Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát huy hiệu quả từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Văn Bốn
31/10/2022 - 07:01
Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát huy hiệu quả từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 939), các cấp Hội LHPN trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động từng bước nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (huyện Phong Điền) là một trong những hội viên tham gia vòng thi cấp vùng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN phát động, không chỉ tập trung tiếp cận tín dụng mà còn chú trọng xây dựng năng lực khởi nghiệp cho phụ nữ, từ kiến thức, kỹ năng, kết nối các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm, đăng ký thương hiệu… nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất kinh doanh của chị em trong xu thế nền kinh tế số, kinh tế xanh, bền vững.

Huế: Phát huy hiệu quả từ đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 1.

Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, góp phần tăng thu nhập

Nhờ được hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp, chị Thu Hiền đầu tư khai trương thêm cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm chất lượng cao “Cây Hibicus Sabdariffa” (Atiso đỏ). Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao, từng bước đưa thương hiệu cây Atiso đỏ Phong Điền có chỗ đứng nhất định không chỉ tại thị trường trong tỉnh, mà còn phổ biến rộng rãi đến các tỉnh bạn. Chị Thu Hiền cũng là một trong 2 chủ dự án gọi vốn thành công 1 tỷ đồng tại Chương trình gọi vốn cho doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hue - Pitching 2021.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 4 hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo với gần 100 gian hàng, hàng trăm các sản phẩm và ý tưởng sáng tạo của phụ nữ, các cá nhân đã đạt giải trong cuộc thi Khởi nghiệp. 

Thành lập và duy trì hiệu quả 6 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, 78 tổ liên kết trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Từ quá trình vận động thành lập và đi vào hoạt động, các cấp Hội tiếp tục theo dõi, hỗ trợ về nhiều mặt như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết nối thị trường, các doanh nghiệp để tiêu thụ sản; tập huấn quản lý tài chính, nhân sự, cách thức vận hành hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết; hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm; đề xuất, kết nối với các Ban, ngành liên quan hỗ trợ các mô hình được thụ hưởng chính sách ưu đãi về mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất cải tiến quy trình sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Huế: Phát huy hiệu quả từ đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 2.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo

Qua đó, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên phối hợp với các sở/ban/ngành chức năng tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm có quy mô lớn trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nữ tìm kiếm đối tác thúc đẩy quảng bá sản phẩm, tăng cương giao lưu hợp tác kinh tế. Nhiều doanh nghiệp nữ đã phát triển và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ cũng như liên doanh, liên kết, phát triển thêm các nhà phân phối tại các thị trường như: TP.HCM, Hà Nội, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tham gia 23 phiên chợ đưa hàng Việt về với vùng nông thôn và miền núi. Các sở/ban ngành hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Với sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp ban/ngành, của các cấp Hội đã có 2.652 phụ nữ được giúp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Phối hợp ban/ngành trong và ngoài tỉnh tổ chức 15 Diễn đàn, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới, sáng tạo.

Đồng thời, công tác truyền thông về hoạt động phụ nữ khởi nghiệp thường xuyên được đăng tải trên chuyên mục; Xây dựng 9 câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp tại huyện/thị/thành phố với hơn 300 phụ nữ khởi nghiệp tham gia, các thành viên của Câu lạc bộ nắm bắt được chủ trương chính sách liên quan, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng đến các cấp Hội, địa phương để hỗ trợ trong việc phát triển mô hình kinh doanh.

Bà Trần Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" của Chính phủ bước đầu tạo thay đổi trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh. Đề án đã thể hiện được vai trò kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng nhiều chương trình để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển. Hoạt động hỗ trợ hướng đến các đối tượng phụ nữ, nông thôn, thành thị; quan tâm phụ nữ yếu thế, khuyết tật, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Huy động các nguồn lực từ xã hội, các tổ chức quốc tế. Nhiều ý tưởng, đề án được hiện thực hóa và tăng trưởng về quy mô sản xuất, kinh doanh, vươn ra thị trường ngoài tỉnh; nhiều sản phẩm khẳng định thương hiệu và trở thành sản phẩm OCOP.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng hoạt động đổi mới, sáng tạo, nhằm không ngừng học tập, nâng cao trình độ, khoa học - kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm