Thịt nhân tạo – bước ngoặt của ngành thực phẩm
Xuất hiện lần đầu vào năm 2013 khi một nhà khoa học Hà Lan công bố hamburger thịt bò được sản xuất trong phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới ở London (Anh) với giá 400.000 đô la. Loại thịt nhân tạo này đã được mệnh danh là “thịt sạch”. Nó nhanh chóng được nhiều công ty đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ protein ngày càng tăng.
Giám đốc điều hành Uma Valeti của công ty Memphis Meats, một trong những công ty nghiên cứu sản xuất thịt nuôi cấy trực tiếp từ tế bào động vật, cho biết: “Tầm nhìn của chúng tôi là đem đến cho khách hàng những gì họ yêu thích, đồng thời có thể hóa giải những thách thức đối với môi trường, phúc lợi động vật và sức khỏe cộng đồng”.
Justin Whitmore, Phó Giám đốc điều hành chiến lược doanh nghiệp và Trưởng ban phát triển bền vững của công ty Tyson Foods - một nhà sản xuất thịt khác cũng đi theo xu hướng thịt nhân tạo - cho hay: “Chúng tôi tiếp tục đầu tư đáng kể vào hoạt động kinh doanh thịt truyền thống của chúng tôi, nhưng cũng tin tưởng vào việc nghiên cứu loại thịt mới này sẽ thêm cơ hội tăng trưởng cho công ty, mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn”.
Có thể trong tương lại thịt nhân tạo sẽ trở thành xu hướng thực phẩm hàng đầu.
Kêu gọi dán nhãn thịt nhân tạo
Trước sự quan tâm và đầu tư ngày càng lớn của các công ty lớn Mỹ và quốc tế vào thịt nhân tạo và việc loại thịt này sẽ lên kệ cùng với thịt truyền thống, ngày 9/2, USCA đã đệ đơn kiến nghị USDA, yêu cầu cơ quan này phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ trên nhãn mác của loại các loại thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm khi đưa ra thị trường để người tiêu dùng nắm được thông đầy đủ về sự khác biệt giữa các sản phẩm thịt tự nhiên và nhân tạo.
USCA cho biết, những sản phẩm thịt thay thế được yêu cầu dán nhãn mác này bao gồm sản phẩm tổng hợp được chế tạo từ thực vật hoặc côn trùng và sản phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có nguồn gốc từ tế bào động vật.
Chủ tịch USCA Kenny Graner cho biết, ghi nhãn sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của tổ chức: “Người tiêu dùng phụ thuộc vào USDA để đảm bảo rằng các sản phẩm họ mua tại cửa hàng tạp hóa phù hợp với mô tả trên nhãn mác của chúng. Vì vậy chúng tôi mong muốn làm việc với cơ quan này để khắc phục nhãn mác của các sản phẩm thịt bò được sản xuất với protein thực vật hoặc côn trùng hoặc được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm”.
USDA hiện đang mở rộng việc thu thập các ý kiến cho bản kiến nghị loại trừ thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm khỏi định nghĩa “thịt bò” và “thịt” của USCA.
Theo USCA: “Các sản phẩm không có nguồn gốc từ động vật, không được nuôi trồng và thu hoạch theo cách truyền thống thì không được phép bán trên thị trường dưới dạng “thịt bò” hoặc rộng hơn là sản phẩm “thịt””.