Hàng hóa Việt Nam có nhất thiết phải nội địa hóa 100% bằng mọi giá?

02/08/2019 - 16:14
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường; đồng thời cũng nêu vấn đề: Có nhất thiết phải nội địa hóa 100% bằng mọi giá?

Sáng nay 2/8, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: Cuộc vận động đã tạo được niềm tin, thu hút sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng hàng hoá Việt Nam của người Việt, người nước ngoài; đồng thời đề cao quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng trong giám sát, chống hàng giả hàng nhái, giúp cơ quan chức năng xử lý.

Bên cạnh đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng sống còn về nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và cách tiếp cận thị trường bài bản hơn. Đồng thời, qua cuộc vận động khơi dậy được tiềm năng lớn về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.

Cũng theo Phó Thủ tướng, điều quyết định thành công của cuộc vận động đòi hỏi trách nhiệm từ cả 3 phía. Nhà nước tạo môi trường pháp lý, hạ tầng, nhân lực để đảm bảo doanh nghiệp, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có hệ thống phân phối phù hợp với nền kinh tế, thuận lợi cho người tiêu dùng. Thứ ba, trách nhiệm của người tiêu dùng là tham gia sản xuất, đồng thời cũng như tiêu dùng chính những sản phẩm trong nước sản xuất.

hang-viet-nam.jpg
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

 

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát huy được tiềm lực, nội lực.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên cho quỹ hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả "Chiến lược phát triển thị trường trong nước" gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong đó tập trung vào các giải pháp: Xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường.

Các bộ, ngành cũng cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ hàng hoá; đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép, gian lận về xuất xứ hàng hóa...

Trong quá trình hội nhập và phát triển, mục tiêu của chúng ta là ngày càng tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu vấn đề: Có nhất thiết phải nội địa hóa 100% bằng mọi giá?

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, và chỉ nên nỗ lực làm thật tốt những công đoạn mà mình có đủ năng lực, có lợi thế. "Việc nội địa hóa ô tô, do đó phải thực hiện từng bước một, tăng dần", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. 

nguoi-viet-nam-dung-hang-viet-nam.JPG
Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Ảnh H. Hòa

 

Qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động (2009-2019), với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7% - 10,9% và 10,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.

Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm