Học nghề sau THCS: Tại sao nhiều phụ huynh e dè cho con học nghề?

12/05/2018 - 15:00
Chuyển tiếp từ bậc THCS lên trung cấp nghề có nhiều ưu điểm như: Hình thức đào tạo này rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được chi phí, khi tốt nghiệp học sinh sẽ có hai văn là bằng THPT và bằng nghề. Sau khi học, các em có thể đi làm, hoặc có thể học lên cao. Thế nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều gia đình e dè trong việc lựa chọn phương án học nghề cho con.

Sức ép từ quan điểm “thợ - thầy”

Tư tưởng sính bằng cấp hiện nay còn khá phổ biến trong xã hội. Gia đình nào cũng muốn con vào lớp 10 THPT, dù biết sức học của con có thể không thể cạnh tranh lại với bạn bè. Bên cạnh đó, tâm lý chọn nghề chung của học sinh cũng mang tính may rủi, thiếu thông tin chọn nghề, nghe theo sự áp đặt của người lớn; theo thời thượng; chọn nghề dễ kiếm tiền... mà không cần biết có phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân hay không?

 “Em không thích đi học nghề vì rất ngại với bạn bè bởi mọi người thường nghĩ chỉ học kém mới đi học nghề. Học lực của em chỉ trung bình thôi nhưng em vẫn đăng ký thi vào trường THPT Nguyễn Tất Thành, đậu rớt ra sao thì thi xong tính tiếp”- Lê Hoàng Mỹ, học sinh trường THCS Bình Tây (Q.6, TPHCM) bộc bạch.

Một học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6, TPHCM) cũng chia sẻ: “Em muốn học lên cao- dù chưa biết chọn ngành nào- để sau này không phải làm việc chân tay nặng nhọc, ba mẹ em cũng mong điều đó”.

Nhiều phụ huynh “mặc định” suy nghĩ, dù thế nào con cũng phải học cấp 3, đỗ đại học bằng mọi giá, không cần biết học xong có tìm được việc làm hay không. Điều này càng gây sức ép cho nhà trường và học sinh. Nếu có định hướng phù hợp, cả nhà trường, gia đình và bản thân các em sẽ không phải vất vả một cách vô ích chỉ để đối phó với một kỳ thi.

thinghethcs1_xaaa.jpg
Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
 

Với những gia đình eo hẹp về kinh tế thì cho con em đi lao động kiếm “tiền tươi” ngay, hoặc tạo điều kiện để con học nghề cấp tốc ở một số cơ sở. Cô Vũ Thị Kim Chung, Phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Diên Hồng (Q.10, TPHCM) chia sẻ:

“Việc học sinh không tham gia học nghề, bỏ học giữa chừng ra đời, đi làm sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến tương lai. Bởi các em chưa đủ tuổi lao động nên không một công ty, xí nghiệp nào dám kí hợp đồng lao động với các em. Như vậy, những quyền lợi mà luật lao động quy định dành cho người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp... các em sẽ không được hưởng. Chẳng may, xảy ra sự cố trong quá trình làm việc thì hậu quả chỉ có các em và gia đình gánh chịu”.

Dù các trường nghề có nhiều biện pháp thu hút học viên nhưng chính suy nghĩ “bằng cấp”, quan niệm “thợ - thầy” ở một bộ phận phụ huynh và học sinh sẽ khiến công tác phân luồng học sinh, hướng nghiệp cho các em gặp nhiều khó khăn.

“3 khó” của trường nghề

Tuyển sinh là khâu khó nhất với các trường nghề. Thứ hai là việc phân luồng chưa hợp lý, gặp nhiều vướng mắc. Thứ ba, năng lực của các cơ sở dạy nghề cũng là nguyên nhân khiến việc đào tạo nghề gặp khó.

Nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, chất lượng đào tạo của các trường còn nhiều hạn chế, đầu ra yếu về chuyên môn, thiếu các kỹ năng mềm cần thiết.

Các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều học viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Một số doanh nghiệp cho rằng: Rất nhiều lao động được tuyển dụng đều phải trải qua các chương trình đào tạo bổ sung.

Ngoài ra, một số ngành nghề đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân khiến phụ huynh và chính các học sinh không mặn mà với trường nghề.

Bài sau: Giải pháp thu hút học sinh học nghề đúng hướng

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM: “Sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề đã có nhiều tiến triển. Tuy vậy, sự liên kết này chưa mang lại hiệu quả cao. Việc đào tạo vẫn chưa thật sự bám sát vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm