Khơi dậy sự sáng tạo của phụ nữ Huế trong phong trào khởi nghiệp

Bài, ảnh: Hải Huế
16/03/2021 - 11:45
Khơi dậy sự sáng tạo của phụ nữ Huế trong phong trào khởi nghiệp

Chị Nhung khởi nghiệp thành công với “Bột ngũ cốc Phong An”

Tạo điều kiện về nguồn vốn vay, hướng dẫn hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm… đang được Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Những mô hình hiệu quả

Năm 2011, sau khi lấy chồng ở xã Phong Hiền, tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Nguyễn Thị Nhã Phương bắt đầu khởi nghiệp từ nghề làm mì sợi sấy khô. Chị Phương cho biết: Ban đầu khởi nghiệp do khó khăn về vốn, ngoài số tiền tích góp ít ỏi, gia đình chị phải vay mượn nhiều nơi thêm 150 triệu đồng để mua máy trộn, máy cán, máy cắt để làm nghề. Năm 2019, được Hội LHPN huyện Phong Điền tín chấp cho vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình chị đã mở rộng nhà xưởng, mua thêm 2 máy cắt.

Huế - Khơi dậy sáng tạo của phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp - Ảnh 1.

Sản phẩm “Mì sợi sấy khô Mạnh Cường” của chị Nguyễn Thị Nhã Phương xã Phong Hiền

Với thương hiệu sản phẩm “Mì sợi sấy khô Mạnh Cường” sạch, an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý nên sản phẩm được nhiều người đón nhận. Thị trường sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà vươn ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình…, tạo việc làm cho thêm cho 4 đến 5 lao động tại địa phương. Doanh thu từ nghề mì sợi ngày một tăng, giúp gia đình chị dần ổn định cuộc sống và có của ăn của để.

Khởi nghiệp với nghề sản xuất bột ngũ cốc từ năm 2017, đến nay, thương hiệu “Bột ngũ cốc Phong An” của chị Hoàng Thị Cẩm Nhung được nhiều người biết đến. Chị Nhung cho hay: “Bột ngũ cốc có nhiều dinh dưỡng hợp với nhiều lứa tuổi, nhất là người già, trẻ nhỏ nên ban đầu tôi làm để sử dụng trong gia đình. Nhận thấy nhiều hộ gia đình khác cũng có nhu cầu, nên với nguồn vốn ban đầu là 100 triệu đồng cộng với vốn vay khởi nghiệp 50 triệu đồng từ Hội LHPN huyện, tôi đã mở rộng sản xuất”. Hiện mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất được 400 kg bột ngũ cốc, doanh thu 70 triệu đồng. Trừ vốn nguyên liệu, chị lãi gần 20 triệu đồng/tháng.

“Để tạo lòng tin cho khách hàng và có chỗ đứng cho sản phẩm bột ngũ cốc, tôi luôn lấy uy tín làm đầu”, chị Nhung khẳng định. Theo đó, nguyên liệu làm bột chị lấy nông sản sạch từ các vùng, như: nếp ở A Lưới, gạo lứt Phú Vang, các loại đậu Phong Điền… Hạt cao cấp được chị nhập từ các công ty có tiếng tăm trong cả nước. Sản phẩm bột ngũ cốc được chị giới thiệu trên trang mạng nên có mặt cả trong Nam ngoài Bắc. Hướng sắp tới của chị là sẽ đưa sản phẩm vào siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn…

Khởi nghiệp với cây Atiso đỏ từ năm 2015 với 2 bàn tay trắng và một ít hạt giống, đến nay, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Phong An) đã trồng, phát triển lên 4ha của gia đình; đồng thời phát triển vùng nguyên liệu với 30 ha trong 180 hộ dân của 5 xã Phong An, Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Xuân, thị trấn Phong Điền. Hoa tươi của cơ sở chị đã có thị trường tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng 5 sản phẩm từ hoa Atiso đỏ đã có mặt ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Chị Hiền thổ lộ: Nhờ sự hỗ trợ vốn vay của Hội LHPN huyện, chị đã đầu tư thêm máy móc chế biến sản phẩm từ hoa Atiso đỏ; đồng thời thành lập Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol. Tháng 5/2021, công ty sẽ mở tour du lịch trải nghiệm nghề, tham quan vùng hoa, phát triển dịch vụ du lịch đối với sản phẩm cây Atiso đỏ, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Đồng hành cùng phụ nữ

Những năm qua, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp khả thi để phát triển kinh tế. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động hướng dẫn khởi nghiệp, khai thác, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp về thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Huế - Khơi dậy sáng tạo của phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp - Ảnh 2.

Phụ nữ Phong Điền, Huế đã có nhiều sáng tạo trong phong trào khởi nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả như: Chăn nuôi bồ câu Điền Hòa, nấm sò Phong Mỹ, xúc xích Phong An, bánh cơm chiên giòn Phong Thu, nuôi thỏ Phong Chương, trang trại tổng hợp Phong Chương, vùng nguyên liệu tràm dược liệu Phong Xuân… Nhiều phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, đồng thời hỗ trợ chị em khác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng với nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Theo chị Trần Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền: “Từ khi triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Huyện hội đã giải ngân cho 8 chị với số tiền 550 triệu đồng, giúp các chị đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hội xây dựng mô hình “Câu lạc bộ khởi nghiệp” gồm 30 thành viên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Qua sự giúp đỡ của hội, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình, năng động, dám nghĩ dám làm với các mô hình kinh tế thành công. Thời gian tới, Huyện hội sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các mô hình, các tổ liên kết, các tổ hợp tác phát triển kinh doanh khởi nghiệp bằng việc hỗ trợ nguồn vốn vay cũng như hướng dẫn khởi nghiệp, khai thác nguồn vốn vay có hiệu quả”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm