Không mời thầy mo về cúng để khỏi bệnh, người Bru-Vân Kiều đã đi viện mỗi khi ốm đau

Nguyễn Long
10/12/2023 - 08:42
Không mời thầy mo về cúng để khỏi bệnh, người Bru-Vân Kiều đã đi viện mỗi khi ốm đau

Một thầy cúng ở xã Trường Sơn.

Theo phong tục của đồng bào Bru-Vân Kiều, người ốm đau, bệnh tật, thậm chí gãy tay cũng không đi bệnh viện, họ chỉ cúng bái để khỏi. Các tuyên truyền viên của "Tổ truyền thông cộng đồng" đã giúp họ từng bước loại bỏ phong tục lạc hậu này khỏi đời sống.

Ốm đau, gãy tay cũng không đi bệnh viện

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Đá Chát, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã ngày một ấm no hơn. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số phong tục không phù hợp với đời sống hiện đại.

Bản Đá Chát có 25 hộ dân sinh sống với gần 100 nhân khẩu, trong đó có 15 hộ nghèo, 10 hộ thuộc diện cận nghèo và tất cả đều là người đồng bào Bru-Vân Kiều.

Bà Hồ Thị Thư, trưởng bản Đá Chát (xã Trường Sơn) cho biết, theo phong tục của đồng bào Bru-Vân Kiều, người ốm đau bệnh tật, thậm chí gãy tay, gãy chân cũng không đi bệnh viện, không sử dụng thuốc để chữa mà chỉ cúng bái để khỏi.

Bên cạnh đó, đàn ông trong bản cũng không làm việc nhà, hàng ngày chỉ lên rừng kiếm củi và hái măng rừng đem bán, những lúc rảnh họ lại tụ tập ngồi uống rượu. Còn việc chăm con, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa mặc nhiên là của của phụ nữ.

Theo bà Thư, nếu người Bru-Vân Kiều bị ốm, sốt thì sẽ mời thầy mo về để làm lễ cúng. Còn bị gãy tay, gãy chân thì sẽ mời thầy "thổi" về để làm lễ, sau đó thầy "thổi" này sẽ dùng miệng "thổi phép" vào vết thương của người bị gãy xương và chỉ thời gian ngắn sau vết thương sẽ lành.

Không mời thầy mo về cúng để khỏi bệnh, người Bru-Vân Kiều đã đi viện mỗi khi ốm đau- Ảnh 1.

Bà Hồ Thị Thư, trưởng bản Đá Chát

Bà Thư cho rằng, từ xưa đến nay nhiều người đồng bào Bru-Vân Kiều rất tin tưởng vào tay nghề của các thầy mo. Tuy nhiên, việc cúng bái để khỏi ốm có thể chưa thực sự được thuyết phục.

"Có thể nhờ thầy mo về cúng sẽ làm tinh thần người ốm tốt hơn, tinh thần tốt thì bệnh tật cũng nhanh tiêu tan. Đối với các trường hợp ốm đau nhẹ, chỉ cần vài ngày đến một tuần là tự khỏi. Thực tế thì thầy mo cũng chỉ cúng được cho những trường hợp ốm nhẹ khỏi", bà Thư cho hay.

Phong tục lạc hậu đang dần được bài trừ

Bà Thư cho biết, năm 2022, xã Trường Sơn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng".

Mặc dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" đã mang lại những hiệu quả rõ nét. Đàn ông đã "biết làm" việc nhà, tình trạng bạo lực gia đình cũng giảm hẳn, trẻ em ở địa phương cũng được chăm sóc tốt hơn.

Không mời thầy mo về cúng để khỏi bệnh, người Bru-Vân Kiều đã đi viện mỗi khi ốm đau- Ảnh 2.

Những ngôi nhà ở bản Đá Chát

"Từ khi thành lập mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, cán bộ Trung ương Hội LHPN Việt Nam thường xuyên về địa phương để tổ chức các buổi tập huấn về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, thu hút được rất đông người tham gia, qua đó từng bước xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu tại địa phương. 

Hiện tại người dân trong bản nếu ai ốm đau, bệnh tật, gãy xương, đa phần đều chủ động đi bệnh viện, chứ ít khi mời thầy mo, thầy thổi về chữa như trước đây nữa", bà Thư nói và cho biết, bản thân bà cũng là thành viên của "Tổ truyền thông cộng đồng".

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết, trước đây khi chưa có "Tổ truyền thông cộng đồng", chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền vận động bà con nên đi bệnh viện nếu xảy ra vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao. 

"Có thể thấy rõ, nhận thức của người đồng bào Bru-Vân Kiều ở địa phương đã và đang thay đổi từng ngày, các phong tục lạc hậu đang dần bị bài trừ khỏi đời sống của bà con Bru-Vân Kiều. Kết quả này là nhờ vào sự nỗ lực của các thành viên của "Tổ truyền thông cộng đồng" mang lại", bà Dung cho hay.

Thành viên của "Tổ truyền thông cộng đồng" bao gồm: Hội Phụ nữ, thanh niên, nông dân, trưởng bản, già làng, người có uy tín… Họ là những người đi đầu trong thay đổi những nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, văn hóa lạc hậu, lan tỏa và giúp cho người dân có thêm sự hiểu biết, giúp cho phụ nữ và trẻ em gái vượt lên chính mình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm