Trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới, ông Joe Biden hoàn thành cuộc chạy marathon dài nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Trong lịch sử hiện đại, chưa ai nỗ lực nghiêm túc trong thời gian dài như vậy để đến với ngôi vị quyền lực nhất thế giới. Sự nghiệp 48 năm của ông Biden còn dài hơn tuổi đời của các Tổng thống John F. Kennedy, Bill Clinton và Barack Obama khi họ đắc cử.
JOE BIDEN
* Sinh ra ở Scranton, bang Pennsylvania; sống ở Wilmington, bang Delaware.
* Học tại Đại học Delaware và sau đó nhận bằng luật tại Đại học Syracuse.
* Trở thành thượng nghị sĩ năm 1972 và phục vụ 6 nhiệm kỳ, đại diện bang Delaware.
* Phó tổng thống Mỹ 2 nhiệm kỳ (2009 - 2017).
* Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ năm 1988, 2008 và 2020.
* Lựa chọn Thượng nghị sĩ California Kamala Harris làm người đồng hành tranh cử của mình.
* Ủng hộ các vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới
Ông Joe Biden tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jr., sinh ngày 20/11/1942 tại Scranton, Pennsylvania (Mỹ). Năm 7 tuổi, khi còn đang ngồi trên ghế tiểu học, Joe Biden đã viết vào một tờ giấy ước mơ của mình: Trở thành tổng thống Mỹ.
Năm 1955, gia đình ông Biden đã chuyển đến Mayfield, Delaware. Năm 1965, ông Biden tốt nghiệp cử nhân Đại học Delaware. Một năm sau, ông kết hôn với người vợ đầu Neilia Hunter, hai người sau đó đã sinh hạ 3 người con: Joseph Biden III (1969), Hunter Biden (1970) và Naomi Biden (1971).
Năm 1968, ông Biden tiếp tục nhận bằng cử nhân Luật tại Đại học Syracuse, New York, sau đó trở về Delaware hành nghề luật sư trong một thời gian ngắn. Năm 1970, ông được bầu vào hội đồng hạt New Castle, giữ vị trí nghị viên cho đến năm 1972. Năm 1971, ông thành lập công ty luật riêng.
Năm 1972, ông Biden trở thành thượng nghị sĩ Delaware ở tuổi 30 - thượng nghị sĩ trẻ thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ - sau đó tiếp tục tái đắc cử 6 nhiệm kỳ, phục vụ một cách xuất sắc tại Thượng viện cho tới năm 2009. Trong giai đoạn này, sự nghiệp chính trị của Biden phát triển rực rỡ. Ông nằm trong một số ít chuyên gia về chính sách đối ngoại được trọng vọng, leo đến chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thượng viện.
Gần như cứ 4 năm 1 lần kể từ năm 1980, Biden đều cân nhắc tranh cử tổng thống nhưng ông có lẽ chưa gặp thời. Năm 1988, Biden tranh cử tổng thống ở tuổi ngoài 40 với tư cách người đại diện cho thế hệ mới. Tuy nhiên, ông phải từ bỏ giữa chừng vì những cáo buộc đạo văn một bài phát biểu.
Năm 2008, Biden thử sức lại, lần này với tư cách một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm. Song, một lần nữa, ông phải thất vọng khi chứng kiến mọi sự chú ý đều chỉ tập trung vào 2 gương mặt nổi tiếng của đảng là thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Barack Obama. Năm 2016, với tư cách phó tổng thống sắp mãn nhiệm, Biden cân nhắc tranh cử nhưng quyết định rút lui khi mọi sự ủng hộ của đảng đều hướng về Hillary Clinton.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2020 là nỗ lực đáng kể nhất của Joe Biden. Ông vươn xa hơn hẳn những cuộc bầu cử trong quá khứ. Năm 2019, ông Biden tham gia ứng cử vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sơ bộ. Tháng 8/2020 ông chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và lựa chọn Thượng nghị sĩ California Kamala Harris làm người đồng hành tranh cử của mình. Sau nhiều ngày nỗ lực trong cuộc chạy đua vận động bầu cử quyết liệt với đối thủ là Tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden đã chạm tay tới chiến thắng.
Ông Biden giữ chức Phó tổng thống từ năm 2009 tới 2017 dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và có mối quan hệ thân thiết với vị Tổng thống Mỹ thứ 44 này. Thời gian này, ông đã hướng tới giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng tới nữ giới như thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về tình trạng phổ biến của bạo lực tình dục ở các trường đại học và trong giới trẻ. Thêm vào đó, việc ông Biden đã đồng tài trợ Đạo luật Bạo lực Chống Phụ Nữ - VAWA đã giúp giảm bạo lực gia đình chống phụ nữ tại Mỹ xuống 64%.
Tôi biết Joe. Ông ấy là một người tốt, hiểu được nỗi khó khăn của người bình dân. Joe luôn phục vụ đất nước này dù trải qua những bi kịch không thể hình dung - mất vợ cùng con gái nhỏ lúc trẻ và sau này mất luôn con trai cả. Ông dựa vào đức tin sâu thẳm để vượt qua, không bao giờ hoài nghi, luôn sẵn lòng nhìn vào giá trị con người trong tất cả chúng ta... Với tinh thần và quyết tâm đó, Joe chính là tổng thống chúng ta đang cần, một người sẽ luôn đặt lợi ích đất nước lên trên bản thân, người sẽ mang nền kinh tế trở lại quỹ đạo cũ, đảm bảo mọi gia đình có thể vực dậy trong cuộc sống.
Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama
Ông Biden còn ủng hộ các vấn đề khác liên quan đến phụ nữ như sự bình đẳng trong đại diện tại Quốc hội và mức lương bình đẳng cho phụ nữ. Ứng cử viên này đã tạo cơ hội để có thêm nữ giới chạy đua vào Thượng viện vào đầu thập niên 1990 và khuyến khích họ tham gia Ủy ban Tư pháp. Ngoài ra, ông cũng đảm bảo mọi nữ nhân viên của mình được trả lương trong suốt thời gian nghỉ thai sản - một phúc lợi cực kỳ hy hữu dành cho phụ nữ trong thập niên 90.
Năm 2017, ông Joe Biden rời cương vị Phó Tổng thống với phần thưởng cao quý nhất của quốc gia - Huân chương Tự do Tổng thống - do cựu Tổng thống Barack Obama trao tặng. Ông Obama đã ca ngợi ông Biden là "Phó Tổng thống tốt nhất mà nước Mỹ từng có''.
Rời ghế Phó Tổng thống, tháng 2/2017, ông Biden cùng người vợ thứ hai Jill Biden thành lập quỹ Biden, một tổ chức hoạt động ở 7 lĩnh vực: đối ngoại; sáng kiến về bệnh ung thư; trường cao đẳng cộng đồng và gia đình quân nhân; bảo vệ trẻ em; bình đẳng; chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ; và củng cố tầng lớp trung lưu.
Trong trang web tranh cử của mình, liên danh Joe Biden - Kamala Harris có nêu rõ những chương trình nghị sự dành cho phụ nữ gồm: Đảm bảo công việc cho phụ nữ, chấm dứt bạo hành, bạo lực giới, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong y tế với nữ giới, bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, chương trình hành động này của liên danh Biden - Harris còn bao gồm duy trì cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Họ cho biết sẽ sử dụng ngân sách liên bang để đầu tư cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, miễn học phí các trường cao đẳng và đại học công lập cho mọi gia đình có thu nhập dưới 125.000 USD và cấp tín dụng thuế lên tới 8.000 USD cho các gia đình có thu nhập thấp và trung lưu để giúp chi trả dịch vụ giữ trẻ.
Ông Biden cam kết sẽ khôi phục nước Mỹ bị đại dịch Covid-19 tàn phá, đồng thời chấm dứt những hỗn loạn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Joe Biden tuyên bố tăng thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng, thông qua cấp ngân sách cho một loạt các đề xuất chi tiêu giúp ích cho nền kinh tế, như cải thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư vào năng lượng sạch.
Với khẩu hiệu "Build back better" (Xây dựng lại tốt hơn), ông chủ trương bãi bỏ các khoản cắt giảm thuế của chính quyền đương nhiệm, đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, nâng thuế thu nhập cá nhân và thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD/h. Ông đưa ra kế hoạch tăng thuế lên 4 nghìn tỷ USD để hỗ trợ cho các chương trình liên bang, đưa nước Mỹ ra khỏi suy thoái, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, hỗ trợ cho các bang, tăng trợ cấp thất nghiệp… Ông có thể thông qua được một số phần trong chương trình nghị sự của mình về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ, đầu tư vào công nghệ xanh và miễn học phí cho sinh viên tầng lớp trung lưu.
Mục tiêu của Biden là xây dựng lại các quan hệ liên minh, nhằm hàn gắn "rạn nứt" trong các mối quan hệ quốc tế của Mỹ, đối phó với khủng hoảng khí hậu, đại dịch Covid-19 thông qua hợp tác giữa các nước. Tham vọng của ông là đưa Mỹ trở lại "vai trò anh cả" của thế giới. Ông sẽ "kiên quyết" và "cứng rắn" trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Với Trung Quốc, dù cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm về những hành vi thương mại không công bằng, ông Biden tỏ ý sẽ giải quyết vấn đề thông qua một nỗ lực quốc tế thay vì phát động cuộc chiến thương mại.
Biden cam kết sẽ hủy bỏ nhiều chính sách của chính quyền Tổng thống Trump: Đảo ngược sắc lệnh của ông Trump cấm công dân từ nhiều quốc gia Hồi giáo nhập cảnh, nối lại tài trợ và khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dừng các nỗ lực phản đối Hiệp định Khí hậu Paris. Ông Biden cam kết sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khối NATO đoàn kết, công bố chính sách "quay trở lại mái nhà chung", đồng thời triệu tập một Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo các nước trong năm đầu tiên làm Tổng thống.
Nhu Thụy (Theo NYT, CNN, Guardian)