Hành trình thay đổi từ người nông dân thành giám đốc Hợp tác xã mây tre đan

HÀNH TRÌNH THAY ĐỔI TỪ NGƯỜI NÔNG DÂN THÀNH GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ

Chị Quách Thị Dung (SN 1963), người dân tộc Mường, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan truyền thống xóm Bui, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã quyết tâm khôi phục nghề truyền thống của địa phương và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 200 chị em phụ nữ.

Lạc Sơn xưa kia là đất Mường Vang (Mường lớn thứ hai trong 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động). Nơi đây có bề dày trầm tích văn hóa. Từ trang phục đến đồ dùng thường ngày của bà con người Mường luôn mang đậm bản săc văn hóa. Người Mường lại khéo tay trong may vá và đan lát. Ở xóm Bui, xã Nhân Nghĩa có một người con gái người dân tộc Mường luôn trăn trở làm sao "biến" cái nghề truyền thống của cha ông mình thành xưởng sản xuất có thể mang lại thu nhập, việc làm cho người dân. Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, suốt những năm qua, chị Dung đi khắp nơi tìm kiếm mối hàng rồi dày công gây dựng Hợp tác xã (HTX). Người con gái đất Mường đã dành cả tuổi thanh xuân để phát triển làng nghề truyền thống.

Hành trình thay đổi từ người nông dân thành giám đốc Hợp tác xã mây tre đan - Ảnh 1.

Chị Quách Thị Dung

Tạo công văn việc làm cho hàng trăm chị em

Chị Dung luôn mang đến cảm giác gần gũi và thân thương. Chị thường mặc bộ quần áo truyền thống của người Mường. Gương mặt phúc hậu, đôi mắt sáng và tác phong nhanh nhẹn là cảm nhận đầu tiên của tôi về người Giám đốc HTX Mây tre đan truyền thống xóm Bui.

Trong bộ sưu tầm của của chị Dung có đến cả trăm sản phẩm khác nhau. Mỗi sản phẩm đều có ý nghĩa và giá trị khác nhau. Nói về nghề truyền thống của dân tộc mình, chị Dung như được tiếp thêm động lực. Chị giới thiệu về từng mặt hàng và công dụng một cách say mê. Chị Dung kể, nghề đan lát của người Mường có từ thủa xa xưa nhưng để chị em nơi đây làm thành hàng hóa mới được hơn 20 năm. "Tôi từng đi khắp nơi để tìm mối hàng và đàm phán, thuyết phục họ đưa đơn hàng về với chị em xóm Bui. Mỗi mẫu hàng mới về, tôi lại kỳ công truyền đạt dạy lại cho chị em làm", chị Dung chia sẻ.

Hành trình thay đổi từ người nông dân thành giám đốc Hợp tác xã mây tre đan - Ảnh 2.

Nghề đan lát của người Mường có từ thủa xa xưa nhưng để chị em nơi đây làm thành hàng hóa mới được hơn 20 năm

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi nhiều chị em trong xóm mang hàng đến nhà chị để trả. Từng sản phẩm tinh xảo, không thấy một vết lỗi nào được chị Dung kiểm tra cẩn thận. Các chị em phụ nữ trong xóm cười nói rôm rả. Họ vui vì được làm nghề của cha ông và có thêm một khoản thu nhập không nhỏ để lo cho gia đình.

Công việc xuất hàng và nhập hàng cứ cuốn lấy chị Dung từ sáng đến tối. Từ ngày nhận hàng về cho chị em làm, chị Dung bỗng phải thay đổi cả nếp nghĩ và cách làm. Chị phải học cách sử dụng máy tính, cách tiếp thị, bán hàng và giờ là quản lý doanh nghiệp.

Các sản phẩm mây tre đan của Hợp tác xã

"Thay đổi tư duy từ người nông dân lên giám đốc HTX không dễ dàng gì. Cái thói quen làm qua loa và giải quyết mọi việc bằng tình cảm, nay phải chuyển sang phân định bằng sổ sách và con số. Nó khiến tôi mệt bở hơi tai. Nhiều lúc tôi muốn bỏ hết đi để sống. Tuy nhiên, cứ nhìn thấy chị em có công việc làm, có thu nhập, tôi lại động viên mình cố lên", chị Dung cho biết.

Suốt những năm qua, chị Dung cũng dày công đi khắp nơi kiếm mối hàng. Giờ lại phải tập trung lo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy mà mấy trăm hộ gia đình người Mường nơi đây có việc làm đều đặn. Họ vừa duy trì được cuộc sống, vừa phát triển được nghề truyền thống của cha ông. Ngày nào từ sáng đến tối mịt, chị Dung cũng đến từng nhà kiểm tra tiến độ làm việc và động viên chị em. Đó là niềm vui và cũng là động lực giúp chị vượt qua bao gian khó.

Hành trình thay đổi từ người nông dân thành giám đốc Hợp tác xã mây tre đan - Ảnh 4.

Viết tiếp nghề truyền thống của cha ông  

Chị Dung sinh ra và lớn lên tại xóm Bui, xã Nhân Nghĩa. Sống ở vùng non xanh, nước biếc, con người lại chịu thương, chịu khó nên chị đã thừa hưởng được cái nết tốt đẹp đó của người Mường. Trước đây, mọi đồ đạc trong nhà từ cái chạn, cái mâm, tủ quần áo, gùi đến quần áo mặc... bà con người Mường đều tự làm. Đời nọ truyền cho đời kia cái nghề truyền thống đó. Mẹ dạy con, chị dạy em nhờ vậy mà nên nghề. Bản thân chị Dung từ nhỏ đã gắn bó với đất Mường và cái nghề mây tre đan như là mối duyên phận.

Xóm Bui đã trở thành công xưởng sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ mây tre đan

Ở đất Mường còn có cây khọ - một loại dây leo giống như cây mây ở dưới xuôi được bà con sử dụng để đan lát mọi đồ dùng trong nhà. Những ngày nhàn rỗi, gia đình nào cũng vào rừng chặt khọ mang về đan. Được tiếp xúc với các mế Mường làm nghề đan, chị Dung mê các sản phẩm xinh xắn do các mế Mường làm ra. "Từ cái mâm ăn cơm đến hòm quần áo hay cái gùi lên nương do các mế làm ra đều rất đẹp. Nó thể hiện sự kiên trì, nhẫn nại và đầy thẩm mỹ của các mế Mường. Tôi có để ý, mỗi khi có đoàn khách Tây nào đến bản chơi, họ đều rất thích những sản phẩm mang đậm chất thuần Mường này", chị Dung chia sẻ.

Ngày đó, bà con người Mường đan lát là để phục vụ cuộc sống của gia đình, chứ nó chưa trở thành nơi sản xuất hàng hóa. Chị Dung vốn là người hay để ý và có mong muốn một ngày nào đó sẽ mang sản phẩm của dân tộc mình đi khắp các miền của Tổ quốc. Trong những lần về Hà Nội, chị thăm quan nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Tại đây, chị nhìn thấy nhiều sản phẩm thủ công giống như ở xứ Mường. Khách nước ngoài mê mẩn và ngắm nhìn từng sản phẩm. Chị Dung đã mạnh dạn liên hệ với các chủ cửa hàng với hy vọng nhận được đơn hàng của họ. Từ một vài khách ban đầu, đến giờ, xóm Bui đã trở thành công xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan.

Hành trình thay đổi từ người nông dân thành giám đốc Hợp tác xã mây tre đan - Ảnh 6.

Làng nghề có lúc mai một vì thiếu việc nhưng chưa bao giờ chị Dung muốn dừng lại

Hành trình đó kéo dài suốt 20 năm liền. Làng nghề có lúc mai một vì thiếu việc nhưng chưa bao giờ chị Dung muốn dừng lại. Chị cũng đi khắp nơi tìm kiếm đối tác. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, bà con xóm Bui đã liên kết cùng nhau tham gia HTX Mây tre đan truyền thống xóm Bui. Mỗi năm HTX mang lại doanh thu từ 3 đến 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 lao động. "Nghề truyền thống được giữ vững, nay thành lập HTX là nơi để liên kết chị em thành một khối thống nhất. Từ đây, việc ký kết mở rộng hợp tác với khách hàng sẽ ngày một nhiều hơn", chị Dung cho biết.

Cuộc sống của bà con người Mường ở xóm Bui đang dần thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn khi nhà nhà có nghề, có thu nhập ổn định

Cuộc sống của bà con người Mường ở xóm Bui đang dần thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Nhà nhà có nghề, có thu nhập ổn định. Chị Dung cũng theo đó mà cố gắng nhiều hơn trên con đường gây dựng HTX. "Doanh thu từ nghề mây tre đan không cao nhưng chị em phụ nữ có việc làm đều đặn, đặc biệt là những phụ nữ trung niên. Vui hơn cả là cái nghề truyền thống của người Mường được giữ gìn và kế thừa phát huy", chị Dung cho biết.

Thanh Vân
21/12/2022 20:00