"Việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu chưa tốt, đặc biệt là giá thịt lợn"

H.H
15/06/2020 - 15:35
"Việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu chưa tốt, đặc biệt là giá thịt lợn"

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Trong buổi thảo luận tại nghị trường hôm nay (15/6), các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân chưa tốt, đặc biệt là giá thịt lợn. Cử tri rất cần thấy vai trò chi phối, điều tiết thị trường và xử lý nghiêm các hành vi gom hàng, thao túng giá…

Phát biểu thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, nêu một thực tế diễn ra nhiều năm qua, cử tri và nhân dân bức xúc việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân chưa tốt.

Theo đại biểu Thủy, "giá thịt lợn nhảy múa" bất thường theo nhịp tăng liên tục trong thời gian qua. Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng khác cũng chưa kiểm soát được giá, chưa có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi gom hàng, thao túng giá, trốn thuế…

Mặc dù hàng hóa tuân theo quy luật cung cầu của thị trường, nhưng theo đại biểu Thủy, cử tri rất cần thấy vai trò chi phối, điều tiết, quản lý kịp thời, thông suốt và hiệu quả hơn nữa của Chính phủ và chính quyền các cấp, các ngành.

Đại biểu Thủy cho rằng, có những vấn đề được đặt ra nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải đáp, như: Vì sao khâu lưu thông hàng hóa, nhất là khâu tổ chức đầu mối thu mua, bảo quản, trung chuyển và hệ thống bán lẻ vẫn ì ạch và bị tư thương thao túng, ép giá làm khổ bao người dân sản xuất nông nghiệp? Vì sao miếng thịt đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên nhiều lần? Vì sao người tiêu dùng luôn hoài nghi, bất an vì sợ mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng?...

Đại biểu Thanh Thủy cho biết: Cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế trên hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cũng liên quan tới nội dung này, đại biểu Lưu Thành Công, đoàn ĐBQH Vĩnh Long, cho biết: cử tri hết sức quan tâm đến vấn đề hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thời gian qua đã hết sức tích cực trong việc giải quyết mối quan hệ này, nhưng đến nay, mối quan hệ này vẫn chưa giải quyết tốt.

Đại biểu Công khẳng định: Người sản xuất, lao động rất cực nhọc nhưng giá cả đầu ra của sản phẩm rất bấp bênh. Người kinh doanh chi phí khâu trung gian quá lớn, lợi nhuận rất cao. Nhưng người tiêu dùng phải mua với giá đắt đỏ.

Nghịch lý này càng rõ hơn trong câu chuyện giá gạo thời gian qua. Theo đại biểu Công, hiện nay giá xuất khẩu gạo của ta đang cao nhất trong vòng 10 năm qua. Mặc dù vậy, "lúa của người nông dân thì vẫn không lên giá".

Hạn chế trong điều tiết thị trường, giá hàng hóa thiết yếu "nhảy múa" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình một số nội dung tại nghị trường ngày 15/6

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Thời gian vừa qua, chúng ta đã đối mặt với dịch bệnh có thể nói là rất phức tạp ở cả trong nước cũng như khu vực và quốc tế.

Doanh nghiệp vừa qua gặp những khó khăn rất lớn trong ba vấn đề. Một là về cung ứng nguồn lao động. Hai là cung ứng đầu vào. Ba là vấn đề về thị trường.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, từ đầu trong đợt dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt để thực hiện mục tiêu kép tháo gỡ khó khăn trong phòng chống dịch bệnh một cách an toàn, hiệu quả, đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn hỗ trợ và thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.

 Bước vào giai đoạn hiện nay, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, ông Trần Tuấn Anh cho biết: Bộ đã ban hành kế hoạch hành động, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn. Một là phải củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số thị trường và điều này cơ bản rất quan trọng. Thứ hai, phải tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu và tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như khai thác các thị trường thuận lợi và tiềm năng. Thứ ba, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử. 

Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất nhằm kích cầu trong nước giai đoạn mới, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử và thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất, các nhà phân phối để kết nối với thị trường cũng là trọng tâm của năm 2020.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm