Gỡ bỏ suy nghĩ áp đặt nam giới vụng chăm con

04/03/2016 - 11:09
Triển lãm ảnh “Những ông bố Thụy Điển” của nhiếp ảnh gia Johan Bavman vừa diễn ra tại Hà Nội. Loạt ảnh ghi lại cuộc sống thường ngày của những người bố Thụy Điển nghỉ ở nhà chăm sóc con đã mang lại rất nhiều cảm xúc với người xem.
Thụy Điển là một trong những quốc gia bình đẳng nhất trên thế giới theo đánh giá của các bảng xếp hạng quốc tế. Ở Thụy Điển, cả hai giới nam và nữ được hưởng các quyền như nhau - ở môi trường học đường, tại nơi làm việc và ở nhà. Với 480 ngày nghỉ phép được trả lương, tương đương với 16 tháng nghỉ sinh con dành cho cả bố và mẹ, Thụy Điển là quốc gia tiên phong với một chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích bình đẳng giới trong công sở và ngay trong gia đình. Không có gì ngạc nhiên khi hình ảnh nhiều ông bố Thụy Điển tự hào đẩy xe đưa các con nhỏ đi chơi trên các đường phố đã trở thành hình ảnh thân thuộc, phổ biến trong xã hội Thụy Điển.
Khi nhiếp ảnh gia Johan Bavman sắp trở thành một người cha, ông nhận ra sự thiếu hụt các tấm gương điển hình. Và ý tưởng "Những ông bố Thụy Điển" đã được nảy ra.
Anh Ibra Thiaw, 41 tuổi, nhân viên văn phòng, nghỉ phép 6 tháng để chăm sóc con gái Ebba và Sofia (4 tuổi và 2 tuổi). Mối quan hệ với vợ của anh thay đổi sau thời gian này. Anh chị đã có thể nói chuyện với nhau về những khó khăn khi ở nhà mà trước đó anh không hiểu nhiều những cảm xúc của vợ chăm con ở nhà.
Anh Jonas Feldt, 31 tuổi, nhân viên hành chính Trung tâm việc làm, nghỉ phép trong 9 tháng để chăm sóc 2 con gái Siri và Lovis với mong muốn con sẽ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mình.
Anh Milan Molivanovic, 32 tuổi, Nhà tâm lý học, nghỉ phép 9 tháng để chăm sóc con gái Siri. Và mối quan hệ của vợ chồng anh tốt đẹp hơn vì anh hiểu và chia sẻ thực sự với công việc chăm sóc con cái, nhà cửa của vợ.
Anh Johan Ekengard, 38 tuổi, nhân viên phát triển sản phẩm. Johan và bạn đời chia đôi thời gian nghỉ phép nuôi con bình đẳng với nhau để chăm sóc các con Ebbe, Tyra và Stina.
Anh Nils Jarlsbo, 33 tuổi, Nhà thiết kế/Người vẽ tranh minh hoạ. Chia sẻ thời gian nghỉ phép nuôi con với vợ để chăm sóc con trai Bibi. Trước đây đã nghỉ phép nuôi con để chăm sóc Doris.
Urban Nordh, 32 tuổi, Thạc sĩ Kỹ thuật, nghỉ phép nuôi con trai Holger trong 10 tháng.
Anh Samad Kohigoltapeh, 32 tuổi, Kỹ sư xây dựng. Bốn tháng nghỉ phép nuôi con cùng vợ, sau đó một mình nghỉ phép nuôi con để chăm sóc hai bé sinh đôi Parisa và Leia.
Buổi khai mạc triển lãm đã thu hút được sự đông đảo của người dân thủ đô tới tham dự, trong đó có nhiều nam giới.
 
Ông Bùi Mai Hạnh (69 tuổi, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) : "Nhà tôi ở gần đây. Ban đầu, thấy có trưng ảnh to ở bên ngoài cổng thì tôi tò mò ngó xem. Không ngờ lại được biết đến những hình ảnh rất đẹp này. Tình phụ tử trong ảnh thể hiện quá đẹp, quá sâu sắc. Các ông bố Tây quá yêu con và có trách nhiệm với chúng nó. Nhìn vào đàn ông nước họ mới thấy những quan niệm như việc con cái là của phụ nữ, đàn ông không khéo, rất vụng về trong việc chăm con ở nước ta chỉ là do ta tự áp đặt với nhau cả thôi, đó là sai lầm".
Có mặt tại buổi triển lãm, đạo diễn Trần Lực (ngoài cùng bên trái) đã chia sẻ: “Việt Nam và Thuỵ Điển có những khác biệt trong xã hội, về văn hoá, giữa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, đàn ông của cả hai nước chúng ta vẫn có những điểm chung là tình yêu với gia đình và đặc biệt là tình yêu với con cái. Những sự hỗ trợ của đàn ông trong việc chăm sóc con cái như thế này rất cần phải xuất phát từ trái tim, phải yêu thương thật lòng”.
Với anh Bùi Văn Linh (Bộ Giáo dục và Đào tạo): "Thật là thú vị. Khi chúng ta sinh đứa con đầu tiên, đó là cảm giác rất tuyệt vời. Khi chúng ta chăm sóc con cái, đó là niềm hạnh phúc của bất kỳ ông bố nào. Ngoài ra, việc các ông bố dành thời gian để quan tâm đến con, giáo dục con như thế này chính là trách nhiệm của thế hệ trước dành cho thế hệ sau. Khi người bố nghỉ làm khi con đang trong giai đoạn đầu thì việc chăm sóc con cái sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ giao cho người mẹ".
Chị Lê Phương Thuý (20 Thuỵ Khuê, Hà Nội) : “Từ những bức ảnh của triển lãm, tôi nhận thấy ở Việt Nam cũng không thiếu những hình ảnh đẹp như thế này. Song chúng ta lại chưa làm được như họ ở chỗ chưa đề cao giá trị chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái của người đàn ông, thậm chí còn tồn tại những tư tưởng bài xích, ngăn cản, làm nhụt chí của họ. Việc của truyền thông là thay đổi giá trị, vai trò giới để giúp nam giới tham gia và là tác nhân tích cực thay đổi cấu trúc xã hội”.
Riêng em Nguyễn Việt Tùng (sinh viên năm nhất Đại học Điện lực): "Lần đầu tiên em được biết về một nước có chế độ vợ sinh con, chồng được nghỉ làm nhiều như vậy để ở nhà chăm sóc con thay vợ. Các ông bố ở đây trong những bộ quần áo, dáng vẻ như lôi thôi, nhếch nhác nhưng họ lại cực đẹp. Họ đã rất yêu con và tình yêu này được thể hiện qua những hành động như cho con đi vệ sinh, buộc tóc, tắm rửa, cho ăn. Sau này có con, em cũng thích làm như họ".
Loạt ảnh được trưng bày bên ngoài khuôn viên Đại sứ quán Thụy Điển để phục vụ công chúng đến hết tháng 4/2016.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm