Giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng là dịp lễ quốc gia nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn của con cháu Đại Việt trước công lao dựng nước của các vua Hùng. Cứ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, người người lại nô nức hướng về Đền Hùng để dâng lễ, thắp hương, bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc.
Nhưng theo truyền thuyết thì đất nước ta có 18 đời vua Hùng. Mỗi đời vua được tính là một triều đại, do đó, tuy chỉ có 18 đời vua Hùng, nhưng lịch sử ghi nhận vào thời kỳ này nước ta có đến 108 vị vua. Giỗ tổ Hùng Vương chỉ có một ngày, vậy là giỗ vị vua nào?
Đầu tiên phải nói đến nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau đó kết duyên cùng Âu Cơ sinh ra Hùng Vương.
Hùng Vương như vậy là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương, là niên hiệu được dùng cho hàng chục triều vua tiếp sau đó. Giỗ tổ vì vậy theo logic thì phải là giỗ Tổ Kinh Dương Vương, để tưởng nhớ vị Tổ phụ đã khai sinh ra đất nước.
Trên thực tế, theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập".
Các đời vua khác sau này cũng luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò của thời đại các vua Hùng đã xây dựng giang sơn. Chính vì thế mà hàng năm luôn để một ngày để tưởng nhớ những người đã xác lập và xây dựng lên đất nước - các vua Hùng nói chung.
Trước đây, người dân không có tục đi lễ vào ngày 10/3, họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của từng người và nô nức đến lễ bái các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân - thu chứ không định rõ ngày nào.
Lễ cúng Tổ ở địa phương thì lại được cử hành vào ngày 12/3 âm lịch kết hợp với thờ Thổ kỳ. Thường khi con cháu ở xa về sẽ làm giỗ trước một ngày chứ không mở hội lớn với quy mô toàn quốc. Như vậy thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.
Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế.
Từ đó về sau, cứ vào ngày 10/3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.
Năm nay, Lễ hội Đền Hùng được tổ chức trong 05 ngày, từ ngày 21 (Thứ 7) đến ngày 25 tháng 4 năm 2018 (tức ngày 06 đến ngày 10 tháng 3 năm Mậu Tuất).
Thời gian tổ chức nghi lễ dâng hương tại Đền Thượng: Từ 6h30’ phút, ngày 25 tháng 4 năm 2018 (tức ngày 10 tháng 3 năm Mậu Tuất).
Thời gian dâng hương bắt đầu từ 6h tại Sân Trung tâm lễ hội Đền Hùng lên đền Thượng, sau đó đặt vòng hoa, thắp hương tại lăng Hùng Vương và dâng hoa trước bức phù điêu có hình tượng“Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”
Đại biểu tới dự Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng có sự tham gia của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Ban, Bộ, ngành Trung ương, và các địa phương, các Hội, Liên hiệp hội, đại diện các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La và đại diện 4 tỉnh tham gia góp giỗ.
Tỉnh Phú Thọ đã lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn VSTP, phòng chống cháy nổ tròn suốt những ngày diễn ra lễ hội. Tiếp tục phát huy những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo chống ùn tắc, chen lấn, xô đẩy, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp, thực hiện cứu nạn, cứu hộ kịp thời đảm bảo an toàn cho nhân dân về dự lễ Giỗ Tổ.
Đến với Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay, du khách hành hương không chỉ sống trong không gian tín ngưỡng đặc trưng của người Việt mà còn được trải nghiệm không gian rất riêng vùng đất cội nguồn dân tộc.
Không gian của phần hội năm nay, TP Việt Trì tiếp tục tổ chức Lễ hội dân gian đường phố, trình diễn các trò dân gian các di sản văn hóa đặc trưng của tỉnh Phú Thọ như: Hội trò trám (huyện Lâm Thao); rước voi Đào Xá (huyện Thanh Thủy); đi cà kheo (huyện Đoan Hùng)…