Không có thuốc đặc trị cho cây xăng 'ăn gian'

11/09/2015 - 01:38
Đó là lời than của rất nhiều người khi ‘có cảm giác’ mình bị cây xăng ‘ăn gian’.

Thật ra, không khó để nhận thấy điều này, khi cùng với một khoản tiền bỏ ra nhưng nơi thì mực xăng trong bình khá đầy, những nơi khác lại chỉ... lưng lửng. Song, đó chỉ là “trực quan” và thậm chí chỉ là “cảm giác”, chứ không thể “chỉ tận tay, day tận mặt” những kẻ đang tâm gian lận, mặc dù sự thật vẫn cứ sờ sờ trước mắt mọi người, từng ngày từng giờ...

Vẫn biết, nhiều cây xăng gắn các con chip để ăn gian về số xăng, nhưng chỉ có... trời hay cơ quan chức năng mới biết con chip ấy nằm ở đâu, còn người tiêu dùng thì đành chịu! Họ không đủ cả “năng lực chuyên môn” lẫn thẩm quyền để có thể đòi hỏi nhân viên hay chủ cây xăng cho kiểm tra các thiết bị vốn được chế tạo khá phức tạp, nếu có gắn thiết bị hỗ trợ việc “móc túi người tiêu dùng”, thì cũng chẳng biết nó nằm ở cái xó xỉnh nào?! Vì thế mà với người tiêu dùng, việc có bị “móc túi” bằng thủ đoạn gian lận hay không chỉ có thể “đo đếm” bằng cảm quan chứ không thể có bằng chứng. Mà một khi đã không có bằng chứng thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Atx---Ngoaitamkiemsoat.jpg

Việc người tiêu dùng có bị ‘móc túi’ bằng thủ đoạn gian lận hay không chỉ có thể ‘đo đếm’ bằng cảm quan chứ không thể có bằng chứng. Ảnh minh họa: shutterstock

Không ít người còn dặn nhau: “Đừng dại gây gổ với nhân viên bơm xăng, vì nếu bị ghét thì có khi “nó” còn tìm cách ăn bớt bằng nhiều mánh khóe khác”. Thế là “hòa cả làng”, biết là bị “móc túi” nhưng phải “giả câm giả điếc” coi như không có chuyện gì xảy ra.

Giả sử, đặt dấu hỏi với cơ quan chức năng - những người có quyền và có khả năng phát hiện những chiêu trò gian lận - rằng, họ có biết tình trạng này đang rất phổ biến hay không? Hẳn nhiên là họ biết. Thỉnh thoảng, họ vẫn đi kiểm tra, vẫn phát hiện mỗi địa phương có tới vài chục cây xăng có gắn chip vẫn ăn gian bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng sau khi họ kiểm tra xong (có cả biên bản vi phạm và yêu cầu khắc phục hẳn hoi), thì mọi chuyện lại đâu vào đấy, chẳng có thay đổi nào hết!

Trước mỗi lần đổ xăng cho khách, các nhân viên đều chỉ tay về phía màn hình của cây xăng, như muốn khẳng định “Tôi không ăn gian đâu nhé!”. Tuy nhiên, cái chỉ tay đó chẳng qua là hình thức, còn thực chất thì nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị “móc túi” một cách trắng trợn.

Không biết đến bao giờ mới có “thuốc” để “trị” được căn bệnh trầm kha này?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm