Hà Nội 'khát' thực phẩm sạch

10/05/2016 - 21:28
Thực phẩm sạch là cụm từ được người tiêu dùng nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Gần chục triệu con người đang sống và làm việc ở đất Thủ đô Hà Nội cũng đang sôi sục lo làm sao kiếm được cái ăn cho an toàn.
Dân văn phòng ở Hà Nội gặp nhau giờ đây là nói chuyện, chia sẻ với nhau địa chỉ mua rau an toàn. Trước rừng thông tin cảnh báo về thực phẩm bẩn khiến các mẹ, các chị lo lắng là phải. Từ thịt, trứng, rau, cá... đều trở thành vấn đề "nóng" trong bữa ăn của mỗi gia đình. Ai cũng lo cho gia đình mình, làm sao mua được thực phẩm an toàn nhất. Nhiều gia đình còn kì công xây dựng vườn rau trên tầng thượng hoặc bên mái hiên của căn nhà. Họ làm mọi việc để có thể kiếm được thực phẩm sạch cho gia đình. 

Nối lo đó cũng là việc bình thường của mỗi gia đình vì cái ăn liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi thành viên. Nắm được nhu cầu này, các nhà doanh nghiệp, công ty, tập đoàn lớn, rồi cả giới văn phòng cũng đổ xô nhau đi bán hàng sạch. Từ siêu thị, chợ, chuỗi cửa hàng rồi trên facebook cũng tràn ngập thông tin quảng cáo. Trước rừng thông tin, người tiêu dùng cũng chưa biết tin ai, chọn ai.

Chị Phương Anh - một người mới tham gia cung ứng rau hữu cơ cho những người bạn của mình chia sẻ, em tham gia buôn bán, lãi lờ em chưa tính, nhưng mọi người được ăn thực phẩm sạch là em vui rồi. Cái quan trọng nhất đối với người tiêu dùng bây giờ là phải tạo niềm tin cho họ. 
Thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng luôn được người tiêu dùng quan tâm. 
Ăn sạch, uống sạch là nhu cầu tất yếu của mỗi người. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc cung cấp thực phẩm sạch cho gần 10 triệu người sống và làm việc tại TP. Hà Nội vẫn còn là một bài toán nan giải. Nhìn vào con số thống kê của Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội mà giật mình, Hà Nội hiện nay có số dân 7,2 triệu người cộng với khoảng 2,5 triệu lao động, học sinh sinh viên ngoại tỉnh cư trú và làm việc thường xuyên. Để đáp ứng cho gần 10 triệu người, thị trường Hà Nội tiêu thụ một ngày khoảng 1000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2500 tấn rau củ các lọai…

Từ đó cho thấy nhu cầu thực phẩm của Hà Nội rất lớn, trong khi đó sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc gia cầm, 32% cá, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại... còn lại là từ các tỉnh khác cung cấp cho thành phố và nhập khẩu, cho nên nguy cơ cao về an toàn thực phẩm đối với Hà Nội là rất lớn.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, hiện nay diện tích sản xuất rau đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Thủ đô là 184 cơ sở. Số cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 125 cơ sở. Với số lượng trên thành phố mới đáp ứng 60% nhu cầu về rau các loại.

Lãnh đạo của Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng thừa nhận, do ý thức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…dẫn tới người tiêu dùng thiếu lòng tin về thực phẩm an toàn. Để giúp người dân Thủ đô được ăn thực phẩm sạch, đến nay Sở NN &PTNT thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả đã cấp 05 giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 05 cơ sở kinh doanh với 8 điểm bày bán thuộc 03 chuỗi rau và 03 chuỗi thịt lợn.

So với nhu cầu của người dân, số cơ sở này còn quá ít. Rõ ràng, nhu cầu được ăn thực phẩm sạch của các cư dân Thủ đô vẫn còn là một bài toán nan giải. Trong suốt chục năm trở lại đây, ngay bản thân các cơ quan chức năng cũng còn lúng túng trong quản lý chất lượng thực phẩm. Một lãnh đạo Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho rằng, đến nay cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, trình tự triển khai xác nhận sản phẩm an toàn được xác nhận tới các địa phương. Do đây là nội dung mới, thí điểm triển khai nên thời gian thẩm định, xem xét hồ sơ, thẩm tra các công đoạn tham gia chuỗi ngắn do vậy việc cấp giấy xác nhận còn chậm so với kế hoạch. Việc triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn còn ít về số lượng so với tiểm năng của địa phương do việc phối hợp của các cơ quan quản lý và ý thức trách nhiệm của người kinh doanh.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao, gần 10 triệu con người của Thủ đô vẫn còn "khát" thực phẩm sạch dài dài. 



 





Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm