Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường

Được ví như "vàng đen" Tây Bắc, hạt dổi - loại gia vị đặc trưng của núi rừng không chỉ là niềm tự hào của người dân huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, mà còn là minh chứng cho sự gắn bó bền chặt giữa con người và thiên nhiên. Từ một loại cây từng có nguy cơ tuyệt chủng, cây dổi đã được hồi sinh và mang lại giá trị kinh tế, góp phần định vị thương hiệu nông sản sạch cho vùng đất Lạc Sơn.

Vào tháng 9, tháng 10 dương lịch hàng năm, huyện Lạc Sơn, đặc biệt là xã Chí Đạo lại rộn ràng đón mùa thu hoạch dổi. 

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 1.

Cây dổi được trồng nhiều tại 03 xã Chí Đạo, Định Cư, Quyết Thắng ở huyện Lạc Sơn

Những cây dổi cổ thụ to nổi bật một màu đỏ au của những chùm hạt trĩu nặng đang tách vỏ, lung linh dưới ánh nắng mùa thu. Mùi cay cay, hương thơm đặc trưng của hạt dổi nướng trên than củi hồng vướng vít trong không khí như níu chân người qua lại, bởi chỉ nhắm mắt tưởng tượng thôi cũng đã nghĩ ra đủ món ăn ngon từ hạt dổi. Không chỉ nổi tiếng về ẩm thực, hạt hổi còn được dùng như một vị thuốc chữa các bệnh thông thường như ho, đau bụng, đau khớp… Đó cũng là lý do người dân Lạc Sơn ví hạt dổi như một kho báu của núi rừng. Những hạt dổi bé xinh ấy không chỉ đơn thuần là một đặc sản của xứ Mường, mà còn tạo ra giá trị kinh tế, giúp người dân "đổi đời", đời sống được phát triển, ấm no, khấm khá hơn.

Hạt dổi - Kho báu của núi từng Tây Bắc

Ở huyện Lạc Sơn, cây dổi được xem là biểu tượng gắn liền với văn hóa và sinh kế của người dân bản địa. 

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 2.

Từ xa xưa, cây dổi không chỉ được trồng để lấy hạt làm gia vị mà còn được khai thác lấy gỗ, nhờ đặc tính gỗ bền, chắc và đẹp. Gỗ dổi từng được sử dụng để làm nhà, đóng đồ nội thất, hay các vật dụng thiết yếu khác. Tuy nhiên, việc khai thác gỗ quá mức đã đẩy cây dổi vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng. Những cánh rừng dổi dần bị thu hẹp, kéo theo nguy cơ mất đi một phần giá trị văn hóa và kinh tế của người dân nơi đây.

Nhận thấy nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên quý báu này, chính quyền địa phương và người dân huyện Lạc Sơn đã chung tay thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn và phát triển cây dổi. Chính sách trồng rừng, bảo vệ cây dổi tự nhiên và khai thác bền vững đã giúp cây dổi dần được hồi sinh. Không còn chỉ là một loại cây lấy gỗ, cây dổi giờ đây được coi là "cây vàng" nhờ giá trị kinh tế từ hạt dổi.

Hạt dổi đã trở thành một sản phẩm nông nghiệp đặc sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình tại 03 xã Chí Đạo, Định Cư, Quyết Thắng ở Lạc Sơn. Nhờ vào quá trình nghiên cứu khoa học và sự đầu tư của các doanh nghiệp địa phương, hạt dổi đã được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và ứng dụng đa dạng, góp phần nâng cao giá trị nông sản của vùng.

Theo các nghiên cứu khoa học, dù với kích thước nhỏ bé song hạt dổi chứa đựng một kho tàng dinh dưỡng quý giá. 

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 3.

Trong ẩm thực, hạt dổi là một trong những gia vị tạo nên hương vị đặc trưng, độc đáo, riêng có của ẩm thực Tây Bắc. Đến với mỗi gian bếp của người Thái, Mường hay Dao, hạt dổi là gia vị không thể thiếu để chế biến các món ăn truyền thống như thịt nướng, cá suối nướng, lạp xưởng hay chẩm chéo – loại chấm mang đậm phong vị núi rừng. Để chế biến món ăn, hạt dổi thường được nướng nhẹ trên than hoa để dậy mùi thơm, sau đó giã nhỏ hoặc xay thành bột. Vị cay nồng và hương thơm quyến rũ của hạt dổi không chỉ làm dậy lên hương vị món ăn mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc nơi đây.

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 4.

Hạt dổi thường được nướng nhẹ trên than hoa để dậy mùi thơm

Xác định tiềm năng kinh tế của cây dổi có giá trị lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Sơn đã tham mưu cho UBND huyện trong hỗ trợ người dân bảo vệ và phát triển cây dổi thông qua các hợp tác xã và tham mưu UBND huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Muối hạt Dổi Chí Đạo (chủ thể: HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo, địa chỉ: Xóm Be Trên, xã Chí Đạo) đạt chứng nhận OCOP trong năm 2024.

Với sự vào cuộc của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và chính quyền địa phương giá trị của cây dổi, hạt dổi đang được hồi sinh và mở ra cơ hội phát triển kinh tế lớn cho huyện Lạc Sơn. Hiện nay, hạt dổi được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước châu Á và châu Âu, nơi các sản phẩm gia vị tự nhiên được ưa chuộng.

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 5.

Hạt dổi là niềm tự hào của người dân Lạc Sơn

Giá hạt dổi trên thị trường dao động từ 500 - 700 nghìn đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng. Những hộ gia đình sở hữu rừng dổi hoặc trồng cây dổi đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, việc trồng cây dổi còn góp phần phủ xanh đồi núi, cải thiện môi trường sinh thái và bảo vệ đất đai.

Ngoài giá trị kinh tế, hạt dổi còn góp phần quảng bá thương hiệu nông sản sạch của huyện Lạc Sơn. Chính quyền địa phương đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hạt dổi Lạc Sơn, tạo cơ sở pháp lý và thương mại hóa sản phẩm một cách bền vững. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn là minh chứng cho sự thành công trong việc kết hợp bảo tồn và phát triển kinh tế.

Giá trị của hạt dổi không chỉ nằm ở mùi hương hay dinh dưỡng mà còn ở tinh thần bảo tồn tài nguyên và phát triển bền vững của người dân Tây Bắc. Với tiềm năng lớn lao trong ẩm thực, y học và kinh tế, hạt dổi chắc chắn sẽ tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những đặc sản quý giá nhất của núi rừng Tây Bắc, đồng hành cùng sự phát triển của huyện Lạc Sơn và lan tỏa giá trị của nông sản Việt ra thế giới.

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 6.

Hạt dổi còn góp phần quảng bá thương hiệu nông sản sạch của huyện Lạc Sơn.

Những người phụ nữ chung tay gìn giữ và phát triển giá trị kinh tế cho hạt dổi

Trong hành trình bảo tồn và phát triển giá trị của cây dổi, phụ nữ Lạc Sơn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với người dân tộc Mường ở Lạc Sơn, phụ nữ không chỉ đảm nhận vai trò nội trợ mà còn là người giữ gìn và truyền lại các giá trị truyền thống. Đối với cây dổi, họ là người lưu giữ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến hạt dổi để sử dụng và làm thành các sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Là một trong những người phụ nữ đi tiên phong trong bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế từ cây dổi, chị Bùi Thị Lợi, xóm Be, xã Chí Đạo chia sẻ: Cây dổi trồng 8 năm thì ra hoa, bói hạt, nếu trồng cây cấy ghép thì thời gian sẽ được rút ngắn được một nửa. Cây càng lâu năm, giá trị gỗ, hạt càng cao. Hạt dổi có rất nhiều công dụng, được dùng làm gia vị cho thức ăn, tinh dầu còn dùng để làm dược liệu sản xuất thuốc. Cây dổi rất phù hợp với chất đất của huyện Lạc Sơn, đặc biệt là xã Chí Đạo, cho lượng tinh dầu cao.

Việc có cây đầu dòng tại địa phương sẽ giúp cho sự phát triển và ươm, ghép giống hạt dổi được thực hiện rất có hiệu quả. Hiện nay, huyện Lạc Sơn đang có chủ trương phát triển dự án sản phẩm tại các địa phương, với phương châm mỗi địa phương một sản phẩm để phát triển nghề và tăng gia trị sản xuất tại đơn vị mình.

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 7.

Các sản phẩm từ hạt dổi

Đến thời điểm này huyện Lạc Sơn đã có 03 xã đang phát triển và trồng cây dổi, mỗi năm cho thu hoạch từ 300 đến 400 kg hạt dổi khô/xã. Hạt dổi được phơi khô và bán cho các lái buôn trong và ngoài tỉnh với giá dao động từ 500 - 700 nghìn đồng/kg, cho thu nhập từ 60 triệu đồng/hộ. Sản phẩm hạt dổi phơi khô nguyên hạt, hạt dổi xay, muối hạt dổi đã được đóng vào lọ thuỷ tinh, có tem, nhãn mác đã có đầu ra tại các cửa hàng, siêu thị, được nhiều người biết đến, tin dùng.

Ngoài trồng, sản xuất, tiêu thụ hạt dổi, gỗ dổi, trong những năm gần đây, việc ươm và bán giống cây dổi cũng đang đen lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây, nhiều địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh cũng đã tìm đến mua giống cây dổi của xã Chí Đạo.

Nhờ cây dổi, nhiều gia đình ở Lạc Sơn đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Nhiều chị em phụ nữ cũng đã học hỏi cách tiếp cận thị trường hiện đại bằng cách quảng bá và bán hạt dổi và các sản phẩm từ hạt dổi như bột dổi, tinh dầu dổi qua các kênh trực tuyến, không chỉ tăng thu nhập mà còn góp phần đưa sản phẩm hạt dổi Lạc Sơn đến với người tiêu dùng trên cả nước.

Hạt dổi Lạc Sơn, đặc sản xứ Mường- Ảnh 8.

Nhờ cây dổi, nhiều gia đình ở Lạc Sơn đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Huyện Lạc Sơn đang định vị hạt dổi như một sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm) tiêu biểu. Từ những hạt gia vị nhỏ xinh, thân thuộc của bản làng, hạt dổi đã trở thành biểu tượng của văn hóa địa phương, là một sản phẩm nông nghiệp sạch, có tiềm năng lớn trong việc nâng cao đời sống kinh tế và bảo vệ môi trường rừng, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của huyện Lạc Sơn, của tỉnh Hòa Bình trên bản đồ quốc tế.


Lê Hoa
17/12/2024 08:18