"Kiếp cầm khay" là cách nói có phần chua chát của chị Nguyễn Thị Phương (48 tuổi), nữ doanh nhân về những người làm ngành nghề dịch vụ nhà hàng khách sạn. Cũng như "kiếp cầm ca" là cách nói về những người làm nghề ca sỹ, thì người làm nghề này cũng từng bị định kiến rằng đây là một nghề mưu sinh không tử tế. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, mọi người cũng dần có cái nhìn cởi mở hơn đối với công việc này.
Rèn giũa chí thoát nghèo từ tuổi thơ khốn khó
Chị Phương là út trong một gia đình có 10 người con, làm nghề thủ công trên phố Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội). Nhà đông con, gia cảnh khó khăn nên để các con có được 'miếng ăn, cái mặc', bố mẹ chị Phương đã rất vất vả. Và trong cái tuổi thơ ấy, khi hàng ngày được chứng kiến dáng mẹ hao gầy, dáng cha lận đận, nên vào năm lên 10 tuổi, chị Phương ngoài những lúc đi học thường tranh thủ đi chợ để kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ giúp song thân.
Tuổi nhỏ, lại bươn trải trong cảnh chợ búa nên chị Phương không tránh khỏi những lần bị tranh chỗ, bị đuổi mắng, nhưng rồi chị cũng bỏ ngoài tai hết, ai đuổi thì đi chỗ khác. "Bởi mục đích của mình khi ấy không phải là sự hơn thua với người đời, mà là làm sao để cha mẹ đỡ vất vả, bản thân mình thì có thể tiếp tục được việc học, mình vẫn ước mơ được vào đại học", chị Phương chia sẻ.
Trong những năm tháng ấy, chị Phương cho biết, mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với chị. Mẹ rất dịu hiền, chịu thương chịu khó lo cho chồng con, mẹ dạy từng nết ăn nết ở. Vì vậy, càng thương mẹ bao nhiêu, chị càng dồn sức vào việc học bấy nhiêu. Năm 1989, chị Phương đỗ vào Đại học Thương mại, cũng là người duy nhất trong nhà được học tới đại học. Hai anh trai ngay trên chị đã hy sinh trong chiến trường miền Nam, các anh chị khác đã có gia đình.
Lên đại học, với ý chí 'tự lực tự cường', không để ba mẹ vì mình mà phải vất vả thêm, chị Phương tranh thủ đi làm thêm. Trên đường đi học, chị Phương chở bánh gato gửi bán tại các quán nước, khi đi học về thì thu tiền. Nhờ vậy, trong suốt những năm tháng đại học, chị Phương có thể tự lo được học phí mà không phải xin tiền cha mẹ.
Học đến năm thứ 2, một biến cố lớn xảy đến đối với chị Phương, mẹ chị bệnh nặng và qua đời, chị mất đi chỗ dựa tinh thần. Thương tiếc trước sự ra đi của vợ, 3 năm sau bố chị cũng đi theo mẹ. Từ đây, trên con đường của chị không còn được nghe những lời động viên của mẹ, những lời an ủi từ cha, chị cần phải cố gắng hơn nữa để thoát cảnh đói nghèo, để các con của chị sau này có cuộc sống tốt hơn.
Từ nhân viên phục vụ bàn đến bà chủ của chuỗi nhà hàng
Sau 2 năm tốt nghiệp đại học, chị Phương xin vào nhà hàng Opera (quận Hoàn Kiếm) làm phục vụ. Tuy chỉ là vị trí phục vụ thôi nhưng yêu cầu đối với công việc ở đây cũng rất cao, trong đó quan trọng nhất là phải biết giao tiếp bằng tiếng Anh – vì nhà hàng ở đây chủ yếu phục vụ người nước ngoài. Khổ nỗi, chị Phương chỉ biết tiếng Nga, nên trong buổi phỏng vấn với chủ nhà hàng, chị có bày tỏ rằng "Tuy hiện tại em không nói được tiếng Anh, nhưng em cam đoan với anh, chỉ sau 6 tháng em sẽ nói được. Và em tin rằng, anh sẽ không phải hối tiếc khi tuyển dụng em".
"Tuy hiện tại em không nói được tiếng Anh, nhưng em cam đoan với anh, chỉ sau 6 tháng em sẽ nói được. Và em tin rằng, anh sẽ không phải hối tiếc khi tuyển dụng em", chị Phương tự tin nói với ông chủ nhà hàng.
Nghe chị Phương nói, ông chủ nhà hàng người Việt có vẻ ngạc nhiên, vì trong hồ sơ xin việc cho thấy chị chưa có kinh nghiệm, vậy mà chị lại quá tự tin. Anh nhìn sâu vào đôi mắt chị một lúc rồi mới trả lời "Vậy được, anh cho em một cơ hội". Nghe ông chủ nói vậy, chị Phương cảm nhận rằng anh cũng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng mình, nhưng điều chị cần làm nhất là dùng hành động để chứng minh những điều mình đã nói.
Chị Phương cũng như những người có sự nghiệp thành công khác, ai cũng đều có những trở ngại lớn, khi vượt qua được rồi thì nó quyết định hướng đi và thành tựu sau này. Lúc đó, chị đã lập gia đình và vừa mới sinh con được 6 tháng, một bài toán khó mà chị cần phải giải quyết là vừa chăm con, lo cơm nước cho gia đình, làm việc và cải thiện vốn tiếng Anh có xuất phát điểm là số 0. "Làm sao để tất cả đều trở nên tốt đẹp?", chị Phương tự vấn.
Rất may, trong bài toán này có tham số, công việc của chị làm vào ca gẫy (tức là làm từ 10h-14h, và từ 18h-22h), cho nên chị Phương có thời gian chăm sóc con, tranh thủ học tiếng Anh tại một trung tâm gần nhà vào buổi chiều, mỗi buổi học diễn ra trong vòng 2 tiếng (từ 14h-16h). Học xong, chị Phương tranh thủ về nhà cho con ăn và lo cơm nước cho gia đình, rồi tiếp tục đi làm cho tới 22h đêm. Những kiến thức đã học, chị Phương nhớ được tí nào thì đem ra giao tiếp với khách hàng, khi nào không giao tiếp được thì dùng ngôn ngữ cử chỉ. Đêm về, sau khi ru con ngủ, chị lại mở sổ tay ôn từ vựng một lần nữa rồi mới chìm vào giấc ngủ.
"Không biết tại sao lúc đó mình lại có nghị lực phi thường đến vậy. Chỉ biết rằng công việc cuốn hút mình quá, mình làm không biết mệt, vì công việc đã đem lại niềm vui cho mình khi được giao tiếp với nhiều người và mở rộng thêm vốn hiểu biết", chị Phương tâm sự.
Chia sẻ về khoảng thời gian mà chị nói là gian khó nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất này đối với mình "Không biết tại sao lúc đó mình lại có nghị lực phi thường đến vậy. Chỉ biết rằng công việc cuốn hút mình quá, mình làm không biết mệt, vì công việc đã đem lại niềm vui cho mình khi được giao tiếp với nhiều người và mở rộng thêm vốn hiểu biết", chị Phương tâm sự. Với tâm thế như vậy, tiếng Anh của chị Phương đã tiến bộ đến chóng mặt. Chỉ sau 6 tháng, chị đã giao tiếp cơ bản được với người nước ngoài và được thăng lên vị trí tổ trưởng.
Tuy vậy, khi lựa chọn công việc này chị không dám nói với gia đình, mà chỉ nói khéo là đi làm thu ngân, kế toán. Bởi vào thời điểm đó, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về nghề này nên họ thường có tâm lý coi khinh và có những đánh giá không hay.
Năm 1998, chị Phương chuyển sang Khách sạn Melia 5 sao tại 44B Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) làm giám sát. Trong thời gian làm việc tại đây, từ năm 2000-2004, chị tranh thủ thi vào Đại học Ngoại thương, Khoa Kinh tế đối ngoại học lấy văn bằng 2. Năm 2005, chị sang Khách sạn Hilton 5 sao tại số 1 Lê Thánh Tông làm quản lý nhà hàng Việt Nam; từ năm 2006-2010, chị sang Khách sạn Metropole Sofitel 5 sao làm quản lý Bar. Sau những năm tháng phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi, chị được đồng nghiệp bầu là nhân viên xuất sắc trong tháng, trong năm và phần thưởng đặc biệt là một chuyến du lịch Malaysia và Singapore.
Năm 2011, chị được tập đoàn Gami mời về làm Giám đốc vận hành cho chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh – The Pizza Company. Cũng tại đây, chị có cơ duyên được sang Thái Lan học về quản trị doanh nghiệp do tập đoàn Minor nhượng quyền thương hiệu. Và trong lần chu du nước ngoài này, chị đã có một trải nghiệm không thể quên là được thưởng thức món ăn tại một nhà hàng ven bờ sông Phraya hiền hòa ở Bangkok. Ánh đèn vàng của nhà hàng phối với màu đêm của dòng sông mênh mông cùng với hương vị của món ăn tạo thành một cảm thức đầy nghệ thuật, đó là vẻ đẹp. Từ phút giây này, chị nuôi mơ ước sau này sẽ mở một nhà hàng như vậy ở Việt Nam. Ước mơ này đã thành hiện thực vào năm 2019, chị sở hữu một nhà hàng Bia Quán Mộc ven sông Hồng. Đây cũng là nhà hàng lớn nhất trong chuỗi nhà hàng chị sở hữu, có thể phục vụ một lúc hàng trăm người.
Nhà hàng ven sông Hồng của chị Phương
Nhưng trước khi mở được nhà hàng này, sau khi xin nghỉ việc tại tập đoàn Gami, với vốn tích lũy kinh nghiệm về quản lý nhân sự, quản lý tài chính, điều hành chuỗi thức ăn nhanh, chị Phương bắt đầu từ những cửa hàng nhỏ vài chục ghế ngồi tại những trung tâm thương mại. Thời điểm này (năm 2014), các trung tâm thương mại ở Hà Nội bắt đầu được xây dựng nhiều, nhưng ít người dám đầu tư cửa hàng ăn uống tại đây, trong khi ở Thái Lan các cửa hàng ăn ở trung tâm thương mại lại rất phát triển. Nhận thấy được cơ hội này, do vốn ít nên chị khởi đầu bằng cửa hàng với quy mô nhỏ, sau rồi cửa hàng làm ăn phát đạt, chị lấy lãi của cửa hàng này để mở thêm cửa hàng khác, rồi lại lấy lãi của cửa hàng khác này để mở thêm cửa hàng khác nữa… tại các trung tâm thương mại như Savico Long Biên, Times City, Aeon Long Biên, Aeon Hà đông …
Và trong suốt quá trình đi lên từ nhân viên phục vụ bàn đến bà chủ của chuỗi nhà hàng, chị Phương luôn luôn đặt sự hài lòng của khách hàng là cái đích, coi sự vui vẻ của khách hàng là niềm vui, là phần thưởng dành cho mình. Khi khách hàng cảm thấy hài lòng thì chị sẽ được ghi nhận, từ đó thu nhập cũng sẽ cao hơn. Nhiều khi gặp những khách hàng khó tính nhưng bằng cách ứng xử khôn khéo, chị đã dàn xếp ổn thỏa, không gây tai tiếng cho nhà hàng và biến chính những người khách khó tính đó thành khách hàng thường xuyên của nhà hàng.
Năm 2018, chị Nguyễn Thị Phương được Tổng cục Du lịch và Tổng cục dạy nghề mời làm Giám khảo cuộc thi tay nghề cấp quốc gia và cuộc thi tay nghề thế giới tổ chức tại Thái Lan về ngành dịch vụ nhà hàng. Đây cũng là một trong những niềm vinh dự của chị Phương khi theo đuổi nghề này cho đến nay. Suy cho cùng, con đường đến với "nghề cầm khay" của chị Phương cũng vậy, vẹn tròn trong một chữ 'kiếp', bởi chị cũng chưa từng nghĩ bản thân sẽ theo nghề này, và khi đã theo rồi thì cái đắng chị nhận được cũng rất nhiều, để rồi mới có được những cái 'ngọt' của ngày hôm nay.
Khi được hỏi rằng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như thế này, chị có lo lắng nhà hàng của mình bị thua lỗ hay phá sản hay không, chị Phương mỉm cười "Mình đã đi lên từ hai bàn tay trắng, nếu có mất hết thì cũng chỉ trở về hai bàn tay trắng, nhưng cái được lớn nhất của mình bây giờ là sự trưởng thành của con cái". Được biết, con trai chị Phương vừa du học từ Ý trở về Việt Nam, con gái thứ hai của chị hiện đang học lớp 11.
Chị Phương ngồi đó, vẻ mặt điềm tĩnh, dòng Nhị Hà cạnh bên cuồn cuộn, hàng nghìn nước sóng xô đẩy vào bãi giữa sông Hồng, những cành lau phất phơ trước gió bị ám màu bởi ánh hoàng hôn đang xuống dần bên kia cầu Long Biên.
Bài, ảnh: Trường Hùng