 08:50
Cẩn thận từng người một, Giáo hoàng Francis quỳ xuống, lấy nước rửa, cẩn thận lau sạch và hôn lên chân họ. Sau nghi thức này, Giáo hoàng phát biểu rằng, dù có nền hóa và tôn giáo khác nhau nhưng tất cả chúng ta vẫn là những người anh em trước Chúa trời.
Giáo hoàng Francis vừa đến thăm trại tị nạn ở Castelnuovo di Porto (vùng ngoại ô Rome, Italia) và thực hiện nghi thức rửa chân cho những người tị nạn Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Hindu giáo và tuyên bố tất cả đều là con của Chúa trời. Cẩn thận từng người một, Giáo hoàng quỳ xuống, lấy nước rửa, cẩn thận lau sạch và hôn lên chân họ. Một số người được rửa chân không kiềm chế được xúc động bật khóc trước cử chỉ của Giáo hoàng.

Tại buổi lễ này, Giáo hoàng phát biểu: “Chúng ta đến từ những nền văn hóa và có niềm tin tôn giáo khác nhau như Hồi giáo, Hindi, Công giáo, Thiên chúa giáo cổ Ai Cập, Phúc âm nhưng tất cả chúng ta vẫn là những người anh em trước Chúa trời và mong muốn được sống trong hòa bình”.
Giáo hoàng Francis rửa chân cho một phụ nữ di cư người Hồi giáo
Phong tục giáo hoàng rửa chân cho con chiên được thực hiện để tái hiện hành động đầy khiêm nhường của Chúa Jesus đối với các tông đồ của mình trước ngày ngài qua đời. Đây là nghi thức Giáo hoàng thực hiện nhằm đón chào và thể hiện tình đoàn kết giữa lúc làn sóng phản đối người Hồi giáo gia tăng sau vụ tấn công Brussels hôm 22/3. Giáo hoàng cho rằng hành động tấn công khủng bố vào Brussels đã làm phá hoại tình đoàn kết, nhân văn của những người nhập cư.

Thông điệp ý nghĩa được Giáo hoàng Francis truyền tải là lời nhắc nhở mọi người không nên quên đi mối dây liên kết giữa người với người, bất chấp những hành vi tàn ác, mất nhân tính vẫn diễn ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Cuối buổi lễ, Giáo hoàng gặp từng người, bắt tay và thậm chí là chụp ảnh cùng họ.
Giáo hoàng chụp ảnh “tự sướng” cùng người tị nạn
Các giáo hoàng trước đây luôn tổ chức ngày lễ này tại Vatican hoặc đại giáo đường St. John Lateran. Tuy nhiên, sau khi Giáo hoàng Francis lên nhậm chức tháng 3/2013, truyền thống này đã bị phá vỡ khi ông chủ trì buổi lễ với những người thường dân tại những khu vực nghèo khó của Rome.

Theo luật lệ của nhà thờ Vatican, chỉ có đàn ông mới được tham gia nghi thức rửa chân thiêng liêng và luôn tổ chức lễ trong những đại giáo đường hoành tráng. Trước đây, các Giáo hoàng thường làm lễ với 12 người đàn ông Công giáo để tưởng nhớ hành động chúa Jesus rửa chân cho 12 tông đồ.
Giáo hoàng Francis đã làm hàng triệu tín đồ Công giáo ngỡ ngàng vào năm 2013 khi rửa chân cho một phụ nữ và một người Hồi giáo ở trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên, ôm hôn những người dị dạng...
Giáo hoàng Francis hôn đầu một người đàn ông bị biến dạng khuôn mặt trên quảng trường Thánh Peter năm 2013
Tháng 1/2016, Giáo hoàng Francis đã sửa luật để cho phép người đứng đầu nhà thờ tòa thánh Vatican sau này được rửa chân cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều này đã khiến những tín đồ Công giáo bảo thủ không hài lòng. Giáo hoàng Francis đã giải thích rằng từ khi các nô lệ rửa chân cho ông chủ của mình từ thời xa xưa, nó đã trở thành biểu tượng cho lòng tận tâm phục vụ và mong muốn tâm hồn thanh sạch. Giáo hoàng nói rằng ông cũng muốn tâm hồn mình được “tẩy trần” và “là một nô bộc ngày càng tận tụy hơn trong việc phục vụ mọi người”.

Giáo hoàng Francis không chỉ đang nỗ lực thay đổi Nhà thờ Công giáo Roma, ông dường như quyết tâm tạo ra thay đổi trên toàn thế giới. Ông tấn công vào hệ thống cấp bậc hẹp hòi của Công giáo vì tập trung quá nhiều vào giáo điều và thế giới tâm linh, nhưng quá ít cho dân thường. Ông còn nói những điều rất con người về những số phận bị nền kinh tế toàn cầu gạt ra rìa, về những người di cư chết đuối trên biển hay những phụ nữ bị ép trở thành gái bán dâm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm