pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hiệu quả từ những mô hình du lịch văn hóa cộng đồng ở Tây Bắc
Các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng ở Tây Bắc đem lại nhiều lợi ích cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Du lịch văn hóa cộng đồng được chú trọng phát triển từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nơi được cho là tiên phong trong phong trào phát triển du lịch văn hóa thời điểm đó là bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Đến giai đoạn đầu những năm 2000, thì huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) bắt đầu có sự phát triển các mô hình du lịch văn hóa (sau này gọi là du lịch cộng đồng và Homestay) ở các gia đình người Tày và người Giáy các xã Tả Van, Bản Hồ.
Từ đầu những năm 2000 trở đi, là giai đoạn đánh dấu sự phát triển mang tính “bùng nổ” của du lịch ở khu vực các tỉnh Tây Bắc Việt Nam.
Mỗi năm có tới hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến du lịch Tây Bắc, tỷ lệ khách du lịch liên tục tăng cao hàng năm đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực du lịch văn hóa cộng đồng.
Từ những bản làng xa xôi, những cộng đồng dân tộc vốn dĩ có lối sống khép kín như người Lự, người Mông, người Dao… đều chuyển mình phát triển du lịch, phá vỡ cơ cấu lao động, sản xuất và thu nhập theo mô hình sinh kế truyền thống, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nhiều làng bản, nhiều địa phương ở các tỉnh Tây Bắc.
Sau hàng chục năm phát triển, các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng ở Tây Bắc đã có những bước phát triển mạnh, cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn thiện với chất lượng dịch vụ cao hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Minh Hải, chủ cơ sở kinh doanh vận tải du lịch ở thị xã Sa Pa, cho biết: "Làm du lịch cộng đồng có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp thuần túy, nếu như xưa kia, người dân tộc ở các xã trong thị xã Sa Pa chỉ làm nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, vừa vất vả, vừa khó khăn vì phải trông vào mùa vụ mới có nguồn thu. Đến mùa giáp hạt là túng thiếu, nhiều hộ phải đi vay mượn. Nhưng làm du lịch thì họ có tiền, đảm bảo trang trải cuộc sống và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, kinh tế vững vàng hơn”.
Du lịch góp phần nâng cao vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số
Du lịch văn hóa phát triển ở các làng bản của người dân tộc thiểu số bản địa, chẳng những giúp đời sống kinh tế của các hộ gia đình vững vàng, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ.
Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp thuần túy, vai trò chỉ đạo sản xuất thường gắn với người đàn ông trong gia đình. Nhưng khi phát triển du lịch, thì người phụ nữ thường nắm vai trò chủ đạo, đặc biệt là ở các vùng đồng bào người Mông, người Dao.
Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, chia sẻ: "Ở xã Tả Phìn có tới 80% phụ nữ đóng vai trò chính trong du lịch, chị em tự tính toán rồi phân công các công việc trong gia đình cho các thành viên thực hiện. Nên vai trò của phụ nữ cũng đứng cao hơn khi tham gia hoạt động du lịch. Bởi khi làm du lịch thì chị em có nhiều lợi thế hơn, như việc tiếp đón khách, giao tiếp với khách, tính toán kế hoạch làm ăn cũng đều là chị em. Nên có thể nói phụ nữ có vai trò cao hơn, thậm chí là quyết định trong gia đình khi làm kinh tế du lịch”.
Hiện nay thị xã Sa Pa có xu hướng nữ giới người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch khá mạnh, nhưng chỉ cách đây khoảng hơn chục năm, theo quan niệm và các định kiến cũ, nhiều gia đình vẫn không muốn con em mình tham gia vào các dịch vụ du lịch. Nhiều phụ nữ đã phải đấu tranh rất nhiều để có thể vượt qua các định kiến ấy để tham gia làm du lịch như hiện nay.
Cho đến nay, các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc đã đóng vai trò như những sản phẩm, những điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng du lịch ở vùng Tây Bắc. Nhiều du khách đến với Tây Bắc chỉ để được nghỉ ngơi, được trải nghiệm tại các làng bản du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc bản địa. Đây chính là những điểm ưu việt từ các mô hình du lịch cộng đồng đem lại.