Hòa Bình: "Thay da đổi thịt" cuộc sống của người dân vùng lòng hồ

PV
09/10/2024 - 18:24
Hòa Bình: "Thay da đổi thịt" cuộc sống của người dân vùng lòng hồ

Những đứa trẻ tại xóm Nhạp đều đã được đến trường để học lấy cái chữ.

Sau 7 năm nỗ lực, phát triển, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng lòng hồ của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu đáng mừng.

Đổi thay ở xóm chạy sạt lở

Xóm Nhạp là một trong những xóm xa xôi nhất và được ví như một ốc đảo của xã Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Từ trung tâm xã, muốn đến được xóm Nhạp trước đây chỉ có một con đường duy nhất là ngồi thuyền, lênh đênh trên mặt hồ chừng 30 phút.

Giờ đây, những người bạo gan cũng có thể đến được xóm Nhạp thông qua con đường trên bộ đang trong quá trình thi công. Con đường ấy một bên là vách núi, một bên là con sông Đà, mặt đường gồ ghề, lầy lội với những con dốc cao dựng đứng.

Tuy nhiên, nếu vượt qua được con dốc cao nhất ấy, xóm Nhạp "chiêu đãi" du khách bằng một khung cảnh nên thơ với những ngôi nhà nằm thoai thoải bên bờ sông Đà.

Hòa Bình: “Thay da đổi thịt” cuộc sống của người dân vùng lòng hồ- Ảnh 1.

Cuộc sống của người dân xóm Nhạp đã có đổi thay hơn nhiều so với trước đây.

Mặc dù là một xóm nhỏ với 27 hộ dân sinh sống nhưng tất cả các con đường ở xóm Nhạp đều đã được cứng hóa, dọc bên đường, những hàng rào cây được cắt tỉa gọn gàng tô điểm cho những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiểu homestay.

Cả xóm đã được xây kè kiên cố, có đường bê tông, hệ thống lưới điện và nước sinh hoạt đảm bảo, đa phần các hộ đều hài lòng khi về nơi ở mới. Theo ông Quách Công Hung, Bí thư Chi bộ xóm Nhạp, trước đây, do chưa có đường bộ liên xóm, xã nên việc đi lại đều phải dùng thuyền. Tuy nhiên, từ thời điểm cuối năm 2023, dự án làm đường nối từ trung tâm xã Đồng Ruộng tới xóm Nhạp đang được triển khai. Đây hứa hẹn sẽ là con đường huyết mạch giúp đời sống người dân vùng lòng hồ tiếp tục "thay da, đổi thịt".

Nhìn những đổi thay của xóm Nhạp, ông Hung không giấu được sự vui mừng. Theo ông Hung, từ khi chuyển về nơi ở mới, người nhân có được cuộc sống ổn định, an toàn hơn so với nơi cũ. Các gia đình được sử dụng nguồn điện thắp sáng, cung cấp nước đầy đủ, nhà cửa xây dựng khang trang, chắc chắn.

Hòa Bình: “Thay da đổi thịt” cuộc sống của người dân vùng lòng hồ- Ảnh 2.

Trường tiểu học và mầm non ở ngay trong xóm khiến việc học tập của những đứa trẻ tại xóm Nhạp thuận lợi hơn rất nhiều.

Trước đây, khi mới chuyển đến nơi ở mới, 27 hộ dân đều là hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, giờ đây nhiều gia đình mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi lợn, gà… Tận dụng lợi thế vùng lòng hồ, bà con dựng hàng chục lồng nuôi cá, kết hợp với đánh bắt nên kinh tế dần được khôi phục, số hộ nghèo, cận nghèo cũng giảm qua từng năm.

Hiện tại, cuộc sống của người dân khu tái định cư xóm Nhạp nay đã đi vào ổn định, chất lượng cuộc sống của các hộ dân ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình mua sắm được các tiện nghi có giá trị như xe máy, tivi, tủ lạnh...

Lãnh đạo xã Đồng Ruộng cho biết, với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đã được chính quyền các cấp triển khai như cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn, hướng dẫn người dân nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật... giúp bà con xóm Nhạp cải thiện sinh kế và giảm nghèo bền vững.

Vươn lên từ đống đổ nát

Nhìn xóm nhỏ thơ mộng bên bờ sông Đà, ít ai biết được, cách đây 7 năm, nơi đây vẫn là một vùng đất hoang vu với bạt ngàn lau sậy. Những người dân sinh sống ở xóm Nhạp hiện tại cũng đã từng phải trải qua một trận sạt lở đất kinh hoàng trước khi tìm được chốn an cư yên bình như bây giờ.

Nhớ lại trận sạt lở kinh hoàng 7 năm về trước, ông Quách Công Hung, Bí thư chi bộ xóm Nhạp vẫn không giấu được nét thảng thốt trên gương mặt. Ông Hung kể, xóm Nhạp cũ trước đây có 50 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu sinh sống quần tụ ven sông Đà. Người dân ở đây lấy nghề chài lưới, dựa vào con sông quanh năm xanh biếc để mưu sinh.

Hòa Bình: “Thay da đổi thịt” cuộc sống của người dân vùng lòng hồ- Ảnh 3.

Ông Quách Công Hung, Bí thư Chi bộ xóm Nhạp trao đổi với PV.

Hôm đó là ngày 9/10/2017, trời mưa như trút nước. Trước đó mấy hôm, trời cũng mưa to như thế, nước ở những con suối chảy qua xóm dâng lên cao bất thường.

Nhà ông Hung khi ấy ở rìa bên ngoài của xóm. Lúc ấy trời tối, không có đồng hồ nhưng ông Hung đoán rơi vào khoảng giữa đêm. Soi đèn pin ra con suối gần đó, ông Hung phát hiện dòng nước bỗng nhiên mang một màu đỏ quạch.

Gắn bó với núi rừng từ nhỏ, ông Hung biết trên đầu nguồn, đoạn trên dãy núi Lò chắc chắn có sạt lở và nước kéo theo những dấu vết ấy xuống tận xóm Nhạp.

Hòa Bình: “Thay da đổi thịt” cuộc sống của người dân vùng lòng hồ- Ảnh 4.

Bà Đinh Thị Hiền kể về trận sạt lở lịch sử mà người dân xóm Nhạp từng trải qua.

Ông Hung sau đó hô hào người dân trong xóm. Chỉ trong ít thời gian, tất cả mọi người đều đã tập trung trên thuyền của gia đình mình, chẳng ai kịp mang theo của cải. Họ đẩy thuyền ra phía dòng sông Đà được một đoạn thì trận sạt lở ập đến. Con nước chảy ào ào cuốn phăng tất cả thứ gì nó gặp trên đường. Đêm hôm ấy, toàn bộ người dân xóm Nhạp không ngủ.

Sau một đêm, khi ánh mặt trời vừa hé, ông Hung cùng nhiều người bơi thuyền trở lại xóm cũ để xem xét tình hình thì thấy khu cảnh tan hoang, nhiều đồ đạc, vật dụng của người dân bị nước cuốn trôi. Trận sạt lở hôm ấy kéo sập 4 căn nhà của người dân, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay.

Hòa Bình: “Thay da đổi thịt” cuộc sống của người dân vùng lòng hồ- Ảnh 5.

Con đường nối từ xã Đồng Ruộng tới xóm Nhạp đang được triển khai xây dựng.

Hồi tưởng trong kí ức về sạt lở đất kinh hoàng năm 2017, bà Đinh Thị Hiền (81 tuổi, người dân tộc Mường) chưa dấu được sự bàng hoàng. Bà Hiền bảo, mưa lũ, sạt lở khi ấy cuốn trôi hết nhà cửa, ruộng vườn của các gia đình. Nhiều hộ bị sập hoàn toàn, lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Sau khi bị thiên tai tàn phá, biết rằng không thể sống được ở nơi cũ nên nhiều người dân bàn nhau tìm đến vùng đất mới để an cư. Vùng đất mới khi ấy vẫn còn hoang vu với bạt ngàn lau sậy. Những người khỏe mạnh được giao nhiệm vụ phát quang cây cối, chặt tre luồng về đóng lán cho bà con trú ngụ.

"Sau này, mỗi hộ dân được chính quyền cấp cho gần 300m2 đất và số tiền 20 triệu đồng để hỗ trợ dựng nhà, vườn tược. Các gia đình phải mất vài tháng ròng rã để khai hoang, cải tạo đất trồng trọt, dựng chuồng trại...", bà Hiền nhớ lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm