KẾ HOẠCH
Hướng dẫn tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
Ngày 15/01/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 sẽ được tiến hành vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016.
Căn cứ trách nhiệm của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được quy định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Kế hoạch hướng dẫn tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Triển khai các hoạt động tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, văn bản phân công nhiệm vụ trong các tổ chức phụ trách bầu cử trong hệ thống Hội, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp Hội trong việc tổ chức các hoạt động để thực hiện tốt chức năng đại điện của tổ chức Hội theo Điều lệ Hội.
Các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân giao.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG THAM GIA BẦU CỬ
1. Nghiên cứu, phổ biến, quán triệt các văn bản về bầu cử và cụ thể hóa Kế hoạch hướng dẫn tham gia bầu cử trong các cấp Hội
Cấp Trung ương:
Tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt các văn bản của Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; kế hoạch hướng dẫn tham gia bầu cử của Đoàn Chủ tịch TW Hội, hướng dẫn giám sát của Hội LHPN Việt Nam năm 2016 tới 63 tỉnh/thành Hội (ngày 04/02/2016).
Các cấp Hội địa phương:
Căn cứ kế hoạch hướng dẫn tham gia bầu cử của Đoàn Chủ tịch TW Hội, hướng dẫn giám sát của Hội LHPN Việt Nam năm 2016 và các văn bản về bầu cử để phổ biến, quán triệt trong cán bộ, hội viên thuộc địa phương phụ trách; cụ thể hóa các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để triển khai trong các cấp Hội.
2. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên trong tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử
Thực hiện có hiệu quả trách nhiệm thành viên trong tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử được quy định theo Luật bầu cử đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân (Điều 17 đối với Hội đồng bầu cử Quốc gia; Điều 23 đối với Ủy ban bầu cử; Điều 24 đối với Ban Bầu cử; Điều 25 đối với Tổ Bầu cử).
Nắm vững lịch hiệp thương và nhiệm vụ của tổ chức phụ trách bầu cử.
Tích cực, chủ động tham gia có chất lượng, hiệu quả các kỳ hiệp thương; kịp thời thông tin về số lượng, cơ cấu, danh sách đại biểu nữ ứng cử ngay sau các lần hội nghị hiệp thương, báo cáo với Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên trực tiếp.
Tham gia kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo quy định.
3. Chủ động tham mưu, giới thiệu, đề xuất phụ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định tại Điều 8 và Điều 9, Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và Hội đồng nhân dân
Cấp Trung ương:
Có công văn chỉ đạo các tỉnh rà soát, lập danh sách các ứng viên nữ tiềm năng thuộc các thành phần báo cáo Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội để tạo nguồn nhân sự nữ đảm bảo đạt tỷ lệ ít nhất 35% (trước Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất);
Trên cơ sở danh sách các tỉnh, thành Hội cung cấp và qua theo dõi của Trung ương, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội lập danh sách cán bộ nữ tiềm năng đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV để đề xuất, giới thiệu với Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Ban Công tác đại biểu, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về số lượng, cơ cấu và danh sách đại biểu là phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc hệ thống Hội và cơ quan chuyên trách Trung ương Hội theo quy định (Từ 24/2 đến 10/3/2016).
Các cấp Hội địa phương:
Báo cáo với cấp ủy về Kế hoạch hướng dẫn tham gia bầu cử của Trung ương Hội.
Căn cứ cách làm của Trung ương (như đã nêu trên) để triển khai thực hiện.
4. Tổ chức tuyên truyền về cuộc bầu cử
Cấp Trung ương:
Xây dựng và phát hành tài liệu sinh hoạt hội viên, phụ nữ về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh/thành cụ thể hóa tài liệu sinh hoạt phù hợp với các đối tượng phụ nữ ở địa phương.
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của Hội (trang web, báo Phụ nữ Việt Nam, báo Phụ nữ địa phương, báo điện tử Phụ nữ Việt Nam, các trang web của Hội Phụ nữ địa phương) xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong bầu cử. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền về bình đẳng giới; về vị trí, vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xã hội, (nhấn mạnh lợi ích khi phụ nữ tham chính). Đồng thời, tuyên truyền về những đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đối với địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm và niềm tin của cộng đồng đối với các nữ ứng cử viên.
Tổ chức gặp gỡ một số cơ quan truyền thông để vận động họ tăng cường đưa các nội dung về bình đẳng giới, hình ảnh và những đóng góp của các nữ chính trị gia tiêu biểu; một số điển hình trên thế giới có tỷ lệ phụ nữ tham chính cao.
Các cấp Hội địa phương:
Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở tổ chức sinh hoạt hội viên theo tài liệu sinh hoạt đã được bổ sung, cụ thể hóa trên cơ sở tài liệu do Trung ương Hội phát hành.
Phối hợp, chủ động cung cấp thông tin cho Ủy ban bầu cử, Ban Tuyên giáo cấp uỷ đề nghị chỉ đạo công tác tuyên truyền đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trong bầu cử.
Tổ chức tuyên truyền tại các cuộc sinh hoạt chi/tổ phụ nữ.
Vận động hội viên, phụ nữ trực tiếp đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; cung cấp cho hội viên, phụ nữ các thông đến bầu cử (thông tin về danh sách ứng cử viên, số lượng đại biểu được bầu; ngày giờ, địa điểm bỏ phiếu, các nguyên tắc cần nhớ khi đi bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử trước khi bỏ phiếu; các tiêu chí để lựa chọn người đại biểu xứng đáng (có thể tham khảo trong tiểu sử của ứng cử viên dán tại đơn vị bầu cử) (trong tuần đầu tháng 5 năm 2016).
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương, viết tin/bài và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới; vai trò, vị trí, những đóng góp của phụ nữ trong xã hội; lợi ích khi phụ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nêu gương các điển hình phụ nữ là đại biểu Quốc hội/Hội đồng nhân dân đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu ở địa phương.
Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại trụ sở cơ quan chuyên trách Hội; phối hợp với cơ quan ban ngành địa phương thực hiện ở thôn, xóm, các trục đường xung quanh nơi diễn ra bầu cử, các phố lớn; chợ phiên ở vùng cao… Đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức đứng chân trên địa bàn làm khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử có nội dung liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới
5. Hỗ trợ nữ ứng cử viên trước và trong kỳ bầu cử
Cấp Trung ương:
Biên soạn giáo trình và tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng giảng viên nguồn là cán bộ Hội cấp tỉnh, cán bộ từ các trường chính trị hoặc các chuyên gia nhằm đảm bảo kiến thức, kỹ năng hỗ trợ nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử.
Tổ chức tập huấn cho nữ ứng cử viên cấp tỉnh lần đầu ứng cử tại các tỉnh/thành ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ (giữa tháng 2, đầu tháng 3 năm 2016).
Các cấp Hội địa phương:
Chủ động đề xuất kinh phí với Ủy ban nhân dân, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ hỗ trợ tổ chức tập huấn cho các nữ ứng cử viên, ưu tiên các nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử; mời các nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu đến chia sẻ kinh nghiệm (trong tháng 2 và tháng 3 năm 2016).
Tích cực giới thiệu chương trình đào tạo trực tuyến Sẵn sàng để thành công (địa chỉ website: www.sansangdethanhcong.com) tới các nữ ứng cử viên tiềm năng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương.
Chủ động hỗ trợ nữ ứng cử viên trong thu thập thông tin, xây dựng chương trình hành động để trình bày trước cử tri.
Phân công cán bộ Hội tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri để hỗ trợ, động viên nữ ứng cử viên (ngay sau khi có danh sách cuối cùng ở vòng hiệp thương lần 3).
6. Công tác kiểm tra và giám sát quá trình bầu cử
Trước và trong quá trình hiệp thương, các cấp Hội cần chủ động kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của tổ chức Hội trong công tác bầu cử và phối hợp với Mặt trận, các tổ chức thành viên kiểm tra, giám sát các khâu trong công tác bầu cử (việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện về công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử; việc đảm bảo tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc tuyên truyền, vận động bầu cử; việc tổ chức bầu cử)
Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bầu cử; kịp thời phát hiện, đề xuất với Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp những nội dung thực hiện chưa đúng pháp luật hoặc chưa đảm bảo để Hội tham gia đầy đủ quyền và trách nhiệm trong bầu cử.
7. Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong hệ thống Hội
Cấp Trung ương: Xây dựng báo cáo đánh giá sự tham gia của các cấp Hội và tình hình nữ được bầu vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 7 - 8 năm 2016).
Các cấp Hội địa phương: báo cáo tình hình nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng như đánh giá sự tham gia của các cấp Hội ngay sau khi có kết quả bầu cử với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội (trong tháng 6 năm 2016).
Căn cứ kế hoạch này, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh/thành chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo sự tham gia đầy đủ, đúng quy trình, chất lượng của các cấp Hội trong tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo kịp thời về Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (qua Ban Tổ chức – Điện thoại: 04.39720068).
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Thị Thanh Hòa