GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN DŨNG: ÍT DÙNG MẠNG XÃ HỘI, DÀNH THỜI GIAN TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA BẠN ĐỌC
Là một vị Giáo sư nổi tiếng, tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi và có quãng đời dài cống hiến cho giáo dục, khoa học, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng luôn coi trọng truyền thống học tập của gia đình. Sự ảnh hưởng từ nền giáo dục cốt lõi của gia đình cũng là tấm gương để 2 người con trong gia đình ông chọn nghề, vươn lên mạnh mẽ và đến nay cũng đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học.
"HÃY TẠO CHO CÁC CON MẢNH ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN, ĐỪNG LÃNG PHÍ TUỔI TRẺ"
Gia đình Giáo sư Nguyễn Lân Dũng có nhiều thế hệ theo ngành giáo dục và y khoa. Các con của vợ chồng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Đại tá - PGS.TS. Nguyễn Kim Nữ Hiếu (bà nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, con của cố Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục) hiện nay đều nối nghiệp cha mẹ. Đó là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và TS. Nguyễn Kim Nữ Thảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: "Tôi rất hài lòng về các con và cháu mình. Cháu ngoại mới học lớp 3 nhưng đã có thể viết truyện bằng tiếng Anh, cháu nội đỗ Đại học Harvard. Tôi cũng khá bất ngờ khi cháu là một trong ít thí sinh của Việt Nam trúng tuyển vào Harvard. Tôi thấy ngày nay, cánh cửa mở ra với thế hệ trẻ thật rộng lớn. Ngày nay cũng có nhiều trẻ giỏi nhưng chưa có điều kiện phát huy, tuy nhiên, sự rèn luyện từ nhỏ cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ thành công. Nhiều người hỏi tôi kinh nghiệm nuôi con, dạy cháu, tôi cho rằng đọc sách từ sớm sẽ giúp trẻ có tư duy tốt. Hãy tạo cho các cháu mảnh đất để phát triển, đừng lãng phí tuổi trẻ".
Ông chia sẻ rằng đã đi nhiều trường đại học ở nước ngoài để học hỏi và để rút kinh nghiệm nhưng "khó rút được, vì ở nước ngoài điều kiện quá tốt, ăn ở, thực hành, nhất là Sinh học phải có thực nghiệm ở mức độ cao". Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng thấu hiểu, nuôi con đi học thời nay rất tốn kém, ông luôn muốn các con, các cháu mình cũng như các học sinh khác có điều kiện học tập và làm việc tốt nhất.
GIỮ THÓI QUEN DẬY TỪ 6H SÁNG ĐỂ ĐỌC, VIẾT SÁCH
Ở tuổi 86, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn giữ thói quen dậy từ 6 giờ sáng để đọc sách, viết sách và tìm hiểu thông tin, nghiên cứu khoa học. Cuộc sống của ông không tẻ nhạt nhưng cũng không quá vội vã, mặc dù công việc rất nhiều. Trong đó, việc mà ông tâm đắc nhất chính là trả lời câu hỏi của bạn đọc.
"Bản thân tôi nếu rời máy tính cũng không làm được việc vì đôi khi các bạn hỏi những câu rất khó, nếu không tìm trong sách báo và Chat GPT cũng đầu hàng thì máy tính kết nối mạng là cứu cánh. Thời đại kỹ thuật số phải biết tận dụng công nghệ, tra cứu tài liệu trên mạng vì thông tin nhanh và nhiều hơn. Nhưng muốn nâng cao văn hóa và tâm hồn nên đọc trực tiếp sách báo. Đó là lý do mà tôi đọc nhiều đầu báo hàng ngày", ông chia sẻ.
Giáo sư cũng cho biết, ông ít dùng mạng xã hội mặc dù ông sử dụng thành thạo công nghệ và làm việc nhiều giờ trên máy tính. Ông cho rằng người trẻ tuổi hiện đang mất nhiều thời gian vào mạng xã hội mà không tận dụng internet để tìm hiểu thông tin, kiến thức thực tế cho cuộc sống.
Bên cạnh những cuốn sách cung cấp kiến thức phục vụ cho công việc, Giáo sư chăm chú nghiền ngẫm sách chuyên môn, những cuốn về khoa học và là văn học. "Tôi đọc tác phẩm của các nhà văn Việt Nam tiêu biểu như Tô Hoài, Nam Cao... để lấy kinh nghiệm viết lách", ông bình dị chia sẻ.
Thời đại kỹ thuật số phải biết tận dụng công nghệ, tra cứu tài liệu trên mạng vì thông tin nhanh và nhiều hơn. Nhưng muốn nâng cao văn hóa và tâm hồn nên đọc trực tiếp sách báo. Đó là lý do mà tôi đọc nhiều đầu báo hàng ngày", Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn giữ thói quen mua các loại báo, tuy không thể đọc hết nhưng nắm được tình hình trong nước và thế giới. Bởi theo ông, muốn trở thành một người phổ biến khoa học mà thiếu kiến thức chung thì không thể làm tròn trách nhiệm. Với ông, thời gian có hạn nên phải phân bổ cái gì cần thì đọc, cái gì không cần thì bỏ qua.
Sau những ngày giờ cống hiến cho khoa học, cho bạn đọc, ông thường dành ngày cuối tuần để quây quần bên gia đình, con cháu. Vợ chồng ông noi gương bố mẹ để tiếp tục làm gương cho hai con và các cháu nội, ngoại. Giáo sư cho rằng, trước hết là cần sống tử tế và luôn cố gắng làm những việc có đóng góp cụ thể cho xã hội, kể cả khi bản thân tuổi đã cao.
Thực hiện: An Khê
Ảnh: Đặng Xuân Thắng - NVCC