Những ngày đầu thu Hà Nội, trong âm hưởng của Cách mạng Tháng Tám dội về, tôi tìm đến nhà bà Công Thị Thu ở một con ngách nhỏ trong phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa). Tuy năm nay vừa bước sang tuổi 91, trên khuôn mặt đã đậm những vết đồi mồi của tuổi tác và thời gian nhưng những ký ức năm nào vinh dự được đón Bác Hồ về ở làm việc và về thăm gia đình vẫn không thể nào phai trong trí óc của người thiếu nữ từng được coi là hoa khôi của vùng đất Kẻ Gạ.
Được biết, căn nhà của cụ Nguyễn Thị An (SN 1896, mẹ của bà Thu), cơ sở cách mạng thời kỳ 1941 - 1945 ở làng Phú Gia (còn gọi là Kẻ Gạ) là nơi đầu tiên mà Bác Hồ cùng đoàn cán bộ lưu lại sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội vào ngày 23/8/1945.
"A a a… Cụ Hồ Chủ tịch đã về nhà ta rồi!"
Mấy ngày sau khi Hà Nội giành chính quyền (19/8/1945), ở Kẻ Gạ cũng có nhiều biến động lớn, cụ An thường nhắc nhở bà Thu là con gái út (khi đó 16 tuổi) cần cẩn thận và giao nhiều việc nhà cho con làm. Vào khoảng hơn 5 giờ chiều, ngày 23/8, bà Thu thấy đồng chí Khánh (bí danh của đồng chí Hoàng Tùng) hối hả chạy vào báo với mẹ mình: "Gia đình chuẩn bị đón khách thượng cấp từ Chiến khu trở về". Nhận được tin, cụ An liền sai mọi người trong nhà nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc ở căn nhà khách 5 gian, quét dọn và lau rửa toàn bộ giường, tủ, phản, bộ trường kỷ.
Căn nhà của cụ Nguyễn Thị An (mẹ bà Thu), nay là nhà số 6, ngõ 319 An Dương Phương (phường Phú Thượng) đã có vinh dự được 2 lần đón Bác Hồ về ở làm việc và về thăm.
Khoảng 2 giờ sau, khi trời đã nhá nhem tối, đồng chí Khánh có dẫn đoàn cán bộ gồm 12 người đến nhà. "Trong đoàn có một cụ già để râu dài, mắt sáng, người gầy gò như mới ốm dậy. Cụ mặc một bộ quần áo dân tộc miền ngược màu xanh chàm khiến nước da của cụ cũng xanh theo, nhưng dáng đi cùng các động tác của cụ lại rất nhanh nhẹn. Cụ được mọi người rất kính trọng. Cụ nói giọng miền Trung, rất ấm áp", bà Thu nhớ lại.
"Cụ già Thượng cấp" được đoàn bố trí nằm nghỉ ở gian giữa nhà trên chiếc sập gỗ, phía trên sập có chiếc quạt kéo bằng tay mắc ở trần nhà. Đồng chí trưởng đoàn (tức đồng chí Trần Đăng Ninh) được bố trí nằm ở chiếc phản bên cạnh, các đồng chí còn lại được phân công nghỉ ở gian nhà chái hai bên. Ngoài ra, ở phía vòng ngoài căn nhà, còn có lực lượng tự vệ luôn túc trực bảo vệ 24/24.
Qua lời đồng chí Khánh, biết đoàn chỉ mới ăn tạm cơm nắm, muối vừng, mướp luộc dưới làng Phú Xá, nên bà Thu được mẹ cho đi gọi anh trai về đón khách và phụ nấu cháo gà để đem lên mời "Cụ già Thượng cấp" và các cán bộ trong đoàn. Ăn xong, Cụ tỏ lời khen cháo ngon và nói cám ơn gia đình, rồi Cụ còn hỏi han về tình hình gia đình cụ An. Trong mấy ngày sau, khi cùng mẹ phụ vụ cơm nước cho đoàn, bà Thu nhận thấy, tuy Cụ yếu mệt nhưng lại ngủ rất ít, miệt mài làm việc thâu canh bên chiếc máy chữ và cây đèn dầu đặt trên trường kỷ.
Sang đầu giờ chiều ngày thứ 3 (25/8), bà Thu bỗng thấy ngoài đầu ngõ có hai chiếc xe ô tô màu đen đưa một số đồng chí cán bộ về gặp và làm việc với "Cụ già Thượng cấp". Đến Khoảng 5 giờ chiều, cuộc họp kết thúc, "Cụ già Thượng cấp" có cho gọi mẹ bà Thu lên gặp và nói: "Tôi cần đi vào trong nội thành giải quyết một số công việc gấp. Cám ơn gia đình đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho đoàn chúng tôi trong mấy ngày qua. Nhân đây, cho tôi gửi lời chào tới cụ ông chủ nhà, khi nào có thời gian tôi sẽ về thăm lại gia đình và chào cụ". Khi đó, cha bà Thu (tức Chánh tổng Công Ngọc Lâm đã mất), anh em bà Thu ở cùng mẹ và ông nội là cụ Phó Trường (tức Công Văn Trường) khi đó đã ngoài 80 tuổi.
Nói xong, "Cụ già Thượng cấp" cùng các đồng chí dự họp và hai đồng chí bảo vệ cuốc bộ ra xe chờ ở ngoài đê, anh em bà Thu và mẹ cũng đi theo tiễn biệt.
"Tôi thấy Cụ nhanh nhẹn bước lên xe đi vào hướng thành phố, còn lại 8 đồng chí trong đoàn tùy tùng vẫn còn ở lại trong nhà tôi nhiều ngày sau đó".
Bà Thu hồi tưởng lại
Lúc này, chính quyền cách mạng ở làng Phú Gia đã được thành lập, cùng chung vui với chính quyền Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước.
Sáng 2/9, bà Thu đi cùng đoàn đại biểu đại diện cho chính quyền và nhân dân, chiến sĩ cách mạng của 3 làng (Phú Gia, Phú Xá và Thượng Thụy) tuần hành đi bộ vác cờ đỏ sao vàng tới Quảng trường Ba Đình để dự Lễ Tuyên ngôn Độc lập.
Đoàn bà Thu đến sớm nên được bố trí gần khán đài, vì vậy trong lúc đoàn người trên lễ đài xuất hiện, bà nhìn thấy ông Cụ đứng gần chiếc micro rất giống "Cụ già Thượng cấp" đã về nhà mình mấy ngày hôm trước, chỉ khác mỗi bộ quần áo Cụ mặc hôm nay là vải kaki màu sáng. Chăm chú nhìn Cụ suốt cả buổi lễ, bà Thu càng thấy giọng nói của Cụ trầm ấm giống hệt giọng nói của "Cụ già Thượng cấp" đã về nhà mình.
Bởi vậy, khi về đến nhà, bà Thu có đem thắc mắc về "Cụ già Thượng cấp" và Cụ Hồ Chủ tịch có phải là một không cho các đồng chí tùy tùng trong đoàn còn ở lại. Khi biết, "Cụ già Thượng cấp" chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Thu mừng quá reo lên, "A a a… Cụ Hồ Chủ tịch đã về nhà ta rồi!" và chạy lên nhà trên tìm mẹ kể: "Mẹ ơi, hôm nay con đi dự Lễ Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, con mới được biết rằng ông 'Cụ già Thượng cấp' về nhà ta mấy hôm trước lại chính là Hồ Chủ tịch, người đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình hôm nay mẹ ạ!". Nghe tiếng con, cụ An mừng quá, nước mắt rưng rưng ôm lấy bà Thu vào lòng và nói, "Con ơi, đó là hồng phúc cho nhà mình rồi!".
"Chúng cháu xin vâng theo lời Bác dạy!"
"Vừa bước vào cửa, Người chào hỏi mọi người trong gia đình rồi hỏi ngay mẹ bà Thu, "Nhà ta còn cụ ông chủ nhà lần trước tới chưa kịp chào, lần này để tôi lên thăm và chào cụ". Mọi người trong nhà còn đang lúng túng vì lo ông nội bà Thu tuổi đã cao, suy nghĩ còn phong kiến nên nếu gặp Bác Hồ nhỡ nói điều gì không phải thì đã thấy cụ Phó Trường trong bộ đại lễ (áo the, khăn xếp) từ nhà trên chống gậy đi xuống. Tới bậc thềm căn nhà khách, khi thấy Bác đang từ trong bước ra đón, ông nội bà Thu liền bỏ cây gậy đang chống và từ từ quỳ sụp xuống dưới thềm nhà và chắp tay vái lễ chào. Thấy vậy, Bác bước rất nhanh tới phía cụ Phó Trường, đỡ tay cụ đứng dậy và nói, "Cụ ơi, bây giờ nước ta là nước dân chủ cộng hòa rồi. Chúng ta là anh em, là đồng bào cả nước trong một gia đình lớn, cụ không phải làm như vậy".
Nghe Bác nói, như nuốt lấy từng lời, ông nội bà Thu xúc động ngẩng mặt lên, tay run run trong bàn tay vị Chủ tịch nước tỏ lời, "Năm trước Chủ tịch về đây còn là bí mật, nay đã công khai rồi, đất nước tự do rồi, tôi nghe bản Tuyên ngôn Độc lập của Ngài Chủ tịch tôi thấy thấm thía lắm! Từ lâu lắm rồi đất nước ta chưa độc lập, tự do thật sự, nay đã được tự do, độc lập, nhân dân vô cùng phấn khởi; khắp mọi nơi nhân dân dựng cờ đỏ sao vàng đi theo cách mạng, đi theo Ngài Chủ tịch. Đó là trên hợp lòng trời dưới hợp ý dân".
Bữa trưa hôm đó, Bác Hồ cùng đoàn ở lại ăn cơm cùng gia đình cụ Phó Trường, cụ An và bà Thu cũng vinh dự được có mặt trong bữa cơm thân mật này. Kết thúc bữa cơm, Bác có bố trí một cuộc họp vào buổi chiều với các cán bộ chủ chốt của địa phương và "Khu Lãng Bạc" (các vùng xung quanh Hồ Tây). Trước tình hình căng thẳng về gìn giữ chính quyền lúc ấy, Bác nhấn mạnh, thực dân Pháp có thể bội ước để thực hiện mưu đồ cướp nước ta một lần nữa, vì vậy cán bộ và nhân dân ta cần phải chuẩn bị tinh thần kháng chiến trường kỳ bất cứ lúc nào.
Cũng trong cuộc họp này, Bác Hồ có hỏi bà Thu là đại diện cho tổ chức thanh thiếu niên khi đó. Khác với lần trước, chỉ được phục vụ Bác, lần này bà Thu được Bác hỏi trực tiếp. Với giọng ấm cúng, "Khi sinh hoạt thanh thiếu niên, các cháu có được bình đẳng nam giới - nữ giới không?". Nghe Bác nói, bà Thu thấy Bác không còn xa cách như vị Chủ tịch nước nữa, mà giọng gần gũi như người cha, người ông nói chuyện với con, với cháu ở nhà, bà lễ phép trả lời Bác: "Chúng cháu có được bình đẳng nam giới - nữ giới ạ!". Bác mỉm cười và căn dặn bà Thu cần phải noi gương theo truyền thống gia đình, phát huy vai trò của nữ giới trong cuộc bảo vệ xây dựng và cứu nước còn có thể kéo dài. Những lời bác nói tuy giản dị mà sâu sắc, tuy rằng trước đó bà Thu đã từng được theo mẹ làm công tác liên lạc cho cách mạng nhưng khi ấy bà vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của công việc này, còn giờ đây bà đã hiểu, vậy nên khi lời vị Chủ tịch nước vừa chấm dứt thì bà liền xúc động hứa với Bác: "Vâng, chúng cháu xin vâng theo lời Bác dạy!".
Khoảng 1 tháng sau kể từ buổi đó, như những điều Bác đã tiên đoán trước, thực dân Pháp bội ước, khẩu pháo ở phố Pháo Đài Láng bắn phát đạn mở đầu cho những ngày Toàn quốc kháng chiến vào tối 19/12/1946. Cùng với đó, Bác Hồ cùng các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể đã rút lui khỏi Hà Nội chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.
Sau đó, cơ sở cách mạng ở gia đình cụ An cũng bị lộ, bọn tề ngụy ra sức khủng bố để truy vết những cán bộ Việt Minh đã từng hoạt động tại đây. Không run sợ trước sự đe dọa và lưỡi lê của kẻ thù, cụ An khôn khéo giữ vững tinh thần yêu nước đi theo cách mạng và vẫn tiếp tục âm thầm tham gia giữ liên lạc với cán bộ kháng chiến của Thủ đô. Còn bà Thu và các anh trai là ông Công Ngọc Kha, Công Ngọc Thụ thoát ly gia đình hoạt động cách mạng, từ một thiếu nữ con nhà chánh tổng, địa chủ, bà Thu đã từ bỏ cuộc sống sung sướng để lăn lộn hoạt động du kích từ năm 1947 đến 1950 ở "Bãi Sậy" (đoạn bãi bồi giữa sông Hồng từ chân cầu Thăng Long bây giờ đến khúc giao vào sông Đuống).
Đến Năm 1951, khi Đảng đưa ra chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng trong vùng địch hậu, bà Thu đã chuyển vào nội đô Hà Nội làm công tác giao thông, công vận vận động người dân đi theo cách mạng. Cũng trong khoảng thời gian trên, "hoa khôi" của thôn Kẻ Gạ đã tìm được một chàng trai "cảm tử quân" của thành phố Hà Nội, để làm đồng đội và ông bà xây dựng gia đình trong vùng tạm chiếm có 3 người con, trưởng thành. Noi theo tấm gương của cha mẹ, các người con trai của ông, bà đều lên đường tham gia vào các cuộc Kháng chiến chống Mỹ, và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979, các con đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giờ đây, thấm thoát đã hơn 70 năm, có lẽ việc Hồ Chủ tịch đến thăm, ở lại dự bữa cơm thân mật với một gia đình người Việt Nam như gia đình cụ An là không nhiều. Mẹ bà Thu đã giữ gìn chiếc mâm đồng mà Hồ Chủ tịch ngồi ăn với bố chồng và gia đình ngày hôm đó trong cả một thời gian dài như một kỷ vật quý. Năm 1958, khi vợ chồng bà Thu cùng đi kháng chiến trở về nội thành, ổn định cuộc sống, cụ An đã xuống nhà con gái chơi và mang theo chiếc mâm đồng đó ra đưa cho vợ chồng bà và nói rằng: "Đây là chiếc mâm đồng mà Cụ Hồ Chủ tịch đã ngồi ăn cơm cùng ông nội và gia đình tại nhà, mẹ cho các con để các con dùng và giữ làm kỷ niệm".
“Đến tận bây giờ tôi và gia đình vẫn giữ gìn nâng niu chiếc mâm đồng ấy như một kỷ vật quý. Hai vợ chồng chúng tôi đã bàn và đều có chung một suy nghĩ là cần phải lưu giữ chiếc mâm đồng này làm kỷ niệm và nên gửi kỷ vật này vào bảo tàng lịch sử nào đấy để được giữ gìn cẩn thận lâu dài hơn, để nhớ mãi tình cảm của Hồ Chủ tịch trong ngày Người về thăm và dự bữa cơm thân mật cùng gia đình trên chiếc mâm đồng này, thể hiện tấm lòng của gia đình tôi cùng người dân Phú Thượng, người dân Thủ đô đối với Hồ Chủ tịch trong những ngày đầu gian khó của Cách mạng Việt Nam.”
Bà Công Thị Thu xúc động nói
Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh Bác Hồ, vì những đóng góp của mình cho cách mạng, bà Thu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Bà đã mang tấm huy hiệu đến Quảng trường Ba Đình để báo với Bác Hồ rằng, "Bác ơi, con đã trọn đời thực hiện theo lời Bác dặn!".