Gỡ bí nguồn vốn vay cho phụ nữ

23/06/2017 - 11:10
Nhiều phụ nữ nông thôn kinh doanh gặp khó khăn về nguồn vốn, các cấp Hội LHPN đã làm cầu nối giúp họ vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Với những đồng vốn đó, nhiều phụ nữ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu...

 

vay-von-nhcs-1.jpg
Chị Đặng Thị Dư, thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH (ảnh H. Hòa)

 

Chị Đặng Thị Dư, thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) vui vẻ cho biết cuộc sống gia đình chị dần ổn định và khấm khá lên lên trông thấy. Nhớ lại những ngày khó khăn, chị Dư chia sẻ: Ở vùng nông thôn, chỉ biết trông vào máy làm bún để có thu nhập cho cả gia đình. “Chịu được vất vả, muốn làm ăn vươn lên thoát nghèo, nhưng vẫn mãi loanh qoanh với khó khăn chỉ bởi thiếu đồng vốn đầu tư sản xuất”.

Từ năm 2016, được xét vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Dư như tìm được cho mình hướng đi mới, thêm nhiều cơ hội thoát cảnh bí bách nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất bún, tăng thu nhập cho gia đình. Với gần 40 triệu đồng vốn, chị sắm ngay máy làm bún mới. “Cả gia đình cùng thức khuya dậy sớm, xắn tay vào làm, những mong cuộc sống khấm khá hơn”. Từ nguồn vốn tuy không lớn, cộng với sự tần tảo, mỗi tháng gia đình chị có thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng từ làm bún, “góp gió thành bão” xoay sở cho cuộc sống ổn định hơn.

Bà Trần Thị Nghĩa, Chi hội trưởng phụ nữ kiêm tổ trưởng vay vốn thôn Yên Viên, cho biết: Phụ nữ vùng nông thôn khó khăn nhất là nguồn vốn vay. Trong Chi hội có 262 chị em thì vẫn còn 5 hộ nghèo. Việc xét cho vay nguồn vốn ủy thác qua tổ chức Hội ở cơ sở cũng không ít chuyện “tế nhị”. Nguồn vốn chưa nhiều, nên xét duyệt cho vay phải qua nhiều cuộc họp, ưu tiên cho những chị em khó khăn nhất, có khả năng trả nợ... “Chỉ vì khao khát làm ăn thoát nghèo, chị em cần vốn vay sản xuất. Nhiều khi, việc đề xuất cho vay, rồi nhỏ nhẹ giải thích để làm sao chị em chưa được vay cảm thấy không tủi”, bà Nghĩa nói.

vay-von-nhcs-2.jpg
Cho vay ủy thác qua Hội LHPN trên địa bàn Gia Lâm có 124 tổ tiết kiệm vay vốn, với hơn 3.500 số hộ vay (ảnh H. Hòa) 


Ông Đặng Văn Lâm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSCH huyện Gia Lâm, cho biết: Trên địa bàn, hoạt động cho vay ủy thác thông qua các hội đoàn thể, trong đó, Hội LHPN xã luôn đứng đầu với những kết quả rất tích cực. Tính đến đầu năm 2017, riêng các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện có 124 tổ tiết kiệm vay vốn, với hơn 3.500 số hộ vay và không có nợ quá hạn.

Lý giải việc không có nợ quá hạn, ông Lâm cho rằng, những người phụ nữ vay vốn vẫn thường có ý thức cao trong việc sử dụng vốn hiệu quả và trả nợ đúng hạn. Các tổ chức Hội có hệ thống tổ chức đến từng thôn, xóm; hội viên đều là những hàng xóm thân thiết, cùng giúp đỡ, san sẻ với nhau với tình làng nghĩa xóm. Vì vậy, hoạt động ủy thác thông qua các hội đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN luôn được đánh giá là có sự bền vững cao.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động sinh hoạt của từng tổ tiết kiệm vay vốn, các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền chính sách ưu đãi tín dụng, cũng như các hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, lồng ghép chương trình khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng được chú trọng.

Trên phạm vi cả nước trong 3 tháng đầu năm 2017, doanh số NHCSXH đạt trên 15,4 nghìn tỷ đồng, giúp trên 556 nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm cho gần 31 nghìn lao động, trong đó trên 600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 7 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên 285 nghìn công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn; xây dựng gần 600 căn nhà ở cho hộ nghèo…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm