pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gỡ khó cho phụ nữ dân tộc trong việc duy trì, phát triển sản phẩm truyền thống
Phụ nữ dân tộc thiểu số được tập huấn và hỗ trợ làm hàng thủ công truyền thống
Gần 30 năm từ khi thành lập, luôn hướng tới nhiệm vụ xuyên suốt là hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số duy trì nền văn hóa truyền thống và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng, thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển hàng thủ công, Craft Link đã giúp cho sản phẩm của các nhóm dân tộc thiểu số vươn ra toàn cầu.
Bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã hội Craft Link chia sẻ về các hoạt động giúp bảo tồn, phát triển các kỹ năng và nền văn hóa truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số.
- Thưa bà Trần Tuyết Lan, xin bà cho biết, động lực để Craft Link đưa ra định hướng khai thác các giá trị văn hóa dân tộc trong các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số?
Trong những năm qua, Craft Link đã tiến hành rất nhiều dự án ở khắp mọi miền của đất nước với rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Chúng tôi tập huấn và hỗ trợ cho họ tăng thêm nội lực, để họ sử dụng chính những kỹ năng làm hàng thủ công truyền thống và những đặc trưng văn hóa truyền thống đưa vào các sản phẩm mới, có thể giới thiệu, quảng bá ra thị trường. Từ đó tăng thêm thu nhập.
Khi thu nhập tăng cao thì đồng bào sẽ vui, sẽ quay lại làm nhiều hơn nữa các sản phẩm thủ công truyền thống, nhờ vậy nền văn hoá và bản sắc văn hoá được gìn giữ, phục hồi và phát huy, lưu giữ cho thế hệ mai sau.
- Bà có thể chia sẻ những điểm nổi bật và kết quả của quá trình "đưa những giá trị văn hóa vào sản phẩm của đồng bào vùng dân tộc" của Craft Link?
Trong số các dự án mà Craft Link tiến hành suốt những năm qua để hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, chúng tôi triển khai rất nhiều đợt tập huấn. Mỗi dự án kéo dài trong 2 năm. Trong 2 năm đó, chúng tôi tổ chức tập huấn cho các nhóm dân tộc thiểu số về các kỹ năng cơ bản mà họ cần phải biết.
Thứ nhất là kỹ năng quản lý nhóm, cái đó rất quan trọng, bởi sau này khi dự án kết thúc thì họ cần phải tự quản lý nhóm họ, phát triển một cách bền vững về sau chứ chúng tôi sẽ không ở đó mãi để giúp đỡ họ được.
Thứ hai là kỹ năng thiết kế, phát triển sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có kỹ năng truyền thống, như thêu dệt, mây tre đan... nhưng để đưa các kỹ năng đó vào các sản phẩm như thế nào sao cho nhuần nhuyễn, làm thế nào để hỗ trợ họ khai thác được các giá trị văn hóa truyền thống, đưa chính những giá trị văn hóa truyền thống đó vào sản phẩm thì họ cần phải có sự hỗ trợ của những tổ chức giống như Craft Link.
Thông qua quá trình làm việc trong vòng 2 năm, các nhóm cũng lĩnh hội được nhiều kiến thức mới. Đồng thời củng cố lại được tất cả các kỹ năng nghề truyền thống của họ, qua đó gìn giữ được nền văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa ẩn chứa trong các sản phẩm.
Qua các chương trình tập huấn, chị em có thể gìn giữ được nền văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa ẩn chứa trong các sản phẩm. Ảnh: Craft Link
- Bà có kỷ niệm nào đặc biệt ấn tượng với sự thay đổi của phụ nữ dân tộc thiểu số sau khi tham gia dự án?
Sau hai năm, dự án kết thúc, chúng tôi có tiến hành một khảo sát về tác động của dự án đến người dân như thế nào, người dân cảm thấy ra sao và có đánh giá như thế nào về hiệu quả dự án mang lại.
Hầu hết các chị em tham gia trong dự án đều trả lời rằng chúng tôi rất vui bởi vì thứ nhất là chúng tôi tự kiếm được thêm thu nhập. Phụ nữ Mông trước kia hầu như không tự kiếm được thu nhập bằng tiền, nhưng giờ đã có thể bán sản phẩm, có tiền thì họ rất vui. Thứ hai là những người phụ nữ Mông thấy rằng kỹ năng truyền thống của họ được phục hồi và hàng ngày họ vừa có thể làm vừa có thể chăm sóc được con cái.
Nhưng riêng có một chị khi được phỏng vấn, chị trả lời rằng sau khi tham gia dự án tôi có thể cười thoải mái. Ban đầu chúng tôi cũng nghĩ rất đơn giản là chị cười bởi vì chị vui, vì hiệu quả mà dự án mang lại và thu nhập của chị tăng lên, chị thấy rằng kỹ năng của chị được gìn giữ. Thế nhưng khi hỏi kỹ hơn thì câu chuyện khác hẳn.
Chị trả lời là trước kia ở Kỳ Sơn, Nghệ An, các phụ nữ Mông có cuộc sống rất vất vả, thường ăn không đủ dinh dưỡng, phụ nữ ngoài 20 tuổi hầu hết bị rụng răng do thiếu chất. Vậy nên mỗi khi các chị em cười thì sẽ xấu hổ và cảm thấy hàm răng của mình không đủ đẹp để có thể cười thoải mái, các chị em thường che miệng khi cười.
Sau khi dự án kết thúc, thì việc đầu tiên chị ấy làm là dùng thu nhập có được từ hoạt động phát triển sản phẩm thủ công, đến bác sĩ nha khoa và trồng lại những chiếc răng trước kia đã bị rụng đi. Từ đó hàm răng của các chị rất đẹp và các chị có thể cười thoải mái.
Thực sự khi nghe câu chuyện đó chúng tôi cực kì cảm động. Chúng tôi đã không nghĩ đến được kết quả sâu xa tới vậy từ sự hỗ trợ của Craft Link và các tổ chức. Nhưng đấy chính là động lực lớn nhất để chúng tôi tiếp tục con đường của mình mặc dù nó khó khăn.
- Từ thực tế triển khai, theo bà, đâu là điểm khó vượt qua nhất trong hành trình khai thác giá trị văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
Khi tiến hành các dự án hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, tùy vào mỗi nhóm dân tộc thiểu số, chúng tôi sẽ có kế hoạch để hỗ trợ khác nhau, để phù hợp với nhóm đó và làm thế nào để hiệu quả nhất, theo cách mà chúng tôi nghĩ là hiệu quả nhất chứ chưa phải là toàn diện để có thể áp dụng.
Cái mà chúng tôi khó nhất là khi khai thác khía cạnh văn hóa của truyền thống, của các nhóm dân tộc thiểu số và đưa vào sản phẩm là làm thế nào để có sự nhuần nhuyễn giữa giá trị văn hóa truyền thống và các sản phẩm mới. Để có sự nhuần nhuyễn đấy là một cả một quá trình học hỏi của các bạn thiết kế, các bạn cán bộ dự án, đội ngũ thực hiện dự án đó và chính cả nhóm sản xuất nữa.
Trước khi tiến hành bất kỳ một dự án nào, chúng tôi thường mời cán bộ dân tộc học đi cùng đến các vùng mà chúng tôi định tiến hành các dự án để điều tra, để học hỏi. Tại sao chúng tôi mời cán bộ dân tộc học đi cùng với chúng tôi? Bởi vì chúng tôi muốn phải phân biệt rõ ràng sự khác biệt là ở đâu. Khi tiến hành hỗ trợ họ thiết kế và phát triển sản phẩm mới thể hiện rõ truyền thống văn hóa của chính nhóm đấy.
Ví dụ như với nhóm Mông cũng có rất nhiều nhóm Mông khác nhau: nhóm Mông đen, nhóm Mông trắng, nhóm Mông hoa, nhóm Mông xanh. Mỗi nhóm có đặc trưng truyền thống, văn hóa giống và khác biệt. Hay ngay như nhóm Mông hoa sẽ khác biệt với nhóm Mông Trắng hay nhóm Mông đen như thế nào…
Nhiệm vụ của những tổ chức như chúng tôi là làm thế nào để lan tỏa các giá trị văn hóa, để tất cả mọi người đều được biết. Thông qua đó sẽ quay lại hỗ trợ được nhiều hơn cho nhóm dân tộc thiểu số đó và lưu giữ được giá trị văn hóa đấy lâu hơn cho các thế hệ mai sau.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!