pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gieo niềm tin, hy vọng cho bệnh nhân quan trọng không kém việc cứu người
Công tác tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã 11 năm, trải qua nhiều biến cố, những cú sốc cùng với bệnh nhi và người nhà của các em, chị Đỗ Thị Biên cũng từng có những nỗi buồn thẳm sâu, những nỗi thất vọng bởi sự bất lực của y học trước những căn bệnh quái ác, rồi cứ thế chị vượt lên để sống chung với nỗi đau ấy.
Chứng kiến nhiều mất mát, chị hiểu ra rằng dù cứu được người hay không, thì niềm vui, niềm tin, sự hy vọng vào một ngày mai tươi sáng mới là điều quan trọng. Vì chỉ có niềm tin và hy vọng mới đem đến tinh thần lạc quan cho cả y bác sỹ và người bệnh, giúp cho việc điều trị trở nên tích cực và có ý nghĩa hơn.
Đồng cảm với trăn trở của người ở lại
Chị Biên cho biết, có những gia đình bệnh nhi ở rất xa, họ không về mà ở bệnh viện rồi phải cắt cử người trông cả ngày đêm, rất vất vả, thiếu thốn. Nhiều gia đình khi biết con không thể cứu được còn bám trụ ở bệnh viện đến cuối cùng, để con mất tại bệnh viện. Những ca như thế này khiến chị cảm thấy buồn vô hạn, cảm thấy bất lực bởi công sức của chính chị và nhiều y bác sỹ bỏ ra rất nhiều nhưng không thể cứu các cháu.
"Các bác sĩ đều cố gắng hết mình để níu kéo được ngày nào hay ngày đó, các gia đình có chiến đấu mới hy vọng vào ngày mai. Bệnh ung thư máu này, gia đình bệnh nhân dù biết trước một cái chết nhưng nếu không chiến đấu làm sao biết được một ngày trên thế giới lại sáng chế ra loại thuốc chữa được bệnh cho con mình? Bởi vậy, tôi vẫn khuyên bệnh nhân điều trị hãy hy vọng một ngày nào đó có thuốc đặc trị cho con cái họ", chị Biên tâm sự.
Nhưng có lẽ, điều chị trăn trở nhất không hẳn là người ra đi mà là người ở lại. Có những gia đình điều trị cho con rất kiên trì, họ còn quyết định bán hết nhà cửa để chữa trị cho con. Chính quyết tâm này lại khiến chị rơi nước mắt, bởi nếu họ bán hết nhà cửa thì những đứa con còn lại, gia đình họ sẽ sống ở đâu? Tương lai sẽ ra sao? Nếu bán hết, chữa hết tiền mà vẫn không khỏi thì sao? Đến lúc kiệt quệ rồi thì họ sẽ sống thế nào? Đôi khi lời khuyên của điều dưỡng và y bác sỹ lại quyết định tương lai của nhiều con người. Chị Biên và nhiều đồng nghiệp đã có những ngày tháng mất ăn mất ngủ bởi những điều như thế!
"Có những trường hợp điều trị rất tốt, hợp thuốc, lấy vợ lấy chồng và quay lại mời chúng tôi đến dự đám cưới. Nhưng cũng có một số cháu đến giai đoạn nặng thì chỉ biết an ủi giúp các con vui vẻ, chuẩn bị tâm lý. Các cháu đến giai đoạn cuối cùng mà bị tái phát rồi thì khó qua khỏi", chị Biên cho biết. Đối với những y bác sỹ làm ở đây, ai cũng mong mỏi có một thiếp mời hay một tin vui từ những bệnh nhân mà mình từng điều trị.
Mọi cố gắng của những điều dưỡng như chị Biên và các y bác sỹ chính là để cứu người, để nhìn thấy những bệnh nhi của mình khỏe mạnh, để mỗi ngày khi trở về nhà cảm giác không có lỗi với các cháu nhỏ, kiểm lại mọi việc xem bản thân đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận chưa? Nhưng niềm vui và sự thanh thản không phải lúc nào cũng xuất hiện khi rời bệnh viện, bởi khi các chị ngồi bên mâm cơm gia đình, thì những số phận kia vẫn là những bữa cơm bệnh viện và nỗi lo lắng, đau đớn đến chai sạn.
"Làm việc ở khoa nhi phải có tinh thần thép, phải yêu trẻ, bởi áp lực, thời gian, điều trị hóa chất, tiếng khóc của trẻ khi sốt, sự khó chịu của gia đình có con bị bệnh… chúng tôi phải đối mặt với tất cả điều đó, khó hơn làm dâu trăm họ, nhưng không thể bỏ cuộc"
Điều dưỡng viên Đỗ Thị Biên
Theo điều dưỡng Biên, cuộc chiến đấu ở đây là chiến đấu giữ niềm hy vọng cho bệnh nhân và người nhà các em. Không chỉ bản thân các thầy thuốc giữ niềm tin mà phải gieo được niềm tin ấy cho bệnh nhân để họ tiếp tục cùng chiến đấu với bệnh tật.
Làm hết mình cho các bệnh nhân nhỏ tuổi, chăm sóc bệnh nhân nhiều hơn cả con cái mình, đó là những gì đồng nghiệp nhìn thấy ở người nữ điều dưỡng đầy nhiệt huyết này. Có lẽ chính vì có trái tim ấm nóng ấy nên chị cũng được bù đắp sau những vất vả khó khăn.
Với những cố gắng của mình, nhiều năm liền, chị Đỗ Thị Biên luôn đạt thành tích xuất sắc của Khoa và của Viện trong công tác điều trị. Bên cạnh đó, một "tấm bằng khen" lớn lao hơn chị có được chính là người chồng cùng làm ngành y hiểu chị, có những đứa con ngoan ngoãn biết nghe lời, có sự đồng cảm của của bố mẹ… và sự yêu mến của đồng nghiệp, của người bệnh.