Hạn chế bệnh khiến phụ nữ có thể tự sát và hại con

07/08/2018 - 21:13
Theo các chuyên gia tâm thần, trầm cảm ở nước ta đang có xu hướng gia tăng, phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần nam giới. Người mắc trầm cảm, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì có thể tự sát, thậm chí giết con hoặc những người thân yêu của mình.
Mới đây, ngày 22/7, Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra tiếp tục củng cố lời khai của Hoàng Thị Sen (33 tuổi, quê Hưng Yên) để làm rõ nghi án giết người, xảy ra tại tòa nhà ở khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Trước đó 2 ngày, sau khi phát hiện 2 cháu bé tử vong, lực lượng chức năng đưa người phụ nữ 33 tuổi này về trụ sở.
 
Sen khai đã sát hại 2 cháu bé. Trong đó, bé trai 8 tuổi là con ruột Sen, còn bé 7 tuổi là cháu ruột. Sau khi gây án, cô ta định nhảy lầu nhưng bị bảo vệ tòa nhà ngăn cản. Cảnh sát xác định nghi phạm có triệu chứng trầm cảm, nghi do hoảng loạn nên đã dùng dây thắt lưng bằng vải siết cổ các nạn nhân.
 
Trước đó năm 2017, tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, cũng xảy ra vụ án mẹ giết con ruột 35 ngày tuổi do trầm cảm sau sinh. Cụ thể, chị Phan Thị Tr., sinh năm 1998, mẹ của nạn nhân, bị mắc chứng trầm cảm nặng sau khi sinh con nên đã thực hiện hành vi giết hại con ruột của mình trong cơn hoang tưởng vô thức.
 
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ việc đau lòng mẹ đẻ giết con ruột nghi và bị trầm cảm. Ngoài ra, còn nhiều vụ tự tử do bị trầm cảm khác, đa phần là phụ nữ. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, mỗi năm, số người Việt tự sát do trầm cảm từ 36.000 đến 40.000 người.
 
Sở dĩ phụ nữ dễ bị trầm cảm hơn nam giới do phụ nữ thường dễ bị stress, áp lực, căng thẳng hơn. Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai), bệnh trầm cảm đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là do xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống tăng.
 
Tại Việt Nam, có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Cách đây 15 năm, mỗi ngày cả Viện sức khỏe Tâm thần chỉ có 1-2 bệnh nhân đến khám. Hiện con số này lên tới 200, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân đến khám và điều trị trầm cảm.
 
“Né” bệnh thế nào?
Cũng theo TS Nguyễn Doãn Phương, người bị bệnh trầm cảm thường có những dấu hiệu như: Buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, luôn cảm giác mệt mỏi, hay quên, không muốn làm việc, cảm giác có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Người bệnh hay cáu gắt, giận dữ, giảm thích thú trong các hoạt động hằng ngày, không ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều. Những trường hợp nặng thường nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
 
Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có những biểu hiện như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa... Bệnh nhân bị trầm cảm còn do các nguyên nhân như li dị, sống độc thân, người bệnh thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ cộng đồng; tiền sử gia đình có người bị trầm cảm; lạm dụng rượu và các chất ma túy; thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc... Ở người phụ nữ, sự thay đổi hormone khi vào lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, hay giai đoạn mang thai, bị sảy thai hoặc giai đoạn mãn kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
 
TS Nguyễn Doãn Phương cho biết, bệnh nhân rối loạn trầm cảm có thể chữa được, tái hòa nhập xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với sự hợp tác tốt của người bệnh, gia đình và cộng đồng. Hiện nay các phương pháp điều trị chính là dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, shock điện, kích thích từ xuyên sọ. Vì thế, khi thấy có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm như trên, người bệnh cần đi khám và chủ động trò chuyện với những người thân để được chia sẻ, hỗ trợ.
 
Điều trị trầm cảm cần kéo dài. Hơn 50% bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái diễn sau lần 1, tỉ lệ này tăng lên 70% sau lần tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn lên tới 90%. Do đó người mắc trầm cảm cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và cộng đồng với các biện pháp trị liệu tâm lý tích cực.
 
Để hạn chế trầm cảm, theo các chuyên gia y tế, mọi người cần thường xuyên vận động. Điều này có tác dụng sản sinh nhiều serotonin và dopamine giúp bạn luôn năng động, tinh thần phấn chấn hơn.
tramcam_kdpt.jpg
Phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn nam giới

 

Mọi người cũng có thể tự giúp mình thoát khỏi tình trạng chán nản, buồn bã, trầm cảm bằng việc tham gia các hoạt động xã hội, chia sẻ với những người thân yêu.
 
Ngoài ra, mọi người cũng không nên làm việc quá sức, thay vào đó cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn để tránh căng thẳng, stress... Bên cạnh đó, cần ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya. Việc thiếu ngủ, thức khuya, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo cũng làm gia tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh trầm cảm.
 
Những thời điểm rất dễ rơi vào trầm cảm
- Tuổi dậy thì: Ở giai đoạn này, tâm sinh lý đang ở giai đoạn phát triển, thay đổi thất thường, nếu không được quan tâm, sẻ chia có thể rơi vào buồn chán, thất vọng...
- Sau khi sinh: Phụ nữ sau sinh thường có tâm sinh lý bất ổn, lại gặp phải nhiều thay đổi trong cuộc sống khiến tâm lý dễ hoang mang, chán chường, buồn bã... dễ dẫn tới trầm cảm.
- Giai đoạn tiền mãn kinh: Thời kỳ này, phụ nữ hay suy nghĩ, dễ mặc cảm nhiều vấn đề trong cuộc sống, chuyện ngoại hình... nên cũng dễ mắc bệnh về tâm lý hơn.
- Các thời điểm trong cuộc sống gặp phải các cú sốc, những thay đổi bất ngờ, phải chịu nhiều áp lực... gây tác động nghiêm trọng tới tâm lý và dễ bị trầm cảm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm