Những thân chuối ngổn ngang số phận
Hàng vạn cây chuối đổ la liệt, nằm rạp xuống mặt đất, những buồng chuối xanh còn ứa nhựa vương vãi trên khắp các cánh đồng, những buồng chuối vàng ối vừa độ chín tới ngổn ngang ngoài đồng không ai nhặt. Ở những thân chuối còn gượng đứng được, cũng không tránh khỏi bộ dáng ngả nghiêng khi bị những buồng chuối đương sai kéo oằn mình xuống đất.
Trên đường làng, không còn bộ dáng tất tả của những người dân chân đi ủng, mặc áo chống nắng... chạy xe máy ngược xuôi, trên môi cười nụ chở những buồng chuối to và nặng trĩu từ vườn về nhà, hay những câu hỏi xã giao của nhà nông "Năm nay được mấy tấn?", "5 tấn chú à!", "Chuối nhà có to không?", "Cũng khá, nhích hơn năm trước một chút!"... Thay vào đó là những bộ dạng vất vưởng, những đôi mắt buồn rười rượi, vô hồn nhìn về hướng những cánh đồng.
Đó là thực trạng diễn ra ở xã Đại Tập (huyện Khoái Châu) trong hơn 2 tháng qua. Vào những ngày này, khi mà dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến đời sống của những hộ trồng chuối nơi đây lại thêm một lần bị đe dọa.
Năm 2019, toàn huyện Khoái Châu trồng 905 ha chuối với diện tích tập trung phần lớn ở 3 xã Đại Tập, Tân Châu và Đông Ninh. Hiện nay tổng diện tích trồng chuối ở xã Đại Tập vào khoảng 300 mẫu (tương đương 108 ha), trong đó cơ bản là trồng chuối tây.
Chia sẻ về tình hình trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Đại Tập cho biết: "Do ảnh hưởng của đợt mưa bão dịp Tết Canh Tý 2020, khiến diện tích trồng chuối của xã Đại Tập bị thiệt hại khoảng 100 mẫu, ước tính số tiền thiệt hại lên tới 10 tỷ đồng".
Hiện nay, trên địa bàn còn khoảng 200 mẫu đang trong thời kỳ thu hoạch, nếu so với mức giá hàng năm thì vào thời điểm này giá chuối rơi vào khoảng 8.000 đồng/kg, nhưng sang năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến thị trường Trung Quốc hầu như đóng bị băng. "Trong khi đó, nguồn hàng của chúng tôi đang vào thời kỳ rộ, lại không có người thu mua, dẫn đến việc chuối bị rớt giá xuống còn 3.000-3.500 đồng/kg, và phải là chuối đẹp thì nông dân mới bán được. Với giá cả và tình hình như thế này thì các hộ dân hoàn toàn bị thua lỗ", ông Tuấn thông tin.
“Cơ bản, nguồn hàng của Đại Tập vẫn phụ thuộc nhiều vào tư thương, chưa có một chuỗi liên kết nào”
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Đại Tập
"Chất lượng sản xuất chuối không đồng đều, nên không xuất khẩu được sang các nước châu Âu mà chỉ xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc với giá thành thấp, bị lệ thuộc. Chẳng hạn, vào thời điểm này Trung Quốc có dịch, cửa khẩu có thời điểm tạm ngừng thông quan, khiến thị trường tiêu thụ ngoài nước bị đóng băng, trong khi thị trường nội địa tiêu thụ không kịp."
Chị Nguyễn Thị Hoa, hộ dân trồng chuối lâu năm ở xã Đại Tập chia sẻ.
Được biết, thị trường tiêu thụ chuối của xã Đại Tập chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trước kia, trên địa bàn có một số doanh nghiệp tư nhân (Công ty TNHH Thuận Tâm Thành....) đứng ra thu mua chuối để xuất khấu, nhưng hiện nay số doanh nghiệp này đã chuyển địa bàn hoạt động vào miền trong, dẫn đến đầu ra của các hộ trồng chuối nơi đây luôn trong tình trạng bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương.
Là một trong những hộ trồng chuối lâu năm trên địa bàn, chị Lê Thị Hương (thôn Ninh Tập, xã Đại Tập) cho biết, nhà chị có diện tích trồng chuối khoảng 3 mẫu, nhưng do ảnh hưởng bởi đợt mưa bão tháng giêng khiến 90% diện tích chuối trên bị đổ. Sau bão lại chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thị trường bị ngưng trệ, chuối không tiêu thụ được.
"Đến thời điểm này, chuối đẹp mới bán được 4.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm năm ngoái tôi bán được từ 7.000-10.000 đồng/kg, với giá đó bình quân mỗi buồng bán được 100.000 đồng, cho thu nhập mỗi sào được từ 7-8 triệu đồng. Cho nên, với giá cả trên thì năm nay, nhà tôi một sào được 2-3 triệu đồng cũng không nổi, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng", chị Hương tâm sự.
Đối với số chuối chín hoặc chuối xấu mà thương lái không mua, chị Hương tranh thủ chở sang Phú Xuyên (Hà Nội) bán được được bao nhiêu thì bán, cũng có lúc bán được 30.000-50.000 đồng/buồng. Còn những loại chuối chín không có người mua thì để chín thối ở gốc, vì cho cũng không có người lấy, mà mang về cho lợn - gà ăn cũng không xuể".
Ông Dương Văn Anh (xã Đông Ninh), một thương lái lớn trên địa bàn huyện Khoái Châu cho biết, "Bên thị trường Trung Quốc vẫn đang cần chuối nhiều, nhưng họ cần đẹp chứ không lấy hàng xấu. Trong khi, trên địa bàn huyện do ảnh hưởng từ mưa bão nên chuối bị đổ nhiều, chuối đổ dẫn đến chất lượng chuối xấu nên không xuất sang được Trung Quốc".
Thương lái thu mua, đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc
Việc tiêu thụ chuối gặp khó khăn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của các hộ dân, bởi với đặc thù đất phân theo khẩu nên mỗi hộ dân trung bình chỉ có 2-3 sào, còn lại hầu hết các hộ dân đều phải đi thuê đất ở những thôn khác với giá bình quân là 1 triệu đồng/sào/năm. "Những thôn này có quỹ đất nhưng không có mục đích canh tác vì đã có làng nghề riêng, nên sẽ tạo điều kiện cho các thôn khác thuê", chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Ninh Tập, xã Đại Tập), hộ dân trồng chuối cho hay.
Để có tiền thuê đất, đặc biệt là để mua giống (trung bình 10.000 đồng/giống), phân bón... để tiến hành sản xuất nông nghiệp, các hộ dân trồng chuối chủ yếu đều vay vốn ngắn hạn của ngân hàng. Tuy hiện tại đã đến kỳ hạn phải trả nhưng do chịu ảnh hưởng nặng nề từ "thảm họa kép" (thiên tai, dịch bệnh) cùng lúc, nên nhiều hộ dân đang gặp khó khăn cho việc chi trả, thậm chí có hộ dân còn lâm vào cảnh không đủ khả năng chi trả.
Lâm vào hoàn cảnh trên, chị Đỗ Thị Thu (thôn Nhân Lý, xã Đông Ninh) cho biết, "Năm vừa rồi, tôi có vay vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất chuối nhưng bị thiệt hại nặng nề do mưa bão và dịch bệnh năm nay, nên hiện tại tôi không đủ khả năng để chi trả số tiền đã vay ngân hàng".
"Trước thực trạng này, địa phương đã báo cáo về tình hình thiệt hại của bà con lên cấp trên. Hiện tại với nguồn ngân sách địa phương vẫn chưa có kinh phí để hỗ trợ cho bà con. Tuy nhiên, địa phương đã chỉ đạo các hội, các hộ nông dân trồng chuối nhanh chóng chặt những cây chuối bị thiệt hại để chuẩn bị vào vụ mới, đảm bảo làm sao kịp thời vụ, cũng như thời điểm bán năm sau.
Về chính sách, UBND xã có giao cho các tổ chức hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,…) đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất phân lân, cố gắng có nguồn phân bón hỗ trợ bà con nông dân với hình thức cung ứng trước và trả chậm trong vòng 6 tháng. Đây là chính sách thiết thực để bà con tiếp tục triển khai vụ mới.
Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng chung đến việc cung cấp, tiêu thụ hàng hóa của nhân dân, nên UBND xã cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) cùng các cơ quan nhà nước có động thái giảm lãi suất cho bà con nông dân đã vay ngân hàng để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả ở xã Đại Tập nói riêng và huyện Khoái Châu nói chung", ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Đại Tập cho biết.
Nước mắt người trồng chuối
Tuy rằng, phải hứng chịu thiệt hại nặng nề trong vụ chuối năm nay, nhưng những hộ dân ở xã Đại Tập và xã Đông Ninh chưa từng nghĩ sẽ chuyển đổi sang trồng cây khác trong năm tới đây. Chưa nghĩ, phần vì đã bỏ hết vốn liếng vào sản xuất chuối, "Vẫn phải trồng thôi, vì bây giờ đang làm dở dang, bỏ đi thì biết bấu víu vào đâu", chị Đỗ Thị Thu chia sẻ. Phần vì nếu có chuyển sang cây khác thì họ cũng lo lắng rằng lại lâm vào kết cục như cây chuối ngày nay- không có đầu ra, mất giá.
Cũng có một phần quan trọng hơn, đó là vì cái nghĩa tình với loại cây trồng này, bởi ai lớn lên trên mảnh đất này cũng từng hiểu nhờ trồng chuối mà căn nhà được xây mới lại, cái sân được rải xi măng, con cái được ăn học đàng hoàng. Dẫu rằng, đó thực chất là thành quả lao động từ sự cần cù của chính họ, bởi để thu hoạch một cây chuối tiêu người nông dân phải mất 12 tháng chăm bẵm (phạt tàu, dọn cỏ, phun thuốc...), còn đối với cây chuối tây là 15 tháng. Với quãng thời gian ấy, sự gắn bó giữa người và chuối cũng ngày một tăng lên, chuối được giá thì người mát lòng hởi dạ, chuối rớt giá thì người khổ, tâm trạng não nề mãi không dứt ra được.
Những ngày này trên những cánh đồng chuối, bên cạnh những thân chuối đổ còn ngổn ngang, người ta thấy từng bóng người chân lấm tay bùn đang cố gắng gượng dậy để thu dọn cảnh tan hoang. Những thân chuối chưa đổ, người cố gắng chăm để chuối nuôi buồng ngày càng thêm bự (chuối đẹp bán được 4.000 đồng/kg), những thân nào đã đổ người dọn vào một góc để chuối nuôi đất rồi sau này đất lại nuôi chuối. Ở những nơi thân chuối đổ xuống, mọc lên khoảng 2-3 cây chuối non lá xanh nõn, người đánh lên và chồng ngay vào chỗ những thân chuối mẹ đã đổ xuống.
Một mùa vụ mới lại dần dà bắt đầu như vậy, những cánh đồng chuối sẽ dần hồi sinh cùng với những hy vọng vào một mùa vụ tốt đẹp hơn của những người nông dân – làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Những hàng chuối được trồng lại, những cây chuối con mọc lên từ chính những thân chuối mẹ đổ xuống
Chị Nguyễn Thị Hoa, đại diện cho các hộ dân nơi đây cấp thiết mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nhanh chóng vào cuộc giúp người dân giải quyết 3 vấn đề:
Một, định hướng, điều tiết vùng cây trồng cho người dân để tránh việc cung vượt quá cầu, được mùa nhưng mất giá.
Hai, đưa kỹ thuật về giúp người dân sản xuất ra sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để có thể cung cấp cho các siêu thị trong nước, xuất khẩu đi những thị trường có lợi nhuận cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ba, tìm đầu ra ổn định, chính ngạch cho người dân, kết nối sản phẩm của người dân với các siêu thị trong nước, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Vào tháng 10/2019, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hưng Yên cho biết, từ năm 2020, sẽ chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng để quản lý và cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu. Với hướng đi này, quả chuối Hưng Yên có thể xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch, và có cơ hội đáp đến các thị trường tiềm năng hơn như Mỹ, Úc, châu Âu.
Mong rằng với bước đi trên sẽ làm cho những ước mong về một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao, ổn định không chỉ của riêng chị Hoa mà còn của người dân Hưng Yên nói chung sẽ sớm trở thành hiện thực. Ngoài cánh đồng những hàng chuối thẳng tăm tắp, những cây chuối non sau một thời gian trồng đã ngả màu xanh đậm, người dân lại tiếp tục gửi gắm niềm hy vọng vào một vụ mùa mới bội thu...