“Ngôi sao” trường nghề
Tôi đến khi anh Phạm Văn Hoàng (Biên Hòa, Đồng Nai) đang tập trung hướng dẫn các học viên tỉa con rồng từ quả bí ngô. Nhìn những động tác điêu luyện cộng với lối giảng dễ hiểu, ít ai biết anh Hoàng từng học chưa đến cấp 3.
Sau khi học hết THCS, anh Hoàng xin đi phụ bếp cho một nhà hàng. Trong quá trình làm, anh phát hiện ra mình rất thích tỉa các loại trái cây. Bất cứ loại củ, quả nào anh cũng tưởng tượng ra được hình dáng những con thú hay bông hoa đáng yêu.
Anh đã đăng ký học nghề tại công ty dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Giờ đây, ở tuổi 27, anh Hoàng đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể. Anh từng đạt Huy chương bạc cuộc thi đầu bếp Việt Nam tài năng năm 2015, 1 Huy chương vàng và 1 Huy chương đồng tại cuộc thi THAIFEX - World of Food Asia 2015. Anh tự mở tiệm cắt tỉa với các đơn đặt hàng dày đặc đến từ các nhà hàng, resort nổi tiếng. Bên cạnh đó, anh còn là giáo viên dạy nghề tại công ty Rosa.
“Thời gian đầu tôi cũng cảm thấy buồn khi nhìn bạn bè học lên cao. Nhưng giờ nhìn lại, tôi tự tin là mình đi đúng hướng. Cho nên, lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là nên học những gì mình thích, mình đam mê.
Để học nghề thành công thì có thể vừa học vừa làm ở trung tâm nghề hoặc theo học ở một thầy dạy nghề giỏi. Đường đi đến tương lai không chỉ có con đường đại học đâu, thành công phụ thuộc vào sự cố gắng của bản thân”- anh Hoàng chia sẻ.
Ở góc độ phụ huynh, chị Lê Trang, phụ huynh em Châu Ngọc Linh, HS trường THCS Bình Tây (Q.6, TPHCM) chứng kiến rất nhiều con em của họ hàng ra trường phải chạy khắp nơi xin việc. Nhiều nhà còn ôm “cục nợ” vì vay vốn sinh viên nhưng con ra trường làm trái ngành hoặc thất nghiệp. Nên chị sẽ cho con theo học nghề may tại Khoa Thiết kế thời trang của trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TPHCM sau khi con tốt nghiệp THCS.
“Từ nhỏ, cháu nhà tôi được tiếp xúc với nghề may của gia đình nên cháu cũng rất thích nghề này. Gia đình tôi có xưởng may gia công với gần 20 công nhân. Tôi đã hỏi ý kiến con và hướng cho cháu đi học may chuyên nghiệp từ trường nghề rồi sau này về mở rộng xưởng. Vợ chồng tôi thì làm nghề từ tay ngang đi lên, không qua trường lớp nào. Tôi muốn con đi học nghề còn bởi giờ học lên cao chưa chắc đã xin được việc mà còn mệt mỏi vì áp lực thi cử”- chị Trang tâm sự.
Liên thông ngược
Nhiều HS vì quá áp lực học tập mà dẫn đến trầm cảm hoặc nghĩ quẩn. Gần đây, vụ việc nam sinh T.T.C (lớp 10, trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến, TP HCM) nhảy lầu tự tử vì không đạt được kỳ vọng của cha mẹ, khiến ai cũng đau lòng, xót xa.
Tư tưởng sính bằng cấp vẫn tồn tại, ai cũng đua cho con cái vào “trường chuyên lớp chọn”, lên đại học. Để rồi hàng chục ngàn tấm bằng vẫn nằm im trong ngăn tủ, bởi chủ nhân của chúng thất nghiệp, làm trái nghề hoặc “liên thông ngược” - trở lại học nghề. Trong khi, học nghề có rất nhiều ưu điểm.
3 ưu điểm không thể phủ nhận của hình thức đào tạo nghề là rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí, khi tốt nghiệp HS sẽ có hai văn bằng tốt nghiệp là bằng THPT và bằng nghề. Sau 3 năm học, các em có thể đi làm, hỗ trợ gia đình, hoặc có thể tiếp tục học lên cao.
Theo TS Nguyễn Hùng Cường, Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng (thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam đóng trên địa bàn TPHCM): “Nếu so với HS tốt nghiệp THCS thì HS tốt nghiệp THPT sẽ học nghề muộn hơn các em tốt nghiệp THCS 3 năm, đồng nghĩa với việc ra thị trường lao động muộn hơn.
Trong xã hội hiện nay, tham gia thị trường lao động sớm có ý nghĩa rất lớn vì kinh nghiệm chủ yếu đến từ quá trình làm việc thực tế. Học gì không quá quan trọng mà là học xong sẽ làm gì để phát triển nghề nghiệp tương lai ổn định mới thực sự có ý nghĩa” .
Về mặt chính sách thì việc học nghề được miễn phí và hỗ trợ chi phí học tập do có kinh phí hỗ trợ dưới hình thức "Miễn giảm, cấp bù học phí" theo nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Trong khi HS tốt nghiệp THPT học nghề thì chỉ được hưởng chính sách miễn giảm học phí ở các mức 50% và 70% với các nhóm đối tượng là con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số.
Một lần nữa, chúng ta cần nhìn nhận rằng trong cuộc sống có rất nhiều người làm việc và nỗ lực hết mình để thành công, những con người ấy không có được một “bệ đỡ” tốt đó là tấm bằng THPT hay đại học nhưng điều quan trọng là họ có nghị lực và hiểu được năng lực bản thân ngay từ đầu.
TPHCM là địa phương đi đầu về kinh tế trong cả nước nên nhu cầu tuyển dụng sẽ cao hơn các tỉnh khác. Theo báo cáo từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong giai đoạn 2018-2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 77,94%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 13,14%, sơ cấp nghề chiếm 10,18%, công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm cao nhất 29,76%, trình độ cao đẳng chiếm 17,38%, trình độ đại học trở lên chiếm 7,48%. |