Tổng hợp trả lời phiếu điều tra của các thành viên tham gia nghiên cứu cho thấy, gia đình vẫn là cấu trúc, không gian mà mỗi cá nhân thấy quan trọng nhất. Đây là nơi con người thấy thoải mái, tự do, thảnh thơi, an toàn nhất. Đây là nơi trao truyền các giá trị cuộc sống, giá trị đạo đức, là nền tảng cho giáo dục đạo đức trong nhà trường, ngoài xã hội.
Trong Tọa đàm khoa học “Biến đổi cấu trúc gia đình- so sánh liên châu lục” do Khoa Gia đình, trường Đại học Văn hoá tổ chức, Giáo sư G.Féréol - Giám đốc Viện Xã hội học văn hóa, ĐH Franche-comte, Pháp, cho biết, nghiên cứu mới về gia đình của Viện cho thấy, vai trò của gia đình trong hội nhập của cá nhân thành viên vào xã hội rất lớn. Các tệ nạn xã hội như du đãng, bỏ học, lêu lổng được kiểm soát nhờ sự liên kết gia đình. Gia đình cũng có vai trò quan trọng trong học hành, tiếp nhận tri thức, tổ chức mạng lưới quan hệ bạn bè, xã hội của mỗi người. Vì vậy, ngày càng nhiều thanh, thiếu niên ý thức về vai trò, tầm quan trọng của gia đình, kéo dài thời gian sống với gia đình, các thế hệ trong gia đình gắn kết, hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn.
Sự đoàn kết liên thế hệ ngày càng chặt chẽ hơn. Nhiều gia đình tạo bệ phóng cho các thành viên phát triển, trở thành chỗ dựa chắc chắn, bền vững của các thành viên. Điều đó thể hiện trong việc bố mẹ trợ giúp tài chính, hướng dẫn kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm cho con học, khởi nghiệp. Khi con trưởng thành, họ tự nguyện chăm lo cho ông bà, bố mẹ lúc về già.
Gia sản gia đình có 2 vốn quý. Đó là vốn vật chất và vốn tin tức, truyền thống, trợ giúp để lại cho con cái. Nguồn vốn thứ hai là một sức mạnh mới của gia đình mà trước đây không được để ý, thậm chí bỏ qua để bảo vệ tự do cá nhân nhưng giờ ngày càng trở nên đáng quý.
Nó tạo ra vốn thứ ba, đó là thế hệ ông bà thay thế cha mẹ chăm sóc con cháu, giảm áp lực cho phụ nữ trong việc chăm con để phát triển sự nghiệp. Đó cũng là lý do tại sao thế hệ các cháu bây giờ không còn quay lưng lại với ông bà khi ông bà về già, cần sự chăm sóc, giúp đỡ của các cháu.
Khuynh hướng gửi ông bà vào nhà dưỡng lão đã được thay cho việc con cháu chăm sóc ông bà, bố mẹ tại nhà. Tình cảm liên thế hệ trong gia đình đang được đẩy mạnh, thể hiện trong từng biến cố, khoảnh khắc gia đình cụ thể. Như khi ông nội mất thì bà nội vô cùng đau khổ, cô đơn, được các thế hệ sau chăm lo, quan tâm thì giảm đáng kể cú sốc tinh thần.
Hay khi bố mẹ mắc chứng Alzeimer, các con cháu sẵn lòng chăm sóc. Nó trở thành việc quan trọng đối với xã hội vì đã giải quyết cùng lúc các vấn đề chăm sóc y tế, tình cảm, quản lý hành chính... cho số lượng người già ngày càng tăng.
Sức mạnh của một gia đình chính là sự đoàn kết. Nó bền vững, lâu dài vì có sự quan tâm hai chiều. Thực tế, con cái ngày càng muốn sống gần cha mẹ, không quá 20km. Chúng ta lo sợ gia đình bị đe dọa bị xung đột, bị khủng hoảng nhưng có thể thấy rất rõ, gia đình có sức mạnh tự chủ, vượt qua khó khăn, thử thách, có cách bảo tồn sự đoàn kết chính là sức mạnh của gia đình.
Sự chung thủy, chung tình đang được đánh giá ngày càng cao trở lại. Người ta yêu nhau, chung sống hay cưới hỏi, ngoài tình cảm yêu thương là sự trân trọng nhau, mong muốn có một người thực sự quan tâm, chăm sóc, cần, nâng niu mình.
Gia đình trong tư duy của mỗi cá nhân vẫn là nơi quan trọng hàng đầu của cuộc sống, tương lai. Gia đình tác động trực tiếp và vô cùng tích cực đến mỗi người, có đóng góp hàng đầu trong thành công học đường, thành tựu nghề nghiệp, thành đạt xã hội, đóng vai trò quan trọng trong sự tiến thân của mỗi cá nhân.