Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nấm bào ngư

An Là (Văn phòng - TƯHội LHPNVN)
11/08/2021 - 17:00
Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nấm bào ngư

Nấm bào ngư

Sau khi phát động phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", Hội LHPN xã Bình Thành, Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã tích cực vận động, khuyến khích hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế nhằm đảm bảo kinh tế, thu nhập cho gia đình, nổi bật là mô hình trồng nấm bào ngư.

Dù đây là mô hình còn tương đối mới trên địa bàn xã Bình Thành, nhưng nhiều chị em phụ nữ đã áp dụng thực hiện thành công.

Kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (hội viên, phụ nữ sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành) trước đây chủ yếu là trồng cây có múi, chăn nuôi lợn, gà nên thu nhập hàng năm thấp. Đến đầu năm 2018, chị được các cấp Hội tuyên truyền, tập huấn kiến thức về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra chị còn được tham quan học tập thực tế tại Hàn Quốc với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với các kinh nghiệm đã được học tập qua internet, sách báo, bạn bè, đi tham quan thực tế các mô hình ở xã, huyện, chị Kiều quyết định đầu tư phát triển mô hình trồng nấm bào ngư.

Bước đầu gia đình đã đầu tư hơn 70 triệu đồng trong đó bao gồm: nhà nấm có diện tích 120m2 - khu vực trồng nấm này chị cải tạo lại từ khu vực chăn nuôi trước đó của gia đình. Theo chị Kiều việc trồng nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao. Tuy nhiên phải nắm chắc kiến thức, kỹ thuật trồng thì nấm mới đạt chất lượng chuẩn. Giai đoạn đầu là chuẩn bị môi trường để trồng nấm. Nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Sau đó, lựa chọn phôi nấm chất lượng tốt, phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 2 tháng mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày mở nắp ra, sau đó tưới nước bằng hệ thống phun sương cho có độ ẩm để nấm dễ mọc, một ngày tưới nước 1 - 2 lần. 

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 1.

Cơ sở trồng nấm bào ngư

Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tiến hành tháo nút, khoảng 6 ngày sau nấm bắt đầu mọc ra. Tùy theo kích cỡ nấm mà tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch nấm xong thì tiến hành vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp phôi lại tiếp tục tiến hành tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 15 ngày sau là bắt đầu cho thu hoạch lứa tiếp theo. Từ lúc phôi ban đầu tới khoảng 2 - 2,5 tháng là đã có thể thu hoạch được nấm. Chị chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với việc trồng nấm bào ngư là nấm thường hay mắc các bệnh mốc đặc biệt là mốc xanh... Bệnh này gây hại cho phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai. Vì vậy nếu phát hiện bệnh mốc xanh, bịch phôi ấy sẽ phải bỏ, để tránh ảnh hưởng tới chất lượng của nấm.

Với cách làm mới, lạ, tỉ mỉ và cẩn thận, chị đã chia số lượng đợt giống cho phù hợp, nhằm tập trung chăm sóc tốt nhất của từng đợt nuôi nấm và thu hoạch. Chị chia 9 kệ thành 4 đợt nuôi nấm, nuôi kế tiếp theo thời gian của từng đợt. Mỗi lần thu hoạch được 2 kệ, khoảng từ 40 – 45kg, giá bán 30.000đ/kg tại chợ đầu mối và 50.000đ/kg bán lẻ, mỗi tháng chị thu hoạch được 3 - 4 lứa. Qua mỗi tháng thu hoạch nấm cho từng đợt gieo, gia đình chị Kiều thu lợi nhuận khoảng chục triệu đồng từ mô hình trồng nấm bào ngư, đem lại cuộc sống khá giả hơn cho gia đình chị so với trước.

Ngoài ra, chị Kiều còn tham gia tốt các hoạt động phong trào do Hội phát động, vận động chị em mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng phù hợp, chị đang hỗ trợ cho 02 chị về kỹ thuật, một số kinh nghiệm, cung cấp thị trường tiêu thụ cho các hộ gia đình để nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm