Giữa nhịp sống hối hả và sự cạnh tranh khốc liệt của ngành thời trang, chị Trần Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc thời trang Cảnh Chi (Dĩ An, Bình Dương), vẫn bền bỉ, kiên cường và giàu lòng nhân ái trên hành trình khởi nghiệp của mình.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Dĩ An (Bình Dương), chị Hạnh là người con duy nhất trong gia đình 9 anh chị em tiếp nối và phát triển nghề cắt may truyền thống mà người mẹ đã dày công vun đắp.
Chị Hạnh bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ một sạp vải nhỏ chỉ vỏn vẹn 3m² trong chợ, cùng với chiếc máy may đạp chân cũ kỹ – "gia sản" đầu tiên của chị trên con đường lập nghiệp. Từ những ngày tháng gian nan ấy, chị đã không ngừng nỗ lực vượt qua bao thăng trầm để gây dựng nên một xưởng may khang trang, rộng lớn như ngày hôm nay. Đồng hành cùng chị trong suốt chặng đường ấy là người chồng – một kỹ sư chế tạo máy- luôn cùng chị vượt qua những khó khăn.
Chị Trần Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc thời trang Cảnh Chi.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Hạnh cho biết, nhờ nghề bán vải và cắt may mà chị bén duyên với chồng. "Từ năm 18 tuổi, tôi đã theo mẹ ra chợ bán vải. Gia đình chồng tôi trước đây cũng bán vải. Mẹ chồng thấy tôi lanh lẹ, quý mến nên bắt mối để hai bên gia đình làm sui. 20 tuổi tôi đã cưới chồng. Lúc đó, anh hơn tôi tận 10 tuổi và làm kỹ sư chế tạo máy cho nhà máy giấy".
Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị xin gia đình ra làm riêng. Thời gian đầu, chị cắt vải may đồ đi khắp các chợ tìm mối bỏ hàng. Những nơi ở xa, chồng chị tranh thủ chở đi. Có khi, cả hai cùng chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng đi rất xa mang từng bộ đồ đi giao cho các tiểu thương khác.
"Có lần, vợ chồng tôi đang trên đường đi thu tiền thì xe bị thủng lốp, không còn cách nào khác, hai vợ chồng phải dắt bộ quay về. Mãi đến sáu tháng sau mới có dịp quay lại. Tuy nhiên, khi lên đến thu tiền thì người ta đã nghỉ bán, không kịp gặp. Những lúc như thế, cả hai chỉ biết buồn rầu vì không có tiền", chị Hạnh nhớ lại.
Có những lúc chị phải "bở hơi tai" đẩy bộ xe hàng cồng kềnh vì xe hết xăng giữa đường. Chính những khó khăn ấy đã tôi luyện nên một người phụ nữ mạnh mẽ, giàu kinh nghiệm sống mà không trường lớp nào có thể dạy được.
Chị Hạnh kể: "Có một lần tôi lên Sài Gòn để lấy hàng, lúc đó tôi ốm nhom chỉ tầm 45 ký. Đồ chất thùng cao cao, mình ngồi chút xíu trên xe chạy về. Đi về giữa đường thì xe hết xăng, nên phải bốc hết hàng xuống gửi một người dân ven đường rồi đẩy bộ đi đổ xăng, vừa đẩy vừa tủi khóc. Vậy nên, giờ ai mà buộc cái gì lên yên mà nặng nặng là tôi lo nhắc nhở đi đổ xăng".
Sau nhiều năm gắn bó với nghề bán vải và cắt may, từ năm 2015, chị Hạnh bắt đầu mở rộng lĩnh vực sang may đồng phục, tập trung là đồng phục học sinh.
Chị Hạnh phân tích: Làm nghề may đồng phục học sinh không hề dễ dàng. Có những đơn hàng đòi hỏi người chủ phải căng não tính toán. Chẳng hạn, khi ký hợp đồng may 2.000 bộ đồng phục cho một trường học, trong khi không thể có số đo cụ thể của từng em, nhà may phải dựa vào kinh nghiệm để ước lượng và chuẩn bị đầy đủ các size phù hợp, đảm bảo học sinh có thể lựa chọn vừa vặn.
Có những lúc áp lực đến mức tôi từng muốn bỏ cuộc. Nhưng sau đó, tôi vẫn cố gắng bám nghề vì muốn gìn giữ công việc truyền thống của mẹ để lại
Trần Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc thời trang Cảnh Chi
Thông thường, nếu trường đặt 2.000 sản phẩm, xưởng phải chuẩn bị nguyên liệu để may gấp đôi để đảm bảo có đa dạng các kích cỡ cho học sinh. Những sản phẩm chưa sử dụng sẽ được lưu kho, hy vọng có thể tiếp tục bán vào năm sau. Nếu mọi việc suôn sẻ, toàn bộ sản phẩm được bán hết thì sẽ có lãi. Nhưng chỉ cần một thay đổi nhỏ, như nhà trường thay người quản lý hay đổi mẫu đồng phục, thì toàn bộ số hàng tồn có thể trở thành lỗ nặng.
Việc quản lý nhân sự cũng luôn gặp phải nhiều khó khăn, nhiều lần khiến chị phải đứng khóc vì bất lực. Chị Hạnh kể lại: Có lần, vì một chút lơ đãng của công nhân khi cắt vải đã khiến cả đơn hàng bị hỏng tới 500 sản phẩm. Nếu bắt công nhân đền vài chục triệu, chẳng những họ không có tiền mà còn rời bỏ xưởng, thì mất cả thợ lành nghề lẫn của. Vì thế, chị luôn cố gắng nhìn mọi việc theo hướng tích cực, tìm cách giải quyết vấn đề thay vì ngồi than vãn hay tiếc nuối quá khứ. Sau đó, chị mới bấm bụng nghĩ ra cách khác: tận dụng những sản phẩm lỗi đó để làm từ thiện, cho may thành phẩm và mang những chiếc áo đó tặng cho người cần. Nhờ đó, chị vừa giữ được người lao động, vừa gieo mầm thiện lành trong cộng đồng. Công nhân cũng tự ý thức hơn, cẩn trọng và có trách nhiệm hơn trong từng đường kim, mũi chỉ.
Không chỉ là người "giữ lửa" cho gia nghiệp, chị Hạnh còn là người "truyền lửa" cho rất nhiều phụ nữ tại địa phương. Từ gian hàng vỏn vẹn 3m² trong chợ, giờ đây chị đã xây dựng xưởng may rộng 300m² với 5 kho hàng khang trang, rộng lớn.
Xưởng may của chị hiện đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 công nhân, trong đó 80% là phụ nữ, đặc biệt là những người lớn tuổi, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp. Chị không ngần ngại giao cho họ những công việc phù hợp như ủi đồ, đóng gói.
Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm ổn định cho ba nhóm thợ may bên ngoài khởi nghiệp với nghề may gia công, số lượng khoảng 40 chị em - những người phụ nữ này thường là mẹ bỉm sữa, bận rộn chăm sóc con cái gia đình, không thể làm việc theo giờ hành chính.
"Phụ nữ lớn tuổi thường khó tìm được việc làm trong các khu công nghiệp hay công ty lớn. Nhưng ở xưởng tôi thì khác, tôi luôn sẵn lòng nhận và sắp xếp cho các chị những công việc phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm. Nhiều chị em đã gắn bó với xưởng suốt nhiều năm, đến khi lớn tuổi, tôi sẽ chuyển các chị sang những vị trí nhẹ nhàng hơn như ủi đồ, xếp hàng. Với tôi, đó không chỉ là giữ chân người lao động mà còn là giữ lại nghĩa tình và sự trân trọng dành cho những người đã đồng hành cùng mình" chị Hạnh chia sẻ.
Chị Hạnh là gương phụ nữ làm kinh tế giỏi thường xuyên "truyền lửa" cho nhiều chị em tại địa phương.
Em Nguyễn Trúc Đào, nhân viên quản lý cửa hàng, xúc động chia sẻ: "Em học chuyên ngành kế toán và đã từng làm việc ở một vài nơi trước khi về làm việc tại công ty hiện tại. Trước đó, mẹ em cũng từng làm cho sếp Hạnh từ những ngày đầu khởi nghiệp. Trong quá trình làm việc, em rất ngưỡng mộ sếp của mình – một người luôn chỉn chu, cẩn thận trong công việc và đặc biệt rất quan tâm, yêu thương nhân viên. Em học được rất nhiều điều quý giá từ sếp, không chỉ trong công việc mà cả cách sống và đối nhân xử thế. Sếp còn thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, điều đó khiến em càng thêm kính trọng và nể phục".
Chị Hạnh có hơn 10 năm tham gia công tác Hội, là Chi hội phó Chi hội nữ Doanh nhân thành phố Dĩ An. Chị Hạnh là gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, thường xuyên tham gia các chương trình khởi nghiệp để truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều chị em. Chị còn nhiệt tình trong công tác thiện nguyện, nhân đạo do chính quyền đoàn thể phường, thành phố phát động như: như tặng sách, vở, quần áo cho trẻ em nghèo, tặng gạo, tiền cho hộ nghèo, ủng hộ các suất ăn từ thiện cho người già neo đơn, người bán vé số, người tàn tật. Chung tay giúp đỡ cho những người nghèo và những mảnh đời bất hạnh.
Đều đặn mỗi tháng, chị trích một phần lợi nhuận để phát gạo cho 50 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với những hộ già cả neo đơn không đến nhận gạo được thì con trai chị chở đến tận nơi để trao.
"Tôi tâm niệm, chừng nào bà tổ nghề còn đãi mình thì mình còn làm. Tôi yêu thích nghề vô cùng, càng làm càng đam mê. Tôi thấy mình gặp nhiều may mắn vậy nên tôi muốn san sẻ với nhiều người khó khăn. Giúp cho chị em gian nan buổi đầu lập nghiệp giống mình. Tôi nghĩ mình đang gieo những hạt giống tốt để con cái mình học theo những điều tử tế", chị Hạnh bộc bạch.
Đều đặn mỗi tháng, chị trích một phần lợi nhuận để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, chị Hạnh cho biết: Để giữ được nghề và tồn tại đến ngày hôm nay, điều quan trọng nhất là phải có uy tín và cái tâm trong công việc. Muốn duy trì sự bền vững, sản phẩm phải chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Khi đã ký hợp đồng với khách hàng, thì phải cam kết làm đúng như thỏa thuận. Nếu giao sai hàng, gian dối dù chỉ một vài lần cũng sẽ đánh mất lòng tin – mà đã mất uy tín thì rất khó để làm ăn lâu dài.
"Với tôi, chữ "tâm" luôn đặt lên hàng đầu, ngay từ khi bắt đầu con đường khởi nghiệp. Làm gì cũng nghĩ đến lợi ích chung, chia sẻ với mọi người và cố gắng tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác. Chính điều đó giúp tôi gắn bó với nghề và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với cả công nhân lẫn khách hàng", chị Hạnh chia sẻ.
Bà Chu Thị Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Dĩ An (Bình Dương), đánh giá: Với vai trò là giám đốc Công ty TNHH may mặc thời trang Cảnh Chi, chị Hạnh đã hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, hỗ trợ nhiều chị em phát triển kinh tế, khởi nghiệp với nghề may gia công. Đối với hoạt động Hội, chị luôn tích cực tham gia hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động thêm ý nghĩa. Với tấm lòng nhân ái mỗi năm chị hỗ trên 300 triệu đồng cho những mảnh đời khó khăn trong và ngoài địa phương. Trao tặng hàng ngàn bộ đồng phục cho học sinh, áo dài trắng cho các em nữ sinh THPT vượt khó, học tốt trên địa bàn thành phố.