Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang

Cách đây 3 năm, tôi từng viết bài về Hoàng Thị Linh (30 tuổi, quê huyện Kim Thành, Hải Dương) sau khi Linh gặp tai nạn trong lần tình nguyện từ Hà Nội mang áo ấm cho trẻ em vùng cao ở Điện Biên. Trong bài viết này - "'Gã trai' say tình nguyện", tôi đã dùng đại từ nhân xưng "cô" khi viết về Linh. Tuy nhiên sau nhiều năm âm thầm theo dõi hành trình của Linh trên con đường trở về bản dạng giới (nhận thức giới tính không giống với xu hướng tình dục) của mình, tôi dần thay đổi cách gọi và trân trọng con người Linh hơn.

Bởi vậy, sau 2 năm gặp lại – kể từ ngày tốt nghiệp đại học, tôi có hỏi Linh, "Cậu có thể dùng cụm từ hoặc câu nào để nói về con đường mình đã trải qua để đến được chặng dừng của ngày hôm nay?". Đôi mắt trầm tư, lặng một lúc Linh nói với tôi, "Hành trình trở về của gã lang thang", "trở về" là trở về con người thật của mình (nam) và "lang thang" để tìm câu trả lời "tôi là ai?".

Kẻ đi lạc trên hành trình mang tên Số Phận

Tuổi thơ của Linh khác nhiều so với các bạn cùng trang lứa, bởi từ khi cai sữa Linh đã sống cùng ông nội cho đến năm 8 tuổi, bố mẹ cậu thời điểm này bận công việc. Trong thời gian Linh sống cùng người ông nội đáng kính, ông là người đưa đi học, dạy Linh cách đọc con chữ và làm những phép tính, cũng vì vậy mà ngày đầu tiên đến trường mẫu giáo vì nhớ ông, Linh đã bỏ về nhà khi ông vừa chở cháu đến nhận lớp.

Những năm tháng đó, Linh kể, nhà vốn nghèo không có tiền mua quần áo mới nên cậu phải mặc lại quần áo của các anh lớn hơn trong họ hàng, còn quần áo mà các chị cho thì cậu không thích. Về sau, khi ông nội mất, Linh sang nhà cạnh bên ở hẳn với bố mẹ, trong một lần bố đi làm xa về có mua cho cậu một bộ váy công chúa và nghĩ rằng con sẽ rất vui khi nhận món quà này, nhưng ngược lại cậu nhất quyết không mặc mà đòi bố đèo đi mua quần áo con trai. Khi đó, bố Linh cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ đơn giản đây là sở thích của con. Và hơn hết bố mẹ muốn bù đắp tình cảm cho Linh vì những năm tháng vì bận bịu mưu sinh, không có thời chăm sóc con. Kể từ đó bố mẹ không mua váy cho cậu nữa.

Khi vào cấp một, rồi lên cấp hai, Linh chỉ thân với các bạn gái, vào những ngày 8/3, 20/10 cậu thường hái hoa xuyến chi tặng các bạn. Cũng có khi dành dụm được tiền thì Linh mua được hoa, sổ hoặc gấu bông để tặng bạn... thời điểm này, cậu chỉ hiểu đây là cảm giác của những người bạn thân.

Đến năm lên lớp 9, Linh có quen một người bạn cùng lớp, hai người vẫn thường đi học cùng nhau, cả học trên lớp lẫn đi học thêm, những hôm chủ nhật được nghỉ vì nhớ bạn nên Linh chỉ mong chóng đến thứ hai để gặp bạn. Nhưng lúc này, Linh vẫn không rõ định nghĩa về bản thân mình, cậu chỉ biết rằng kể từ khi dậy thì cậu có cảm giác với con gái nhiều hơn – nhất là đối với những bạn gái vừa xinh lại học giỏi.

Khi vào năm lớp 11, khi đang trò chuyện với các bạn trong giờ ra chơi, Linh bỗng nghe được những lời ca từ của bài hát "Con xin lỗi mẹ vì con là Les" từ điện thoại của một bạn gái ở dãy bàn kế bên:

"Xin lỗi mẹ, cả đời này con xin lỗi mẹ

Mẹ có biết trong trái tim con, con đang bị giằng xé

Kể từ khi không còn là một đứa bé

Trái tim con đã biết yêu

Nhưng một tình yêu rất khác

Mà mọi người cho đó là tình yêu cỏ rác

...

Mẹ ơi, con sợ lắm!

Con sợ hai chữ bệnh hoạn

Đời con như một bản nhạc bị ngắt đoạn

Những đêm con nằm mơ

Con thấy mình bơ vơ

Thế giới khinh con, mẹ coi con là của nợ"

Bài hát kể về một người con gái yêu một người con gái và bị gia đình phản đối, trước những bất lực về số phận của mình cô con gái khi ấy chỉ biết nói rằng: "Con xin lỗi mẹ vì con là Les". Kể từ giây phút này Linh dường như đã mường tượng ra mình là ai, mình thuộc về giới tính thứ ba và biết về những cảm giác của mình trước đó - không đơn thuần chỉ là tình bạn mà còn là tình yêu của tuổi học trò. 

Cũng kể từ đó, Linh không còn cười đùa vô tư với các bạn nữ nữa, thay vào đó là sự cô đơn, cảm giác tự ti vì mình không giống mọi người. "Mình yêu nhưng không dám nói, cũng chẳng dám trò chuyện với ai – kể cả cha mẹ về suy nghĩ giới tính của bản thân. Chỉ biết rằng, mình đã nghĩ, những điều đó mình sống để trong dạ, chết sẽ mang theo. Khoảng thời gian đó giống như mình đi lạc trên hành trình số phận của mình vậy", Linh chia sẻ.

Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang - Ảnh 1.

Những cảm giác đó dằn vặt cho tới những năm đầu Linh học đại học, ở môi trường mở ấy Linh có điều kiện tìm hiểu hơn về cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song giới và chuyển giới) thông qua mạng xã hội Facebook, internet...). Từ đây, dần dà Linh hiểu cảm giác về giới tính của mình trước đây là sai, Linh không phải là đồng tính nữ mà là người có xu hướng chuyển giới dị tính (người chuyển giới từ nữ sang nam và chỉ yêu nữ giới).

Cũng vào thời điểm này, hiện tượng ca sỹ Hương Giang (tên thật là Nguyễn Ngọc Hiếu) chuyển giới thành công và công khai bản dạng giới của mình. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Linh tìm hiểu rất nhiều về câu chuyện của chị và cảm phục vì chị là một người can đảm, dám sống đúng với ước mơ và con người thật của mình. Đặc biệt hơn, khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chiếu chương trình Điều ước thứ Bảy về nhân vật Trần Thị Ngọc Ánh chuyển giới thành trai với tên Trần Mạnh Cường vào tháng 7/2015, và để sống là mình – Cường đã rời nhà (Bắc Kạn) vào TPHCM lập nghiệp, làm biết bao nhiêu nghề từ phụ bàn cho đến thợ cắt tóc, để chờ đợi sự chấp nhận của gia đình.

Từng giây từng phút của đoạn phóng sự trôi qua khiến cho tâm trạng Linh từng lúc cuộn trào và vỡ nát, Linh khóc vì cảm thấy số phận của nhân vật cũng giống như số phận của mình. Cũng từ đây, Linh được truyền cảm hứng trên hành trình trở về con người thật của mình.

Thấy Linh luôn cắt tóc ngắn, mặc quần áo con trai và thường chụp ảnh cùng với các bạn nữ, lâu dần những người xung quanh Linh cũng hiểu được cậu là ai. Trong một tiết học ở trường, khi thầy giáo hỏi về sỹ số lớp có bao nhiêu người, lớp trưởng và nhiều bạn khác trong lớp đồng thanh trả lời, "Lớp em có 46 người, trong đó có 12,5 nam..." rồi cả lớp cùng cười oà. Nhưng đấy, chỉ là những suy nghĩ và nụ cười vô tư của các bạn học, mọi sự dần trở nên nặng nề hơn khi bố mẹ Linh biết chuyện này. Mỗi lần về nhà, mẹ cậu đều nói bóng gió rằng cậu cần phải thay đổi để lấy chồng. 

Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang - Ảnh 2.

Bố Linh ít nói hơn, ông chỉ nói rằng: "Con đã suy nghĩ chưa, như thế thì có hạnh phúc nhưng không có tương lai?". Linh hỏi lại bố, "Vậy theo bố, tương lai là gì ạ?". Bố giải thích, "Tương lai là những đứa con, là thế hệ nối dõi". Linh bày tỏ, "Tương lai không phải là những đứa con"... Đoạn đối thoại ngắn ngủi, rồi cả hai bố con cùng lặng im, Linh biết không dễ gì để bố chấp nhận con người thực sự của cậu.

Không chỉ vậy, trong môi trường làng quê, thấy Linh vốn khác người nên nhiều người xung quanh mỗi lần đi qua nhà thường đay nghiến nói vọng vào với với mẹ Linh như: "Không biết dạy con", "Không biết đẻ con"... Nghe những lời nói đó, không chỉ bố mẹ Linh mà cậu cũng cảm thấy nhói đau, cảm thấy mặc cảm vì mình là nguyên nhân của những lời nói "xỉa xói" này. Nhưng ai sinh ra trên đời này đều mong muốn trở thành người bình thường và sống đúng với giới tính thật của mình, Linh cũng vậy, và cậu luôn đau đáu với câu hỏi, "sống như vậy có làm hại ai đâu?".

Ông Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247: "Theo thống kê tại Trung tâm trong 5 năm qua (2015-2020), tiếp cận 350 trường hợp thuộc nhóm LGBT, thì có 315 trường hợp chịu áp lực lớn từ chính gia đình của mình."

Cũng vì không chịu nổi những định kiến, phán xét như vậy mà nhiều người trong giới LGBT mà Linh biết phải sống chui sống lủi, không dám công khai và sống đúng con người thật của mình, nhiều người vì chiều lòng bố mẹ nên đã lập gia đình nhưng sau cùng hôn nhân của họ lại không hạnh phúc. Thậm chí có những người mạnh dạn công khai giới tính nhưng khi đối diện với những bế tắc của cuộc đời, họ đã không vượt qua được và nhiều người trong số họ tìm đến cái chết như vụ 3 cô gái trẻ thuộc giới LGBT tự tử vào ngày 30/12/2019 tại phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), gần với nơi mà Linh đang sinh sống.

Về tình yêu, đối với những người như Linh để tìm kiếm một người bạn đời rất khó khăn. Hầu hết mọi người chỉ đến một thời gian ngắn rồi khi đối diện với những nút thắt như sự chấp nhận của gia đình, vấn đề con cái... thì mọi người lại rời bỏ đi, gượng ép sống trong vỏ bọc giới tính sinh học và thể hiện giới (ăn mặc quần áo... đúng giới tính sinh học) của mình.

Chỉ có qua mùi tanh của bùn đất, hoa sen mới trở nên đẹp đẽ

Có lẽ cuộc đời Linh sẽ chỉ sống với thế giới quan như vậy nếu không có những biến cố tiếp theo. Ngày 15/1/2017, trong một lần tham gia tình nguyện mang áo ấm từ Hà Nội cho trẻ em vùng cao ở Điện Biên, khi đi tới đèo Pha Đin (ranh giới giữa Điện Biên và Sơn La), xe ô tô tải mất phanh lao từ đỉnh đèo xuống vực. Chiếc xe biến dạng, cabin bẹp rúm ró, Linh và một tài xế bị thương rất nặng. Riêng Linh bị gãy 4 xương sườn, mẻ một xương chậu, tổn thương gan cấp độ 3, tràn dịch màng phổi và xẹp một bên.

Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang - Ảnh 4.

Linh và ca sỹ Thái Thùy Linh trước khi khởi hành chuyến thiện nguyện mang áo ấm cho trẻ em vùng cao vào đầu năm 2017

Với những vết thương như vậy, không ai nghĩ rằng Linh có thể sống sót, nhưng rồi bằng sự tha thiết với cuộc sống này, và sự níu kéo của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng đã đưa Linh trở lại từ lại từ cõi chết, để vượt qua những cơn đau dữ dội do bị xương sườn đâm vào phổi, do lưỡi dao phẫu thuật hay những lần máy hút máu đọng...

Cũng qua những ngày này đã giúp Linh hiểu sâu hơn về giá trị của gia đình, mẹ và cha là người sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình để Linh được sống. Sau hơn một tháng nằm tích cực điều trị, sức khỏe của Linh dần dần hồi phục. Cùng năm 2017, với nỗ lực của bản thân Linh đã tốt nghiệp đại học ngành Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cho nên để đánh dấu mốc này, vào tháng 6/2017, Linh thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt một mình từ Hà Nội vào TPHCM.

Trong một lần dừng chân trú mưa sau khi đã vãn cảnh ở chùa Linh Quy Pháp Ấn (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), cơn mưa vô tình ấy đã cho Linh cơ duyên được gặp và trò chuyện với đại đức Thích Thành Văn (tự Tăng Sơn, nghĩa là Lên núi). Biết Linh chưa ăn tối nên thầy mời Linh xuống nhà bếp của chùa, khi đó trong bếp chỉ có nải chuối nên thầy mời Linh ăn. Linh ăn xong thầy hỏi, "Chú ăn, thấy chuối có ngọt không", Linh đáp lại, "Dạ. Thưa thầy, chuối ngọt ạ", thầy cười mỉm, "Tâm người trồng chuối và người ăn ngọt nên quả chuối cũng ngọt chú à!".

Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang - Ảnh 5.

Thấy thầy chân thành và trong câu nói thì ngập tràn yêu thương, Linh mới đem câu chuyện về cuộc đời mình kể lại cho thầy. Thầy lắng nghe đầy trầm lặng, đôi mắt thầy nhìn sâu vào nỗi đau khổ của Linh. Nghe xong thầy trầm tĩnh nói với Linh, nhìn chú là tôi biết rồi nhưng chú ơi, "Khi mong muốn điều gì thì phải cố gắng thực hiện, không phải nghĩ xong rồi để đấy. Vì chỉ khi nào mình bước đi thì mới đến đích được. Giống như chú ở Hà Nội, chú muốn đến Quán Chiếu Đường ở Linh Quy, nghĩ đủ - chuẩn bị đủ hành trang – bước đi – và sẽ đến. Chú hiểu điều đó chứ?".

Xong, thầy kể tiếp cho Linh nghe về câu chuyện người mẹ có đứa con thơ sắp chết sau cơn bạo bệnh, người này vì biết chùa linh thiêng nên có mang con đến để nhờ sư thầy cứu sống. Trước khi đọc kinh cầu, sư thầy có nói với bà mẹ hãy xuống núi xin một nắm hạt cải từ một gia đình chưa có người chết. Tuy nhiên, người mẹ khi xuống núi thì gia đình nào cũng có hạt cải nhưng không gia đình nào là chưa có người chết cả, gia đình nào cũng nếm trải nỗi đau mất mát, tang thương. Lúc này, người mẹ bỗng hiểu thâm ý của thầy, liền quay lại chùa cảm ơn sư thầy và cõng đứa bé về nhà.

Cũng từ câu chuyện này, Linh hiểu ra, nỗi đau thì ai cũng có và thay vì cầu cứu người khác giải thoát nỗi đau cho ta, thì chính ta phải đối diện, chấp nhận, để rồi vượt qua nỗi đau ấy.

Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang - Ảnh 6.

Từ đó, lời nói của thầy như âm vang, như động viên mỗi khi Linh có ý định buông xuôi trên con đường trở lại con người thật của mình. Đến tháng 3/2018, sau khi ra trường được 1 năm, Linh được mời làm diễn giả về chủ đề "Giá trị sống" cho một trung tâm về kỹ năng sống mà cậu cộng tác. Sau 3 ngày liên tiếp đi giảng, Linh đánh đổi cho việc tự tin bằng cách khoác lên người chiếc áo sơ-mi, gò bó cơ thể mình trong chiếc áo nẹp ngực... để rồi khi buổi tối trở về nhà cậu ho ra máu và nỗi lo bị ung thư vú nếu vẫn còn tiếp tục như thế này.

Vào ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức loại "đồng tính luyến ái" ra khỏi danh sách các căn bệnh. Và nhân sự kiện này, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) đã chọn ngày 17/5 làm Ngày Quốc tế chống kì thị người đồng tính và chuyển giới - IDAHOT (International Day Against Homophobia & Transphobia).

Không thể chậm trễ hơn, Linh quyết định sẽ sang Thái Lan phẫu thuật cắt ngực để hoàn thiện giới tính của mình. Trước khi bắt đầu chuyến đi, Linh vào các fanpage của cộng đồng LGBT để hỏi địa chỉ uy tín, giá cả như thế nào, tỷ lệ thành công ra sao, những rủi ro khi phẫu thuật... Sau khi đã đủ chín chắn, cùng với khoản tiền dành dụm từ những năm tháng làm việc vất vả như làm kho sân bay, dẫn tour, buôn bán các mặt hàng vùng cao (mận, đào,...), cộng với tiền cha mẹ cho đi Phượng Hoàng Cổ Trấn khi cậu hồi phục sau tai nạn và tiền từ một số người bạn cho vay... Linh độc hành trên hành trình tìm lại chính mình.

Chuyến bay xuất phát từ Hà Nội đến Bangkok vào khoảng10h-13h, ngày 30/8/2018. "Chuyến bay 2 tiếng rưỡi ấy nhiều lần làm mình ngột thở. Và cả khi thay bộ đồ phẫu thuật nằm truyền nước chờ đến lượt, mình đã không ít lần ngồi dậy vì sợ sệt, vì cô đơn. Sự thèm thuồng có người ở bên đẩy lên cao trào khi mình thì thào với người bên cạnh về những thứ dở hơi. Nói với bạn ấy xong mình cũng biết bạn ấy đang sợ, thậm chí sợ hơn mình dù nhà bạn ấy có 3 người tháp tùng".

"23h30 phút, chị y tá tháo ống nước của con ra đẩy con vào 1 căn phòng rất nhiều bóng đèn nhỏ và có cả bình oxy nữa. Họ lột hết áo của con ra và gắn lên lưng con 4 tấm kích điện gì đó. Sau đó họ úp lên miệng mũi con phễu oxy. Cô bác sỹ phụ mổ vừa tiêm vào ống dịch của con vừa nói:

- Đẹp thế này, nhiều người thèm lắm đây. Có người yêu chưa?

- Dạ, nhưng cháu buồn ngủ quá, lát cháu dậy cháu trả lời cô nhé!

- Chúc bé ngủ ngon.

3 tiếng sau, con đang ngủ ngon lành có ai đó tát bôm bốp vào mặt con rồi gọi bằng giọng ngọng ngọng:

- Lin... Lin... Dậy đi Lin.

Mở mắt ra, con nhìn xung quanh như kiếm tìm một ai đó. Chị điều dưỡng nhìn con trìu mến:

- Dậy thôi.

- Em đau quá. Em đau thực sự ấy.

- Tiêm giảm đau nhé.

- Ôi, đau quá. Chị tiêm đi

Sau mũi tiêm ấy, cơn đau của con đã tan biến trong vòng 1 nốt nhạc nhưng sự trống vắng cứ văng vẳng như bản du dương. Cúi xuống nhìn cơ thể mình, con nhắm mắt và lại đọc câu thần chú "con xin lỗi bố mẹ" như năm xưa tai nạn từng đọc.

Đêm phẫu thuật là đêm mà con ngủ ngon nhất khoảng 2 tháng miên man do dự CÓ hay KHÔNG, CẮT hay ĐỂ... Đêm đó, con đã mơ về gia đình nhỏ của con, một ngôi nhà nhỏ, có 4 thành viên là con, vợ con và hai đứa nhỏ.

Những ngày con nằm viện, chắc bố mẹ có linh cảm nên ngày nào cũng có những cuộc gọi bất thường. Khi thì bắt con bật camera để xem đang ở đâu, lúc thì lại "sao gọi bằng số điện thoại không được, mẹ lo"... rất nhiều lần con xém buột miệng nói "con đi phẫu thuật"...

Số phận dường như đang đưa cho con những thử thách quá sức. Một mình con nơi đất khách quê người tự chăm lo cho bản thân nửa tháng không làm con rơi nước mắt nhưng chỉ vì 1 câu nói của vị bác sỹ khiến đầu con quay cuồng:

- Xếp lịch bệnh nhân này phẫu thuật gây tê rửa khoang ngực bị nhiễm trùng.

Rất lạnh lùng, rất hoang hoải. Lại 1 lần nữa con được đẩy vào phòng mổ. Lần này không có ai chúc con ngủ ngon. Chỉ là gây tê nên con cảm nhận được những vết dao cứa lên cơ thể mình, những lần máy khử khuẩn luồn trong khoang ngực mình và những đường kim mũi chỉ đang chắp vá nên thân thể mình. Gần 1 tiếng đồng hồ, con ngoan ngoãn nằm im để người ta "làm thịt" mình. Thực sự 1 tiếng đó dài hơn 1 ngày con chờ bố mẹ lên đón sau khi sẵn sàng cho cái chết ở Điện Biên, và 1 tiếng đó dài hơn những năm tháng còn chờ đợi bố mẹ công nhận con là một đứa con không bất hiếu chỉ vì chuyện giới tính.

Nằm trên bàn mổ, con nghĩ đến cái chết vì biến chứng. Con sợ đến run người. Nhưng rồi chỉ sau đó vài tích tắc, con thả lỏng cơ thể hưởng thụ vì dù có ra sao con cũng được hơn chục ngày sống trong sự thoải mái rồi. Con cười vì điều đó khi cô y tá đang cặm cụi khâu nốt những đường chỉ cuối trên người con.

Giờ thì mọi thứ qua rồi. Con đã đủ dũng cảm nói về cuộc sống của mình, nói về câu chuyện đời mình.

Con biết chắc hẳn bố mẹ sẽ buồn khi con chưa nói gì với gia đình mà phẫu thuật. Nhưng thực sự chẳng ai muốn cắt xén đau đớn nếu như thứ họ cần đã hoàn hảo. Khi bố mẹ, các em hay mọi người đọc được những dòng chia sẻ này của con thì con đã trải qua 2 ca phẫu thuật để có một hình hài hoàn hảo hơn, một phiên bản của gã lang thang tốt hơn.

Sau khi tỉnh thuốc mê nằm trên băng ca, cảm xúc của con rất khó gọi tên. Con không biết thứ đang hiện hữu nơi cổ họng mình là gì. Con cúi xuống nhìn khuôn ngực mình, hai hàng nước mắt chảy ra... Một chút vì đau, một chút vì cô đơn, một chút vì lo sợ không biết sẽ đối diện với bố mẹ thế nào và một chút xúc cảm của hạnh phúc, ước nguyện của con cuối cùng cũng thành hiện thực.

Con thấy nhẹ bẫng và tự tin khi không phải khúm núm trong chiếc áo khoác che đi "bộ ngực bất thường" và không mệt mỏi mỗi khi mặc trên người 1 chiếc áo nịt rồi mới được mặc sơ mi.

Đã rất nhiều năm con lang thang đi tìm chính mình và cũng rất nhiều năm con đi lạc trên hành trình mang tên số phận ấy. Có những lúc, con không biết mình là ai và phải sống như thế nào. Con vất vưởng trong thân xác của mình với những khó chịu, tự ti. Và cũng đã có lúc con bất chấp để sống như mọi ai, kết quả từng có lần 6 tháng con không dám về nhà.

Bấy lâu, sóng gió chưa đủ quật ngã con, vì con còn những người bạn nhân nghĩa, những người thầy cô đáng kính và con có một gia đình luôn dang tay chờ đón con trở về dù đó là hiển vinh hay nhọc nhằn.

Con xin lỗi bố mẹ !!!"

- Những lời Linh tâm sự trên Facebook sau một tháng thực hiện ca phẫu thuật -

Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang - Ảnh 9.

Linh khi vừa phẫu thuật xong ở Bangkok (Thái Lan) vào tháng 8/2018

Một tháng sau khi thực hiện thành công ca phẫu thuật, những lời tâm sự  trên của Linh được đăng lên mạng xã hội, thông qua cuộc gọi điện của em gái, mẹ Linh mới biết cậu đã phẫu thuật cắt ngực xong. Vừa nghe xong, mẹ Linh nước mắt lưng tròng chạy ngay ra đường cái bắt xe từ Hải Dương lên Hà Nội. Đến nơi Linh trọ, mẹ chỉ biết khóc, rồi trách Linh không nghe lời. "Mắng mình xong rồi, mẹ tự dưng quay ra hỏi, mở ra cho mẹ xem có đau không. Thế là cả hai mẹ con cùng cười", Linh nhớ lại. Những ngày sau, Linh có về quê thăm nhà, thấy con bố Linh chỉ hỏi, "Thay chỉ chưa, để bố đưa đi cắt chỉ".

Sau khi trải qua những sinh tử, bố mẹ đã dần hiểu hơn và chấp nhận con người của Linh. Linh cũng đang có một tình yêu với một bạn nữ cùng phòng đã 6 năm qua, và hai người đang có kế hoạch sẽ sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. "Mỗi khi nghĩ tới việc có con là hạnh phúc, mong muốn càng lâu đạt được bao nhiêu thì khi nghĩ đến càng hạnh phúc bấy nhiêu. Và con sẽ là sản phẩm của một tình yêu chân thành, là đích đến và là cầu nối giữa hai người trong một chuyện tình", Linh chia sẻ.

Hành trình trở về “con người thật” đầy đau đớn của “gã” lang thang - Ảnh 10.

Linh và bạn gái trong một chuyến đi du lịch ở Tây Bắc

Hiện tại công việc chính của Linh là dẫn tour trải nghiệm, và trong tour này Linh có chia sẻ với những người đồng hành cùng mình về câu chuyện của cuộc đời mình hay những câu chuyện khác mà Linh từng được biết.  Thông qua mỗi chuyến đi như vậy, mỗi người bạn đó lại cảm thấy yêu đời hơn, trân trọng cuộc sống này hơn.

Hôm nay, ngày 4/5/2020 cũng vào đúng sinh nhật lần thứ 30 của Linh, trước hôm đó có hai cháu nhỏ cùng xóm trọ với cậu lên chúc mừng – "Hai cháu chúc mừng sinh nhật chú Linh ạ!". Tôi bỗng hỏi Linh nhân dịp đặc biệt này, nhìn lại hành trình từ trước tới nay cậu đúc kết lại những gì, "Hoa sen đẹp phải có bùn, vì mùi tanh của bùn mà hoa sen càng đẹp. Vậy nên, khi con người trải qua càng nhiều khó khăn trong cuộc sống thì giá trị của họ cũng theo đó mà được tôn lên bấy nhiêu", Linh trả lời.

Tính theo "tỷ lệ an toàn" đã được nhiều nhà khoa học thừa nhận với mức 3%, Việt Nam hiện có khoảng 1,65 triệu người đồng tính và lưỡng tính trong độ tuổi 15-59; đa phần trong số họ đang phải chịu kỳ thị, định kiến, kể cả bạo lực. Họ cũng phải chịu những thiệt thòi về cơ hội học tập, công việc, hôn nhân và chăm sóc sức khỏe.

Bài: Trường Hùng

Ảnh: NVCC